600 nhà chờ xe buýt chuẩn Châu Âu: Tránh biến tướng

Phát triển hạ tầng nhà chờ xe buýt là điều cần thiết nhưng cần tránh biến tướng thành các ki-ốt bán hàng trong tương lai.

by

Ngày 26/5/2020, chuyên gia giao thông PGS.TS Nguyễn Quang Toản bày tỏ sự vui mừng với Đất Việt trước thông tin TP. Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng 600 nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn Châu Âu với tổng kinh phí vào khoảng 1.000 tỷ đồng.

"Việc phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ là điều cần thiết. Đặc biệt nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân Thủ đô là rất lớn. Nhiều khu vực nhà chờ xe buýt của Thủ đô đang xuống cấp hoặc không đáp ứng được chất lượng tối thiểu như chia nắng, che mưa dẫn tới tình trạng giờ cao điểm người đứng chờ xe buýt rất lộn xộn.

Nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn Châu Âu thực ra cũng không có gì quá to tát, chỉ cần đáp ứng đầy đủ tiêu chí có chỗ ngồi ghế tựa, người dân có thể yên tâm chờ đợi mà không phải lo lắng về mưa - nắng và điều quan trọng nhất là có nhà vệ sinh" - PGS.TS Nguyễn Quang Toản cho hay.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/27/411148/600-nha-cho-xe-buyt-tieu-chuan-chau-au-tranh-bien-tuong_271147404.jpg
Nhà khu vực chờ xe buýt của TP. Hà Nội đang quá tải vào giờ cao điểm.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cũng lưu ý: "Với hạ tầng giao thông hiện nay của Thủ đô thì phần lớn các nhà chờ xe buýt đều nằm trên vỉa hè. Nếu làm nhà chờ theo tiêu chuẩn Châu Âu thì vỉa hè đó phải đủ rộng để khi xây lên vẫn còn tối thiệu khoảng rộng 2 mét cho người dân đi bộ.

Bên cạnh đó, vị trí làm nhà chờ cũng phải tránh đối diện với nơi nhà dân đang sinh sống bởi sẽ có thêm nhà vệ sinh. Trước Hà Nội cũng từng nghiên cứu làm nhà vệ sinh cạnh nơi chờ xe buýt nhưng bị người dân sống ở khu vực xung quanh phản đối..." .

Từ những điều trên, PGS.TS Nguyễn Quang Toản cho rằng, việc làm nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn Châu Âu sẽ rất khó khăn, vấp phải nhiều sự phản ứng của người dân. Nếu đặt nhà chờ xa quá thì việc di chuyển của người dân sẽ không phù hợp, gây bất tiện... dẫn tới dự án đầu tư khó đạt hiệu quả.

"Thay vì đầu tư vào nhà chờ, tôi cho rằng điều cần thiết hơn lúc này là nâng cao chất lượng xe buýt, nghiên cứu mở đường riêng cho loại hình vận tải này. Khi đó mới tiếp tục nghĩ tới việc nâng cấp nhà chờ thì hạ tầng mới đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất" - ông Toản bày tỏ.

Một vấn đề cũng được vị chuyên gia này lưu ý là hình thức đầu tư dự án theo phương thức hợp tác công tư (PPP), doanh nghiệp tư nhân trúng thầu dự án sẽ tiến hành xây dựng và được nhượng lại quyền lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m trong thời gian 20 năm.

Chính vì thế, với doanh nghiệp trúng thầu dự án này cũng không khác gì việc bỏ tiền ra để thuê cơ sở giới thiệu sản phẩm trong thời gian dài hạn. Tính ra, mỗi cơ sở của họ cũng chỉ tiêu tốn khoảng 1,6 tỷ đồng trong 20 năm. Điều này đối với doanh nghiệp quá có lợi so với giá thuê mặt bằng hiện nay ở Thủ đô.

"Về cơ bản thì việc đặt biển quảng cáo như thế này sẽ không làm ảnh hưởng tới mục đích chính của nhà chờ nhưng để tránh tình trạng có thể biến tướng trong tương lai khi các nhà chờ có thể biến thành ki-ốt bán hàng, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp thì Sở GTVT Hà Nội cần phải quy định chi tiết vấn đề này trong hợp đồng ký với nhà đầu tư" - PGS.TS Nguyễn Quang Toản kiến nghị.