Cần áp dụng biện pháp "thiến hóa học" với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em
by Văn Duẩn Người lao độngĐại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết khi tiếp xúc cử tri, ai cũng bức xúc, rùng mình, căm phẫn, đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm hại trẻ em, không thể để chúng nhởn nhơ ngoài xã hội. Từ đó, đại biểu Phương đề nghị cần áp dụng thêm biện pháp "thiến hóa học" với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, sau đó Quốc hội thảo luận trực tuyến cả ngày về nội dung này. Trong đó, thực trạng xâm hại tình dục trẻ em được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị cần áp dụng thêm biện pháp "thiến sinh học" với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em
ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đánh giá vấn đề xâm hại trẻ em có "nhiều điều nóng mà rất buồn!”.
Theo ông, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người khi nhắc đến vấn đề này, đều "rùng mình, bức xúc, ám ảnh". Do đó cử tri mong muốn xử lý nghiêm khắc các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.
ĐBQH nhấn mạnh đối tượng bị bạo hành, xâm hại tình dục không ngờ tới nhưng phổ biến trong nhiều vụ án lại chính là người thân quen, thậm chí là cha mẹ ruột, ông bà của trẻ. Trong khi đó, việc xử lý các vụ việc này còn thiếu cơ chế và tính hiệu quả. “Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà chưa được hồi đáp?”.
Để ngăn chặn, xử lý các vụ việc gây đau lòng và bức xúc trong xã hội, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng nghiên cứu các phương tiện bảo vệ pháp luật, tăng cường khung pháp lý, hình phạt, tội danh đối với các đối tượng xâm hại trẻ em. ĐB kiến nghị cần rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính, công khai danh tính kẻ xâm hại để răn đe, chống xu hướng tái phạm cao, đảm bảo an toàn cho trẻ.
ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) dẫn số liệu 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại; xâm hại tình dục chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em, rồi bày tỏ những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội… lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em. "Và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt"- ĐB Trần Thị Hiền nói.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, lại đặt vấn đề mang tính thời sự, đó là việc trẻ bị xâm hại trên chính không gian mạng. Theo ĐB, sự phát triển của Internet khiến trẻ em thành "công dân số" từ rất sớm. Trẻ có nhiều mối quan hệ trên mạng và có nhiều cơ hội để học tập, phát triển. Tuy nhiên, Internet cũng mang lại các các tác động xấu, mặt trái đặt ra có nhiều nguy cơ.
Theo đại biểu, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh trẻ em bị xâm hại, trong đó phần lớn là xâm hại tình dục, được tung lên mạng xã hội. Thủ đoạn mà các kẻ xấu thường sử dụng là thiết lập các phòng chat ảo, dùng nhiều thủ thuật để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em như cùng chia sẻ vấn đề trẻ quan tâm, giả làm người cùng giới để trò chuyện làm quen.
Các đối tượng này thường lấy tài khoản giả, tâm sự với trẻ rồi sau đó chuyển từ chủ đề từ học hành sang giới, tình dục và cho trẻ xem clip sex. Tiếp theo, đối tượng dụ trẻ khoe các bộ phận cơ thể trên mạng rồi ghi hình lại và sử dụng để ép trẻ phải nghe theo lời chúng, biểu diễn sex… Thậm chí, có những tài khoản giả cùng giới với trẻ, gạ gẫm gửi hình ảnh nhạy cảm. Trẻ tưởng bạn bè cùng giới nên dễ tin và sau đó sa vào bẫy.
"Việc xâm hại trên mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều. Nếu ở xã hội có thể chỉ một vài người biết tới nhưng nếu lên mạng thì nỗi đau này sẽ theo các em suốt cả đời"- ĐB Nguyễn Thị Thủy khẳng định.
Đáng lo ngại hơn, vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng trẻ em ở trong nhà cũng có thể bị xâm hại và các đối tượng hoạt động phi biên giới. “Trẻ em thông minh, thích công nghệ nhưng lại quá non nớt trước những kẻ xấu”.
Chính vì vậy, ĐB Thủy nhấn mạnh, việc gia đình trao cho trẻ điện thoại thông minh nhưng lại không hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng an toàn là mối đe dọa.
Lo lắng mạng có thể ảnh hưởng tới con cái, nhiều phụ huynh cấm cho con sử dụng điện thoại, một số lại khác kiểm soát điện thoại chặt chẽ, xâm phạm quyền riêng tư… khiến trẻ cảm thấy bị theo dõi, đóng cửa với bố mẹ, tìm đến các quán internet…
Do đó, ĐB kiến nghị, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con tham gia mạng xã hội một cách an toàn để khai thác internet một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đưa nội dung giảng dạy này vào nhà trường để bảo vệ trẻ trước môi trường đầy nguy cơ.
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự, xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (hơn 19% trẻ em nam, gần 81% trẻ em nữ). Trong đó, xâm hại tình dục (XHTD) là 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại. Ở nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị XHTD chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỉ lệ lớn và có xu hướng gia tăng. Đã xảy ra vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp XHTD dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con có tính chất dã man...
Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn mà tại các tỉnh, thành phố lớn cũng đang có xu hướng gia tăng. TP HCM và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất nước. Đáng lưu ý, 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị XHTD, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật...
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/can-ap-dung-bien-phap-thien-hoa-hoc-voi-nhung-ke-xam-hai-tinh-duc-tre...Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/can-ap-dung-bien-phap-thien-hoa-hoc-voi-nhung-ke-xam-hai-tinh-duc-tre-em-20200527083029153.htm