Trợ giá ngàn tỉ, hiệu quả xe buýt vẫn ở mức báo động
(PLO)- Sở GTVT cho biết nếu dự toán mới không được phê duyệt thì có thể xe buýt sẽ phải ngưng hoạt động hoặc giảm số tuyến xuống.
Sở GTVT đã có văn bản gửi Sở Tài chính về việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020.
Theo đó, Sở GTVT đã tổng dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt để đảm bảo hoạt động ổn định và nâng cao chất lượng, thu hút khách sử dụng phương tiện công cộng trong năm 2020 là hơn 1.300 tỉ đồng. Con số này tăng hơn 161 tỉ đồng so với dự toán được giao trong năm 2020.
Sở GTVT cho biết nếu dự toán mới không được phê duyệt thì có thể xe buýt sẽ phải ngưng hoạt động hoặc giảm số tuyến xuống.
Chuyên gia giao thông, PGS-TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết đề xuất tăng trợ giá xe buýt của Sở GTVT cho năm 2020 theo ảnh hưởng của dịch COVID-19 là cần thiết nhưng cần được tính toán cho phù hợp từng giai đoạn của dịch.
Theo đó, nếu sản lượng giảm do cắt giảm đầu xe thì chỉ trợ giá trên số km vận hành của xe buýt chứ không nên cào bằng. Điều cần thiết là phải tính lại sự trợ giá từ tháng 5-2020 trở về tháng 2-2020. Còn từ tháng 6-2020 thì không nên tính ảnh hưởng của dịch COVID-19 vào vận hành xe buýt nữa vì lúc này xã hội đã trở lại hoạt động bình thường.
TS Mai đánh giá những năm qua TP.HCM đều có trợ giá xe buýt xấp xỉ 1.000 tỉ/năm. Đây là con số khá lớn so với các hạng mục khác mà TP đầu tư cho xe buýt hàng năm.
Tuy nhiên, hiệu quả của trợ giá xe buýt những năm qua là khá thấp. Giai đoạn 2014-2018 bình quân mỗi năm khách đi xe buýt giảm 6,6%, Năm 2019, sản lượng xe buýt TP.HCM sụt giảm gần 300 triệu lượt hành khách (14,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Đây là những con số rất đáng báo động về vận tải xe buýt ở TP.HCM. Đến thời điểm này có thể nói chỉ tiêu mà TP yêu cầu đến năm 2020, vận tải công cộng chiếm từ 15 -20% nhu cầu đi lại của người dân là không thể thực hiện được.
Việc đánh giá về hiệu quả trợ giá xe buýt ở TP.HCM và Việt Nam nói chung không được thực hiện theo các tiêu chí cần thiết. Ở các nước có nền giao thông công cộng phát triển, người ta cũng trợ giá xe buýt nhưng đều có đánh giá theo tiêu chí suất trợ giá/1 hành khách vận chuyển. Từ đó, nếu sản lượng vận chuyển tăng thì suất trợ giá sẽ giảm xuống và hiệu quả trợ giá tăng.
Do vậy, TP.HCM nên nghiên cứu xây dựng suất trợ giá hợp lý cho xe buýt để vừa hỗ trợ xe buýt nhưng phải trên cơ sở xe buýt hoạt động hiệu quả.
TS Mai cho rằng trợ giá xe buýt giúp cho doanh nghiệp xe buýt cân bằng thu chi, đảm bảo hoạt động bình thường của xe buýt. Do đó, muốn thúc đẩy doanh nghiệp vận tải phát triển cần phải có tiêu chí suất trợ giá/hành khách vận chuyển.
"Suất trợ giá này sẽ không cố định mà phải thay đổi theo hướng nếu xe buýt vận chuyển hiệu quả thì sẽ được tăng suất trợ giá kết hợp kiểm soát và thúc đẩy tăng hiệu quả xe buýt. Qua đó kích thích hoạt động xe buýt phát triển. Chỉ khi nào làm được như vậy thì mới có được hiệu quả phát triển của doanh nghiệp vận tải" - TS Mai góp ý.
(PLO)- Mặc dù 72 tuyến xe buýt ở TP.HCM đã hoạt động trở lại nhưng cả xe buýt và hành khách đều thưa thớt.