Ông Trump sẵn sàng hủy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Tức giận với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thỏa thuận thương mại không còn quan trọng với ông như trước kia.

by

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News ngày 26/5, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Tổng thống Donald Trump bất bình với Trung Quốc về một số vấn đề, trong đó có cáo buộc Bắc Kinh thiếu minh bạch về đại dịch Covid-19 và việc Trung Quốc gần đây đưa ra dự luật an ninh với Hong Kong.

"Thật lòng mà nói, Trung Quốc đang mắc một sai lầm lớn", ông Kudlow nói.

Cố vấn trên cho biết thêm, hiện tại chính quyền của Tổng thống Trump cảm thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc không còn quan trọng như trước kia. Ông khẳng định, Washington sẵn sàng chào đón bất cứ doanh nghiệp Mỹ nào từ Hong Kong hay Trung Quốc đại lục trở về.

"Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để bù đắp chi phí cho việc dịch chuyển này nếu họ đưa chuỗi sản xuất trở lại Mỹ", ông Kudlow nói.

Cùng ngày, Tổng thống Trump một lần nữa phát đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 trong bối cảnh ông đối mặt sức ép ngày càng tăng về việc phải có quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

"Trong suốt 50 năm qua chưa có ai nhún nhường Trung Quốc hơn Biden "ngủ gật". Ông ấy cho họ mọi thứ mà họ muốn, bao gồm cả thỏa thuận thương mại khá hời. Tôi sẽ lấy lại tất cả", ông Trump viết trên Twitter.

Nhiều ý kiến nhận định rằng, dòng Twitter của ông Trump là dấu hiệu mới nhất cho thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có thể lung lay, nhất là khi áp lực đang tăng lên đối với Washington nhằm trừng phạt Trung Quốc vì đại dịch Covid-19.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/27/2441140/trump-san-sang-huy-thoa-thuan-thuong-mai-voi-tq-doa-suong_271137847.jpg
Tổng thống Donald Trump một lần nữa lại tỏ ý muốn hủy bỏ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu tiên ông Trump phát tín hiệu sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Thậm chí, có lần vị Tổng thống Mỹ còn tuyên bố sẵn sàng cắt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc.

Việc hủy bỏ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc không đơn giản và dễ dàng như vậy, nhất là khi ông Trump đang  phải chịu áp lực về tăng trưởng kinh tế, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới đang ở rất gần.

Trong khi đó, nước Mỹ đang ở trong giai đoạn thực sự khó khăn khi dẫn đầu số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới, ghi nhận hơn 1,4 triệu ca và hơn 89.000 người tử vong.

Trao đổi với CBS News, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho hay, người Mỹ cần chuẩn bị cho một thực tế kinh tế mới và sẽ phải mất một khoảng thời gian để quốc gia này có thể quay trở lại như ban đầu. Hơn 36 triệu người Mỹ đã phải nộp đơn yêu cầu thất nghiệp trong 8 tuần, với mức độ thiệt hại chưa rõ ràng. Những nhà kinh tế đều đồng ý rằng, Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái do sự bùng phát của Covid-19 và nền công nghiệp bị đình trệ.

Theo ông Powell, sự suy thoái này có thể kéo dài cho đến cuối năm 2021 nhưng nền kinh tế Mỹ sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi có vaccine cho Covid-19.

Còn một bản thảo thông báo nội bộ Bộ Quốc Phòng Mỹ bị rò rỉ ngày 19/5 cho thấy, quân đội Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng thực sự đại dịch Covid-19 sẽ tồi tệ hơn trong mùa đông này khi mà chưa chưa có vaccine cho tới mùa hè năm 2021.

Bản thông báo cho biết: "Chúng ta có một chặng đường dài phía trước với khả năng thực sự tái bùng phát của dịch Covid-19. Chính vì vậy, chúng ta giờ phải tập trung lại sự chú ý của mình vào việc nối lại các nhiệm vụ quan trọng, tăng mức độ hoạt động và đưa ra chuẩn bị cần thiết nếu dịch bùng phát trở lại đáng kể vào cuối năm nay".

Nếu thời điểm này thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung bị hủy bỏ và nguy cơ một cuộc thương chiến tái diễn, nó sẽ giáng một đòn vào nền kinh tế Mỹ vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề với dịch bệnh. Nhiều ngành kinh tế bị tác động, điển hình là nông nghiệp, lĩnh vực trước đó ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan trả đũa của Trung Quốc. Người nông dân cần xuất khẩu hàng hóa họ làm ra.

Một điểm đáng lưu ý, Oxford Economics hôm 20/5 đã công bố dự báo mới nhất từ mô hình bầu cử quốc gia của họ, cho thấy Tổng thống Donald Trump sẽ có một "thất bại lịch sử" vào tháng 11. Mô hình này sử dụng tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập còn lại sau khi đóng thuế, phí và lạm phát để tính toán các kết quả bầu cử. Theo đó, Trump có thể sẽ thua đậm khi chỉ giành được 35% số phiếu bầu phổ thông.

Kết quả trên khác hẳn với dự báo của chính mô hình này trước khủng hoảng, rằng Trump sẽ thắng với khoảng 55% phiếu bầu. Đồng thời, đây cũng là kết quả tệ nhất cho một tổng thống đương nhiệm trong một thế kỷ qua.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang tăng với tốc độ chưa từng thấy. Chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm. GDP đang lao dốc. Lịch sử đã cho thấy kinh tế rơi tự do sẽ khiến các tổng thống đương nhiệm tái tranh cử thất bại.

"Sẽ không có một phép màu kinh tế nào có lợi cho Trump đâu. Kinh tế là một trở ngại gần như không thể vượt qua đối với ông ấy trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới", Oxford Economics viết trong báo cáo.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, mô hình của Oxford Economics đã dự đoán chính xác tỷ lệ phiếu bầu phổ thông cho các kỳ bầu cử từ năm 1948, ngoại trừ năm 1968 và 1976 khi các ứng viên thua về phiếu bầu phổ thông nhưng vẫn giành chiến thắng chung cuộc nhờ phiếu đại cử tri.

Bởi vậy, vì tương lai chính trị của mình, có lẽ Tổng thống Donald Trump sẽ chưa vội vàng hủy bỏ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc dù đã nhiều lần dọa dẫm.