https://vnreview.vn/image/20/77/86/2077864.jpg

Đây là cách Apple đối xử với các sản phẩm “cổ điển” và “lỗi thời”

Cách định nghĩa gây ngạc nhiên của Apple cho thấy những thách thức mà người dùng phải đối mặt khi tìm cách sửa chữa các thiết bị đã cũ của hãng.

https://vnreview.vn/image/20/77/86/2077863.jpg?t=1590545100257

Trong suốt 8 năm qua, cô Maddie Stone đã sử dụng chiếc iMac đời cuối 2012 để giải quyết hầu hết các công việc của mình. Dù không phải là một người bảo thủ về mặt công nghệ, nhưng chiếc máy tính của cô vẫn hoạt động tốt theo thời gian, và cô chẳng có lý do hay nhu cầu phải thay thế nó. Không may là gần đây, chiếc iMac này đã xuất hiện một vài triệu chứng "chán cơm thèm đất": quạt của thiết bị kêu rất to mỗi khi máy chuyển sang chế độ ngủ. Máy đã hết bảo hành từ lâu, nhưng Stone vẫn quyết định gọi cho Apple để xem liệu công ty có hỗ trợ được gì không. Kết quả thật bất ngờ: chiếc iMac của cô đã bị đưa vào danh sách các thiết bị "cổ điển" và Apple không nhận sửa nó nữa.

Thay vào đó, một đại diện Apple Support hướng dẫn Stone đến một Nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền của Apple (AASP) gần nơi cô sống. Khi cô gọi shop, người chủ nói rằng anh ta có thể xem qua thiết bị, nhưng không đảm bảo trước điều gì. Chưa hết, vì đại dịch virus corona, shop này đang phải giải quyết các đơn hàng tồn đọng từ 3 tuần trước. Stone đứng trước 2 lựa chọn: tìm một nơi nào khác có thể sửa chiếc iMac nhanh hơn, hoặc trao máy cho cơ sở sửa chữa được Apple ủy quyền và đợi vài tuần để biết kết quả chẩn đoán.

Đại diện Apple Support nói với Stone nên đến shop họ khuyến nghị. Cô quyết định tiếp tục tìm kiếm.

"Cổ điển" và "Lỗi thời"

Các thiết bị sẽ hết hạn được hỗ trợ từ nhà sản xuất vào một thời điểm nào đó trong vòng đời của chúng.

Theo Apple, các thiết bị "cổ điển" là các thiết bị mà công ty đã ngừng bán từ 5 – 7 năm về trước. Một khi Apple không còn bán một sản phẩm trong 7 năm, nó được xem là "lỗi thời", có nghĩa công ty sẽ không cung cấp bất kỳ dịch vụ sửa chữa nào nữa. Nhưng các sản phẩm "cổ điển" thì tồn tại giữa điểm lưng chừng: dù Apple và các AASP trên lý thuyết có thể sửa chúng nếu có sẵn linh kiện hoặc theo yêu cầu của luật pháp, nhưng trên thực tế, Apple chẳng hề hứng thú với việc sửa chữa những món đồ "cổ điển". "Các AASP mà tôi từng gặp trước đây tiết lộ rằng họ chẳng buồn tiếp các khách hàng muốn sửa các thiết bị cũ" – Rob Link, chủ sở hữu một công ty chuyên bán linh kiện sửa chữa cho các thiết bị cũ như iPhone, iPod và iPad cho biết.

AASP là các doanh nghiệp được Apple ủy quyền cho tiến hành việc sửa chữa, được sử dụng các linh kiện gốc và các công cụ chẩn đoán của Apple. Dù AASP được phép sửa chữa các thiết bị hết bảo hành, bao gồm các thiết bị cổ điển, nhưng Apple được cho là không khuyến khích họ làm điều đó bằng cách thưởng tiền dựa trên tốc độ họ tiến hành sửa chữa các thiết bị còn bảo hành, hoặc những sản phẩm còn thời hạn AppleCare. Sẽ rất vất vả cho AASP nếu họ phải quản lý thêm một chuỗi cung ứng song song gồm các linh kiện cho các mẫu máy đã cũ, đặc biệt khi mà thời gian dành để sửa các mẫu máy đó có thể dồn sang sửa chữa các mẫu máy còn được hỗ trợ, qua đó duy trì được mối quan hệ tốt với Apple.

Cổ điển là "một từ khác để nói về việc ngừng hỗ trợ" – theo lời Gay Gordon-Byrne, Giám đốc Repair Association. Gordon-Byrne nói rằng hầu hết các nhà sản xuất định ra một thời hạn "chấm dứt dịch vụ", và 5 năm là quãng thời gian vừa đủ để không bị xem là hẹp hòi nhưng vẫn thể hiện rõ ý đồ buộc người tiêu dùng mua sắm thiết bị mới. Apple nói rằng họ thất thu khi sửa thiết bị, do đó cũng hợp lý khi công ty không khuyến khích việc sửa chữa các sản phẩm đã hết bảo hành từ lâu.

Sara Behdad, một giáo sư tại Đại học Florida, chuyên nghiên cứu về vòng đời của các thiết bị điện tử và quản lý rác thải điện tử, nói rằng chi phí duy trì các chuỗi cung ứng cần thiết để sản xuất linh kiện cho các mẫu máy cổ điển và lỗi thời nhiều khả năng là "lý do chính khiến Apple không cung cấp dịch vụ sửa chữa".

"Ngay cả khi họ muốn cung cấp dịch vụ sửa chữa, nếu sản phẩm đã được bán ra 5 năm trước, việc sẵn sàng mọi linh kiện cho chúng thực sự không phải là giải pháp mang lại lợi ích kinh tế" – Behdad nói.

Tuy vậy, chỉ vì Apple không muốn nhận trách nhiệm sửa chữa thiết bị cũ không có nghĩa bạn không thể hoặc không nên thử sửa chúng. Có rất nhiều các shop sửa chữa độc lập sẵn sàng nhận sửa các thiết bị cổ điển và lỗi thời của Apple, với linh kiện mới toanh hoặc đã qua sử dụng. Ngoài ra, còn có vô số các hướng dẫn trên YouTube, và các website như iFixit, để những người có sở thích DIY (do-it-yourself, tự làm) có thể học theo nhằm sửa các thiết bị cũ tại nhà.

https://vnreview.vn/image/20/77/86/2077860.jpg?t=1590545100257

iMac Late 2012

Các thiết bị "cổ điển" dễ sửa hơn nhiều so với các thiết bị hiện đại

Nhìn chung, thách thức đối với việc sửa chữa một thiết bị cũ không phải là có linh kiện hay không, hay có kỹ thuật sửa chữa hay không, mà là thiết bị có thể sửa được hay không. Không may là, khi nói đến các thiết bị của Apple, khả năng sửa chữa là một vấn đề nghiêm trọng, và vấn đề này ngày một tệ hơn. Nhiều chuyên gia sửa chữa nói rằng các thiết bị mà Apple xếp vào loại "cổ điển" hiện nay dễ sửa hơn nhiều so với các thiết bị mà Apple sẽ cho về vườn trong vài năm tới bởi cách họ thiết kế thiết bị và cài cắm các khóa phần mềm bên trong chúng.

Về mặt thiết kế, phương châm của Apple trong thập kỷ vừa qua là tung ra những sản phẩm mỏng hơn, nhẹ hơn, với ít linh kiện riêng biệt hơn so với các thế hệ trước. Kết quả là ngày càng khó để mở chúng ra và sửa chữa: nguyên nhân có thể nằm ở chỗ vỏ máy được đóng kín bằng những con ốc độc quyền, pin được dính keo cứng vào thân máy, hay các linh kiện quan trọng như ổ cứng bị hàn chết vào bo mạch logic.

Vấn đề càng phức tạp hơn khi Apple tăng cường sử dụng các loại khóa phần mềm chống trộm với chức năng biến các thiết bị đã qua sử dụng thành những cục gạch đắt giá khi không được reset đúng cách trước khi chuyển nhượng sang chủ mới. Đối với iPhone, đó là tính năng "activation lock", còn đối với MacBook Pro sản xuất từ năm 2018 trở về sau, đó là con chip bảo mật T2 tai ác.

Jessa Jones, chủ iPad Rehab, một shop sửa chữa độc lập gần Rochester, New York, mới đây đã có một trải nghiệm đáng nhớ, giúp cô nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa việc sửa một thiết bị Apple "cổ điển" với một thiết bị "hiện đại". Một gia đình gửi cho cô một chiếc MacBook 2008 đã hỏng với hi vọng có thể khôi phục được ảnh từ ổ cứng. Jones đã lấy được ổ cứng ra khỏi máy tính, kết nối nó với một chiếc MacBook còn hoạt động, và tải ảnh về mà chẳng gặp vấn đề gì. Ngay sau đó, cô nhận được một đơn hàng yêu cầu khôi phục dữ liệu từ một chiếc MacBook đời 2017. Đây là đời máy mà Apple đã hàn chết bộ nhớ lưu trữ vào bo mạch logic, và bo mạch logic của chiếc máy tính này thì đã hỏng. Thậm chí để xóa dữ liệu trong máy, Jones đã phải bỏ ra hàng trăm đô để mua một công cụ độc quyền từ Apple để "hút" dữ liệu ra khỏi bo mạch. Công cụ này có vẻ đã không còn được sử dụng trên các MacBook ra mắt từ 2018 trở về sau.

"Tôi mất cả ngày nghĩ rằng dữ liệu của chủ nhân chiếc MacBook 2017 này sẽ không thể khôi phục được bởi bộ nhớ đã bị hàn chết" – Jones nói. "Nếu đó là MacBook 2020, thì điều đó chắc chắn sẽ xảy ra".

Quay lại với cô Stone: sau khi bị Apple từ chối sửa chiếc iMac đã cũ, với quạt "kêu gào" thảm thiết, cô đã phát hiện ra một lựa chọn tốt hơn nhiều là mua quạt CPU thay thế giá 25 USD từ iFixit và làm theo hướng dẫn lắp đặt của họ. Quá trình sửa có chút khó khăn đối với một người không chuyên, nhưng ít ra cô đã tự sửa được chiếc máy của mình. Cô chỉ tự hỏi rằng, khi chiếc máy tính này "trút hơi thở cuối cùng", và cô không còn lựa chọn nào ngoài việc nâng cấp, thì điều đó có còn khả thi hay không?

Minh.T.T (theo Medium)