Trung Quốc trả đũa thương mại, Úc hứng đòn nặng nề
Nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Úc đã bị chặn lại ở các cửa khẩu Trung Quốc hoặc bị đánh thuế cao sau khi chính quyền Canberra chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý dịch Covid-19.
Các mặt hàng xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc đã không được hải quan đồng ý thông quan bao gồm yến mạch, sữa bột, hạnh nhân... do không đáp ứng được quy định và “có vấn đề về sâu bệnh và nấm mốc”. Không những vậy, chính quyền Trung Quốc cũng thẳng thừng tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu lên mặt hàng thịt bò Úc.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan hôm 25/5 một lần nữa nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ điều tra nghi vấn vụ việc lúa mạch Úc được bán phá giá tại thị trường 1,4 tỷ dân.
“Các hành động phá giá và trợ cấp của Úc đã gây thiệt hại đáng kể của ngành nông nghiệp nội địa”, bộ này nêu đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất Úc với lý do “có vấn đề về nhãn mác và chứng nhận chất lượng hàng nhập khẩu”.
Mức thuế 80,5% sẽ có hiệu lực từ ngày 19/5 và thời hạn lên tới 5 năm, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%.
Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Zhong Shan hôm thứ 25/5 nhắc lại rằng cuộc điều tra của Bắc Kinh về việc bán phá giá lúa mạch Úc là kỹ lưỡng và tuân thủ các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Úc (ChAFTA).
Không những vậy, Cục Quản lý Hải quan Trung Quốc cảnh báo “chất lượng kém” của yến mạch và bột yến mạch từ CBH Group, nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Úc.
Vào năm ngoái, hai lô xuất khẩu bột yến mạch trong tháng 5 nặng hơn 500.000 kg mỗi lô, một lô hàng yến mạch trị giá 540.000 kg trong tháng 6 và một lô yến mạch 570.000 kg trong tháng 9 đều bị hải quan Trung Quốc từ chối cho thông quan.
Nguồn tin Bloomberg cũng cho biết chính quyền Trung Quốc đang tính hạn chế hoặc đánh thuế cao nhiều mặt hàng Úc khác như rượu vang, sữa, hải sản, bột yến mạch và trái cây...
Giới phân tích cho rằng đây là biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với Australia. Trước đó, chính quyền Canberra đề xuất mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Úc bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đã không minh bạch khi xử lý dịch.
Theo SCMP, Trung Quốc từng nhiều lần dùng thương mại làm công cụ trả đũa để đối phó với những mâu thuẫn ngoại giao. Tháng 3/2019, Bắc Kinh cấm nhập một số mặt hàng nông sản Canada với lý do “chứa chất độc hại”. Động thái này được cho là hành vi trả đũa vụ chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính Huawei - theo đề nghị của phía Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham cho biết các động thái gần đây của Trung Quốc có thể gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế nếu không được xem xét lại.
Birmingham cho biết ChAFTA đã thúc đẩy phần lớn năng lực công nghiệp của Trung Quốc trong những năm gần đây, giúp đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ thận trọng và hạn chế trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục thương mại. Từ khi Trung Quốc và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc chỉ thực hiện một cuộc điều tra thương mại chống lại Úc, trong khi Úc đã tiến hành 100 cuộc điều tra chống lại Trung Quốc trong cùng thời kỳ.
Hương Vũ
Theo SCMP