Nữ sinh Việt đỗ Ivy League, nhận tổng học bổng 1,6 triệu USD từ 9 ĐH Mỹ

(Dân trí) - Nguyễn Hải Ly giành học bổng 1,6 triệu đô từ 9 trường đại học Mỹ, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến việc em chinh phục thành công trường Dartmouth – ngôi trường Ivy League danh giá.

 >>   Nam sinh xứ Nghệ xuất sắc giành 15 học bổng trị giá hơn 43 tỷ đồng

 >>   Viết luận “tôi là một phi công”, nữ sinh Đà Nẵng nhận học bổng 5,6 tỉ đồng

Loạt học bổng và huy chương ấn tượng

Nguyễn Hải Ly (sinh năm 2002) là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Cô gái nhỏ nhắn với nội lực tràn đầy đã thuyết phục được 9 đại học Mỹ cấp học bổng mùa này, gồm: ĐH Dartmouth (Ivy League) 300.000 USD; ĐH Amherst (#2 LAC) 321.500 USD; ĐH Colby (#11 LAC) 248.000 USD và được chọn là Pulver Scholar để nghiên cứu tại các viện khoa học quốc gia hàng đầu Mỹ (Dana-Farber Cancer Institute, National Human Genome Research Institute, The Jackson Laboratory,...); ĐH Drexel 168.000 USD và được chọn là STAR Scholar để tiếp tục tham gia nghiên cứu tại trường; ĐH Temple 88.000 USD đỗ Honors College (sinh viên danh dự), danh hiệu Provost’s Scholar; ĐH Purdue - đỗ Honors College (sinh viên danh dự); ĐH Rhodes 207.200 USD; ĐH Depauw 184.000 USD; ĐH Cincinnati 80.000 USD.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/22/nu-sinh-viet-do-ivy-league-nhan-tong-hoc-bong-16-trieu-do-tu-9-dai-hoc-mydocx-1590150797594.jpeg
Nguyễn Hải Ly.

Hải Ly tâm sự, mùa nộp hồ sơ du học này, em đã từng nghĩ nếu kinh tế của gia đình không cạnh tranh thì kết quả là sẽ có ít lựa chọn tốt hơn. Nhưng thực tế lại cho thấy không nhất thiết như vậy.

“Em lên phương án nộp đơn vào rất nhiều trường đại học hơn để tăng khả năng trúng tuyển của mình vì cuộc đua ngày càng cạnh tranh và khó đoán.

Rồi đến lúc đợi kết quả các trường gần như đêm nào em cũng thức trong lo lắng để nhỡ có email còn phản hồi. Các trường nhận em đều là trường em yêu thích và còn rất hào phóng.

Bên cạnh đó, những ngôi trường này còn trực tiếp trao các danh hiệu học giả (Scholar) và tạo các cơ hội nghiên cứu ngay từ năm đầu để thu hút nhân tài.

Tất nhiên em rất vui mừng nhưng cũng cảm thấy khó khăn và tiếc nuối khi đưa ra sự lựa chọn cuối cùng”.

Hải Ly đã có ý định đi du học từ những năm cấp 2 nhưng đến khi lên cấp 3 mới thật sự toàn tâm chuẩn bị cho mục tiêu này. Khi còn học cấp 2, Toán học từng là sở trường của em nhưng nhận thấy môn Hoá có rất nhiều ứng dụng trong lĩnh vực mà em yêu thích nên đã nuôi dưỡng ước mơ thi vào cấp 3 chuyên Hoá.

Nỗ lực cấp 2 của em giúp bản thân đạt được Giải Nhất Học sinh giỏi thành phố lớp 9 môn Hoá học và từ đó được tuyển thẳng vào trường Khoa học Tự nhiên và Chuyên Sư Phạm, họ chỉ chọn 10 người trên cả nước.

Qua những bước đi vững vàng đầu tiên này, em muốn truyền tải kinh nghiệm học tập và ôn thi của bản thân đến các em khóa sau vì em hiểu chính em cũng từng ở vị trí hoang mang lo lắng trước ước mơ của chính bản thân mình.

Chính vì vậy, hè năm đó em trở thành diễn giả chương trình Pandorams do các học sinh THPT chuyên tổ chức để định hướng thi cấp 3.

Học tập dưới mái trường Hà Nội - Amsterdam, em được các thầy cô rèn luyện và động viên tham gia các kì thi HSG môn Hoá học để cọ xát. Hiểu những cơ hội này yêu cầu tính bền bỉ và cần đánh đổi nhiều thứ nhưng nữ sinh này luôn muốn tham gia để học hỏi từ các giáo viên đầu ngành và nâng cao kiến thức.

Kết quả, Hải Ly đạt Giải Nhì thành phố Hà Nội môn Hoá Học, Giải Khuyến Khích HSG Quốc gia và Huy chương Đồng HSG Duyên hải Bắc Bộ môn Hoá.

Ở trên lớp, Hải Ly cố gắng cân bằng giữa việc học đội tuyển, hoàn thành các chứng chỉ chuẩn hoá để du học và hoạt động ngoại khoá, em được TOEFL: 113/120, SAT II 3 môn 800 và vẫn duy trì thành tích học đều của mình, hướng tới Học bổng Danh dự của nhà trường trong nhiều học kì (điểm trung bình lớp 9, 10, 11 lần lượt là 9.6, 9.7, 9.8).

Ngoài những cơ học tập trên lớp, Hải Ly chớp lấy các cơ hội thi quốc tế như Huy chương Vàng Hội nghị lãnh đạo trẻ châu Á (ASLC) và Huy chương Đồng Triển lãm Phát minh của Wiipa. Mỗi cuộc thi này đều giúp em va chạm trong một lĩnh vực nào nó để nhận ra đam mê và tiềm năng của bản thân.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/22/nu-sinh-viet-do-ivy-league-nhan-tong-hoc-bong-16-trieu-do-tu-9-dai-hoc-mydocx-1590150798137.jpeg
Hải Ly là thành viên nòng cốt trong nhiều câu lạc bộ ở trường cấp 3.

Đặc biệt, nữ sinh Ams có tham gia nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu Sinh Y Dược học của Học viện Quân Y nhờ có cô giáo dạy em giới thiệu.

“Ở đó em đã gặp nhiều người vô cùng giỏi và ủng hộ quyết tâm của mình nên mới dám đánh liều điền hồ sơ ngành Kỹ thuật Y Sinh (Biomedical Engineering).

Nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô, em tham gia cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Intel iSEF và giành giải Nhất thành phố Hà Nội, giải Nhì cấp Quốc gia. Em tin rằng việc nghiên cứu khoa học sớm nên được ủng hộ càng sớm càng tốt ngay từ khi còn là học sinh THPT, THCS”, Ly kể.

Với những thành tích ấn tượng, Hải Ly vinh dự đạt danh hiệu 3 năm liền HSG tiêu biểu thủ đô (lớp 9-11). Bề dày thành tích giúp em tự tin hơn rất nhiều trong quá trình nộp hồ sơ, dù các giải thưởng không phải là tất cả.

Ở trường, Hải Ly hoạt động năng suất nhất trong CLB Society of Open Science với vai trò Phó chủ tịch. Câu lạc bộ quy mô lớn nên một năm phải tham gia tổ chức rất nhiều sự kiện từ Science Tornado, Science Fair, đến các hội thảo nghiên cứu khoa học…

Hải Ly tham gia Muse Exhibition - một triển lãm về nữ quyền. Qua dự án này em hi vọng sẽ đem đến cho giới trẻ Việt Nam một cái nhìn đúng đắn về cân bằng giới tính không chỉ trong trường học mà rộng hơn là xã hội.

Giới tính không phải là rào cản

Khi được hỏi: “Lý do gì khiến một nữ sinh như em theo đuổi nghiên cứu khoa học?”, Hải Ly đáp: “Em cảm thấy nếu đam mê cái gì thì không nên suy nghĩ nhiều về giới tính có ảnh hưởng đến dự định của mình hay không.

Lớp học trên trường cấp 2 và cấp 3 của em có số nam gấp đôi hay ba lần số nữ vì là lớp chuyên tự nhiên nhưng điều này càng thôi thúc em cố gắng học nổi trội để mọi người thấy giới tính không liên quan đến năng lực, nhất là trong khoa học.

Em cũng trải qua việc mọi người cảm thấy ngạc nhiên khi em chọn con đường này và bố mẹ em cũng từng có suy nghĩ con gái nên chọn học gì dễ thôi.

Nhưng nếu yêu thích gì em nhất định sẽ theo đuổi nó và chứng minh rằng những khuôn phép hoàn toàn có ngoại lệ, đồng thời thúc đẩy việc theo đuổi khoa học dù là nam hay nữ”.

Hải Ly cho hay, em cảm thấy may mắn vì được tiếp cận với môi trường nghiên cứu khoa học ngay từ cấp 3 vì ở Việt Nam học sinh được vào phòng thí nghiệm còn rất hạn chế.

Đề tài em tham gia ở Khoa Vi sinh Trung tâm nghiên cứu Sinh – Y – Dược Học viện Quân Y là Chế tạo và đánh giá bộ kit định lượng virus BK ở bệnh nhân ghép thận” (Lĩnh vực: Kỹ thuật Y sinh).

Những buổi đầu đến làm quen em phải tập tành sử dụng pipet sinh học phân tử thông dụng trong phòng thí nghiệm và các kỹ thuật sinh học. Các anh chị và thầy cô hướng dẫn đề tài chỉ cho em điểm yếu để dần cải thiện kỹ thuật, ở đây em mới thấy khéo tay hay làm trong lab quan trọng như thế nào, ít nhất là đối với lĩnh vực này.

Không ít lần thí nghiệm thất bại, cho ra những kết quả không mong muốn vì run tay hay thiếu chặt chẽ, em hiểu ra được kiên trì theo đuổi ý tưởng trong khoa học là thế nào.

Có những lần em ở lại cùng mọi người đến 10h tối để đợi thí nghiệm chạy xong rồi vắt óc suy nghĩ về mấu chốt của đề tài, vốn rất khó hình dung cho một học sinh cấp 3 chỉ bằng kiến thức phổ thông.

Ngoài ra, em còn tham gia học hỏi về robot cảm ứng chạy bằng năng lượng mặt trời tối ưu. Qua quá trình này em nhận thấy phải nắm chắc những lý thuyết cơ bản các môn trên lớp thì mới có thể vận dụng thành thạo, vì dù nghe thực tiễn như robot hay năng lượng mặt trời cũng không tránh khỏi các tính toán và định luật Toán học hay Vật lí.

Chính những trải nghiệm này giúp em nhìn nhận ngành học mình dự định theo đuổi sau này một cách chân thực nhất có thể để định hướng bản thân.

Theo Hải Ly, trong quá trình nộp hồ sơ du học, giai đoạn khó khăn nhất là lúc cận kề mùa thời điểm gửi hồ sơ, tầm hè lớp 11 vì lúc đó mọi việc chồng chất lên nhau và dù đã cất công chuẩn bị mấy năm liền nhưng em luôn cảm giác “thiếu thốn”.

Lúc đó em vẫn thi chứng chỉ, vẫn lăn xả làm hoạt động ngoại khoá, và bắt đầu chật vật tìm ý tưởng viết luận. Sự ủng hộ của bố mẹ, cô giáo chủ nhiệm và những người đi trước giúp Ly kiên định với mục tiêu.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/22/nu-sinh-viet-do-ivy-league-nhan-tong-hoc-bong-16-trieu-do-tu-9-dai-hoc-mydocx-1590150798224.jpeg
Hải Ly dự định theo đuổi ngành Kỹ thuật Y Sinh tại Đại học Dartmouth.

Hải Ly nhấn mạnh, bài luận là chỗ để em thể hiện bản thân và cá tính và cũng là yếu tố khó nhằn nhất trong bộ hồ sơ.

“Em đã phải đắn đo suy nghĩ và đi qua rất nhiều bản thảo cùng chị Bích Diệp (cựu sinh viên Đại học Stanford) để đến được bản hoàn chỉnh cuối cùng mà bản thân em vô cùng ưng ý. Em còn nhớ như in những lúc bị giục giã lúc 2h sáng hay những cuộc gọi bất ngờ gấp rút.

Ý tưởng “táo bạo” luôn đến trong thời điểm chẳng ai ngờ được. Em hoàn chỉnh bộ hồ sơ với bài luận tổng thể về chính con người mình trong phòng thí nghiệm, CLB Tranh biện, tổ chức trại hè, hội chợ khoa học, diễn thuyết ở các cuộc thi”, Ly kể.

Qua những phân cảnh quen thuộc đó, Hải Ly lột tả tính cách và thiên hướng của bản thân bằng việc lồng ghép thêm hình tượng virus. Em tự thấy bản thân mình cũng giống virus, nhỏ bé nhưng có sức ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử nhân loại, không ngừng tiến hoá.

“Mặc dù khá tiêu cực nhưng khi xem video về cách virus kháng lại cơ thể và học cách tiến hoá em đã rất ấn tượng. Lúc đó Covid-19 chưa bùng lên như bây giờ nhưng nghĩ lại vẫn thấy trùng hợp một cách hài hước”, Ly tâm sự.

Cô gái Việt quyết định sẽ lựa chọn theo học tại Đại học Dartmouth – một thành viên trong nhóm 8 đại học Ivy League danh tiếng của Mỹ, nơi cấp cho em học bổng trị giá 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) cho 4 năm học.

Em hi vọng theo học ngành Biomedical Engineering (Kỹ thuật Y Sinh) tại đại học Dartmouth, vì trường cho em thử sức với nhiều lĩnh vực và công trình nghiên cứu nên em sẽ tìm tòi để mở mang tầm mắt nhiều hơn.

Xa hơn nữa, em có thể học tiếp tục học lên cao và sau này trở về Việt Nam đóng góp vào lĩnh vực Y Sinh vì thực tế cho thấy đây là một ngành khá mới ở Việt Nam và có tiềm năng phát triển lớn thông qua việc nước ta thực hiện xuất sắc quá trình xét nghiệm trong đợt dịch Covid-19 này và sản xuất ra những bộ kit được thế giới công nhận.

Lệ Thu