Trung bình 1 ngày có tới 7 trẻ em bị xâm hại
by Huệ LinhANTD.VN -Phát biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng, chống xâm hại trẻ em sáng 27/5, Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, trung bình 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Hà Nội là địa phương có số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong cao nhất (13 em), TP.HCM dẫn đầu số vụ trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục cao nhất (86 em).
Chưa bao giờ việc xâm hại trẻ dễ như hiện nay
“Những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội lại là nơi gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em. Chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức cùng cực khi những vụ bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái…không còn là cá biệt” – Đại biểu Trần Thị Hiền đau xót nói.
Phát biểu thảo luận về tình trạng xâm hại trẻ em trên mạng, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội, internet đối với trẻ em, nhất là trẻ ở vùng sâu vùng xa. Tuy vậy, những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đang tạo ra nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ.
Qua theo dõi diễn biến của loại tội phạm này, Đại biểu Thủy nêu ra 4 vấn đề:
Về tình hình trẻ em sử dụng internet, theo thông tin Đại biểu Thủy cung cấp, Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng internet lớn nhất thế giới, trong đó 1/3 là người chưa thành niên, thanh niên độ tuổi từ 15-24. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em (bạo lực, tình dục) được đưa lên mạng. Cứ 4 trẻ được khảo sát có 1 kẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. 1/3 số trẻ cho biết mình từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, hầu hết là trẻ em gái.
Về thủ đoạn phạm tội, với sự hỗ trợ của công nghệ, theo Đại biểu Thủy, chưa bao giờ việc tiếp cận, xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Thủ đoạn các đối tượng thường dùng là lập phòng chat ảo, thiết lập các trang web, các diễn đàn trên mạng để tìm kiếm trẻ em, từ đó nhắn tin, lời thoại làm quen. Chúng luôn lấy tên tuổi hình ảnh giả để tạo ấn tượng ban đầu với các em (có học thức, cuộc sống khá giả, hiểu tâm lý trẻ em và luôn sẵn sàng chia sẻ).
Sau thời gian trò chuyện, chúng chuyển chủ đề về giới, tình dục, lôi kéo trẻ xem phim, xem các hình ảnh khiêu dâm. Sau đó chúng dụ dỗ trẻ phơi bày bộ phận cơ thể, tạo dáng biểu diễn tình dục trước máy quay giống như trong phim. Khi đã có hình ảnh, các đối tượng ép trẻ quan hệ tình dục nếu không sẽ phát tán lên mạng.
Nguy hiểm hơn, có đối tượng còn giả là người cùng giới với trẻ, lấy hình ảnh là bé gái 14. 15 tuổi rổi nhắn tin kết bạn làm quen, trò chuyện về sự phát triển các bộ phận trên cơ thể rồi gạ gẫm, chụp cho nhau xem. Vì nghĩ là bạn cùng giới nên nhiều em đã mất cảnh giác gửi hình ảnh cho chúng.
Có vụ án đối tượng còn sử dụng hình ảnh, đoạn phim trên để khai thác thương mại như vụ án Bảo Anh và đồng phạm tại TP.HCM dụ dỗ trẻ em nam tại Mỹ cởi bỏ quần áo và truyền trực tiếp hình ảnh khiêu dâm về cho chúng. Đến khi bị bắt các đối tượng này đã đưa lên mạng hơn 700 album ảnh, 1300 phim khiêu dâm trẻ em. Những người truy cập và các địa chỉ này đều phải trả phí cho chúng – Đại biểu Thủy nêu ví dụ.
Hậu quả nghiêm trọng, dai dẳng đến suốt đời
Về hậu quả xảy ra đối với các em, Đại biểu Thủy cho rằng, xâm hại trẻ trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ngoài xã hội vì hình ảnh bị xâm hại có thể theo các em suốt đời.
“Như vụ án xảy ra tại Đà Nẵng, với thủ đoạn đăng tin cần tuyển lao động với mức lương cao trên mạng xã hội, 5 đối tượng đã tiếp cận bé gái 15 tuổi tại căn hộ chúng thuê sở quận Sơn Trà, cho tiền, dụ dỗ em biểu diễn tình dục rồi livestream phát trên mạng xã hội có thu phí” – Đại biểu Thủy cho biết.
Về khó khăn trong phòng ngừa, điều tra tội phạm, theo Đại biểu Thủy, trẻ em thông tin nhưng lại quá non nớt. Việc trao cho trẻ chiếc điện thoại thông minh nhưng không hướng dẫn chúng cách sử dụng mạng an toàn thì nguy cơ đến với trẻ rất lớn. Bởi với tội phạm mạng, kể cả khi trẻ ngồi trong nhà cùng cha mẹ, người thân, trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại.
Trong khi đó, công tác điều tra tội phạm mạng gặp nhiều khó khăn do đây là tội phạm xuyên biên giới, đối tượng phạm tội thành thạo công nghệ, máy chủ nước ngoài, thông tin kẻ phạm tội là ẩn danh…
Kết thúc phát biểu, Đại biểu Thủy đã đưa ra 3 kiến nghị: Phụ huynh cần dành thời gian hướng dẫn trẻ sử dụng mạng an toàn, Bộ GD&ĐT đưa nội dung giảng dạy về an toàn mạng vào giờ học tin học, Bộ Công an thông tin đầy đủ phương thức thủ đọan của tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa…