Loạt cây xăng bất ngờ đóng cửa: Nghi thỏa thuận ngầm?
Lãnh đạo Sở Công thương Hải Dương cho rằng có sự thỏa thuận ngầm, chờ thời điểm tăng giá bung hàng nên loạt cây xăng mới đóng cửa.
by Khánh VânNgày 26/5/2020, trao đổi với Đất Việt trước thông tin hàng loạt cây xăng trên địa bàn bất ngờ đóng cửa khi đưa ra lý do không nhập được hàng để bán, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công thương Hải Dương cho biết, đã chỉ đạo đơn vị liên quan đến các cây xăng để kiểm tra thực trạng, đồng thời chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương để xử lý.
Ông Hải khẳng định, không có chuyện thiếu xăng, dầu trong bối cảnh hiện tại.
"Kể cả trong thời điểm trước, khi thực hiện cách ly xã hội thì cũng không bao giờ thiếu xăng dầu. Thời điểm năm 2019 cũng từng xảy ra tình trạng này nhưng không phải là do thiếu hàng. Đó đều là các thời điểm còn khó khăn hơn bây giờ mà còn không như vậy thì rõ ràng ở đây có biểu hiện sự thỏa thuận phía sau của các đơn vị cung ứng xăng, chờ thời điểm xăng tăng giá để bung hàng...".
Tình trạng loạt cây xăng bất ngờ đóng cửa không chỉ xuất hiện trên địa bàn Hải Dương mà còn diễn ra ở một số tỉnh thành khác như Bắc Giang, Đắk Lắk...
Ông Nguyễn Văn Nghiêm - phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Đắk Lắk - cho biết đã tiếp nhận thông tin và kiểm tra nhưng một số đơn vị cung ứng khẳng định không thiếu nguồn xăng dầu.
Ở đây có thể do chiết khấu thấp, lợi ích doanh nghiệp xăng dầu bị ảnh hưởng nên họ mới ngưng bán. Theo ông Nghiêm, sẽ kiểm tra xem doanh nghiệp "tự đóng cửa" vì lý do gì mới có thể xử lý.
Ngày 26/5/2020, Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã triển khai lực lượng đến một số cây xăng đóng cửa trên địa bàn để kiểm tra, làm rõ vụ việc.
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện lực lượng quản lý thị trường cho biết: Trong kho và bồn chứa của các doanh nghiệp xăng dầu đóng cửa đều không có xăng dầu. Tuy nhiên, về nguyên nhân thì vẫn đang được kiểm tra.
Trong khi đó, nói về việc phải đóng cửa cây xăng do đơn vị quản lý, đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ, Sản xuất Thắng Thành (Đắk Lắk) cho biết, lý do đóng cửa vì thiếu nguồn cung, chiết khấu bán hàng không có khi phía nhà phân phối thông báo giảm về 0%... Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng nhất là doanh nghiệp đang lỗ nặng khi giá bán chênh lệch thời gian qua.
Ông Bùi Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Quang Trung (Q. Gò Vấp, TP. HCM) - cho biết hơn một tuần nay mức chiết khấu trên mỗi lít xăng bán ra giảm thê thảm, từ 1.000 - 1.200 đồng/lít đến nay đã xuống còn 200 đồng/lít, thậm chí có thời điểm về 0 đồng/lít.
Người dân bắt đầu tăng đi lại, nhu cầu xăng dầu tăng lên nhưng mức chiết khấu giảm khiến mỗi tháng doanh nghiệp này lỗ ít nhất 500 triệu đồng cho 3 cây xăng do đơn vị quản lý.
Tuy vậy, vị giám đốc này cho biết đã lỗ nhưng muốn mua thêm hàng cũng không có khi thương nhân đầu mối cũng than khan hàng, cung cấp xăng dầu ra rất ít. Do vậy, ông Dũng thừa nhận phải tạm thời đóng cửa cây xăng buổi tối.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Hiện nay, Vụ đã nắm được tình hình và đã có những văn bản chỉ đạo đến các địa phương, đồng thời, chỉ đạo tăng cường nguồn hàng đến các địa phương có hiện tượng “thiếu ảo”.
Theo đó, ông Đông nhận định, do diễn biến của dịch Covid-19 đã giảm, đặc biệt là sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh.
Đồng thời, các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian xảy ra dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu sản phẩm bị giảm sút.
Tuy nhiên, ông Đông khẳng định, về tổng nguồn cung toàn thị trường trong nước không thiếu mà khâu lưu thông đang có vấn đề.
Do đó, Bộ Công thương đã đề nghị lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Sở Công thương kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để việc kinh doanh xăng dầu tại địa phương không bị gián đoạn.