"Đòn mới" Trung Quốc có thể giáng vào Úc

by

Tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 26/5 cảnh báo Trung Quốc có thể nhắm tới khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một "đòn trừng phạt" mới nhằm vào Úc trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa 2 nước.

https://image-us.24h.com.vn/upload/1-2020/images/2020-03-12/box-textlink-corona---d---ch-1583976802-240-width206height30.png
https://image-us.24h.com.vn/upload/2-2020/images/2020-05-27/Bao-TQ-4-1590553228-789-width634height423.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Trung Quốc đã áp thuế hơn 80% với lúa mạch và ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp lớn của Úc - động thái được xem là để đáp trả hành động của Canberra khi liên tục kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, bùng phát từ Trung Quốc.

Hôm 26/5, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo khí đốt tự nhiên Úc có thể là lĩnh vực tiếp theo mà Bắc Kinh sẽ "gây khó dễ".

Theo chia sẻ của một chuyên gia với Hoàn cầu, Trung Quốc có thể mua lượng lớn khí đốt tự nhiên của Qatar hoặc Mỹ để thay thế nguồn cung từ Úc. Trong khi đó, Úc sẽ phải chật vật tìm thị trường xuất khẩu thay thế.

"Thị phần LNG của Úc tại Trung Quốc có thể sẽ giảm trong những năm tới, nhường chỗ cho thị phần của Mỹ và Qatar, nếu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra tiếp tục leo thang", theo Guo Jian, giám đốc tiếp thị khí đốt tại Công ty thông tin Sublime China - một nhà cung cấp thông tin thị trường hàng hóa của Trung Quốc.

Hồi tháng 1/2020, Úc vượt qua Qatar để trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới với số tiền thu về từ xuất khẩu khí đốt là 49 tỷ USD trong năm 2019, trong đó 16 tỷ USD thu về từ Trung Quốc.

Úc cũng là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất ở Trung Quốc. Trong quý đầu năm 2020, Úc đã xuất khẩu lượng khí đốt tự nhiên nhiều gấp 3 lần so với Qatar - quốc gia ở vị trí thứ 2. Cụ thể, 6,92 triệu tấn LNG được Úc xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý I năm 2020, trong khi con số này của Qatar là 2,3 triệu tấn.

Hầu hết khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc dựa trên các hợp đồng dài hạn nhưng không ít trong số này sẽ sớm hết hạn vào thời gian tới. Ngoài ra, hợp đồng dài hạn không có nhiều lợi ích cho các nhà nhập khẩu trong bối cảnh giá dầu thô toàn cầu hiện nay. Điều này thúc đẩy nhu cầu thay thế hợp đồng dài hạn bằng giao dịch ngắn hạn của các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Các nhà phân tích Trung Quốc cũng cảnh báo, giới xuất khẩu Úc đã đánh mất lợi thế chi phí thấp và sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tới từ các nhà cung cấp Mỹ.

Sự cạnh tranh này càng hiện hữu hơn bởi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn I được ký kết hồi tháng 1/2020. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết mua sản phẩm năng lượng trị giá 52,4 tỷ USD từ Mỹ với các điều kiện thị trường và số lượng lớn sản phẩm trao đổi sẽ là LNG.

Nhiều tàu chở LNG của Mỹ đang trên đường tới Trung Quốc - những chuyến đầu tiên đã được khởi động từ tháng 3/2019 - sau khi các công ty năng lượng do nhà nước Trung Quốc sở hữu nộp đơn xin miễn thuế từ các cơ quan liên quan.

Quan chức Úc, bao gồm người phát ngôn đối ngoại của đảng Lao động, Penny Wong, đã kêu gọi Thủ tướng Úc Scott Morrison trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump để đảm bảo thỏa thuận thương mại giai đoạn I Mỹ - Trung không ảnh hưởng tới lợi ích của Úc.

Căng thẳng thương mại mới nhất đến trong bối cảnh Bắc Kinh "nổi giận" với lời kêu gọi của Canberra về một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, bùng phát ở Trung Quốc.

Thủ tướng Úc Morrison là lãnh đạo đầu tiên trên thế giới yêu cầu cấm các khu chợ ẩm ướt bán động vật hoang dã, nơi được cho là bắt nguồn của virus SARS-Cov-2 gây dịch Covid-19 và đề xuất rằng các thanh tra viên có thể vào một quốc gia bị đại dịch hoành hành mà không cần tới sự đồng ý của chính phủ nước đó, theo Daily Mail.

Nguồn: http://danviet.vn/don-moi-trung-quoc-co-the-giang-vao-uc-50202027512446560.htmNguồn: http://danviet.vn/don-moi-trung-quoc-co-the-giang-vao-uc-50202027512446560.htm