https://vnreview.vn/image/20/77/91/2077916.jpg

Oppo tăng tốc phát triển chip khi Mỹ cấm vận Huawei

Lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Huawei đã thúc đẩy đối thủ lớn nhất trong nước của hãng công nghệ Trung Quốc đầu tư sản xuất chip, thậm chí thu hút nhân lực của các đối tác cung cấp.

https://vnreview.vn/image/20/77/91/2077915.jpg?t=1590555556017

Theo Nikkei, Oppo, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai của Trung Quốc và thứ năm trên thế giới, đã bắt đầu các nỗ lực tự thiết kế chip di động vào năm ngoái, khi Mỹ bắt đầu kiểm soát các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei.

Các nhà phân tích cho rằng thiết kế chip riêng có thể giúp Oppo giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở Mỹ, cũng như cạnh tranh ở các thị trường nước ngoài nơi Huawei hiện đang gặp khó khăn, các nhà phân tích nói. Nhưng cái giá của những nỗ lực này sẽ không rẻ, và có thể mất nhiều năm để có kết quả, theo những người trong ngành.

Là một phần của chiến lược chip mạnh mẽ hơn, Oppo đã tuyển dụng một số giám đốc điều hành hàng đầu của hãng chip MediaTek, cũng như nhiều kỹ sư của UNISOC, nhà phát triển chip di động lớn thứ hai Trung Quốc, để tạo ra một nhóm nhân sự có kinh nghiệm ở Thượng Hải. MediaTek có trụ sở tại Đài Loan là nhà phát triển chip di động lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm của Mỹ.

Những người được Oppo tuyển dụng gần đây bao gồm Jeffery Ju, cựu giám đốc MediaTek và cũng là cựu giám đốccủa nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi. Jefffery Ju cũng đã hợp tác với Oppo dưới vai trò là nhà tư vấn. Một nhân vật đáng chú ý khác liên quan đến mảng phát triển chip điện thoại thông minh 5G của MediaTek cũng sẽ gia nhập Oppo sau một hoặc hai tháng nữa. Oppo cũng đã tiếp cận với các nhân sự tài năng của Qualcomm cũng như mảng chip HiSilicon của Huawei.

Thuê các cựu chiến binh trong ngành với nhiều thập kỷ kinh nghiệm phát triển có thể giúp Oppo tăng tốc tham vọng chip.

"Oppo đã ráo riết tuyển dụng nhân tài chip từ năm ngoái khi họ nhận ra rằng việc sở hữu khả năng thiết kế chip sẽ giúp họ kiểm soát nhiều hơn chuỗi cung ứng của mình", một nguồn tin có kiến ​​thức trực tiếp cho biết. Tuy nhiên, phát triển chip có thể đốt rất nhiều tiền và ngay cả khi Oppo đã thuê một nhóm các chuyên gia có kinh nghiệm, những nỗ lực như vậy cũng mất nhiều năm mới có thành quả.

Oppo nói rằng họ "đã có khả năng về chip" và "mọi khoản đầu tư R&D là để tăng cường khả năng cạnh tranh sản phẩm và trải nghiệm người dùng", nhưng công ty đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi về việc thuê gần đây.

MediaTek cũng từ chối bình luận.

Trong khi đó, Huawei cũng đã thành lập đơn vị thiết kế chip nội bộ riêng, HiSilicon, hơn 10 năm trước và đã trở thành nhà phát triển chip lớn nhất của Trung Quốc. Ngược lại, Oppo chưa có đội ngũ thiết kế chip cạnh tranh và phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp của Mỹ cho các dòng chip xử lý di động và modem 5G được sử dụng trong smartphone. Dòng smartphone chủ lực mới nhất của Oppo, Find X2 series, phát hành vào tháng 3, sử dụng chip di động Snapdragon 5G của Qualcomm, trong khi dòng máy tầm trung của Oppo phát hành đầu năm nay sử dụng nền tảng di động 5G mới của MediaTek.

Xiaomi, một đối thủ khác của Oppo và là nhà sản xuất điện thoại thông minh số 4 thế giới, đã thành lập đơn vị chip vào năm 2014, nhưng Xiaomi đã không ra thế hệ chip di động thứ hai kể từ lần đầu tiên vào năm 2017. Hiện tại Xiaomi chủ yếu vẫn dựa vào Qualcomm và Mediatek cho chip smartphone.

Những nỗ lực phát triển chip nội bộ của Oppo là một phần chiến dịch "phi Mỹ hóa" lớn hơn mà các công ty Trung Quốc đã tiến hành khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang. Nhưng việc có chip riêng cũng mang lại lợi thế cho chính họ ở nước ngoài - một thị trường ngày càng quan trọng với Oppo khi Huawei tiếp tục giành chỗ đứng sân nhà.

Tại châu Âu, doanh số quý đầu tiên của Oppo đã tăng hơn 1.000%, theo IDC, mặc dù doanh số toàn cầu của hãng giảm 1,2% trong năm xuống còn 22,7 triệu máy. Công ty cũng đã tăng cường hợp tác với một số nhà khai thác châu Âu như Vodafone, Orange và Telefonica, một động thái có thể giúp hãng mở rộng sự hiện diện trong khu vực.

Joey Yen, một nhà phân tích công nghệ của IDC, cho biết nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử hy vọng "tùy chỉnh chip của họ để tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh và về lâu dài có thể có lợi nhuận và dẫn đầu thị trường". Các thiết kế chip smartphone tiêu chuẩn thường có sẵn và rẻ hơn so với các thiết kế tùy chỉnh, nhưng sử dụng chip bán sẵn nghĩa là "thiết bị của bạn phát triển có thể giống với các đối thủ khác trong ngành, đặc biệt là trong thị trường điện thoại thông minh cạnh tranh và đang suy giảm".

Căng thẳng công nghệ và lệnh trừng phạt Huawei chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và nguồn cung thị trường điện thoại thông minh nói chung, thậm chí có thể thay đổi cục diện cạnh tranh. Huawei sẽ tiếp tục tồn tại ít nhất là ở Trung Quốc, trong khi các đối thủ Trung Quốc là Oppo, Vivo và Xiaomi sẽ tận dụng cơ hội này để mở rộng trên toàn cầu.

Hoàng Lan