Đánh giá Microsoft Surface Go 2: Nhìn là yêu ngay nhưng sống cùng thì...
Microsoft Surface Go 2 là một thiết bị mà bạn sẽ yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng có chung sống với nó được hay không thì lại là một câu chuyện khác.
Chiếc tablet Windows nhỏ gọn này mang trong mình những nâng cấp hợp lý để giải quyết nhiều vấn đề từng hiện hữu trên chiếc Surface Go đời đầu, nhưng không có gì là hoàn hảo. Màn hình máy lớn hơn, có tùy chọn vi xử lý nhanh hơn, và cả hai đều giúp Surface Go trở nên tốt hơn bao giờ hết.
Máy có giá khởi điểm 399,99 USD, nhưng bạn sẽ phải bỏ ra số tiền lớn hơn vậy nữa, bởi mua Surface Go 2 mà không mua bàn phím (giá 100 USD) thì quả là ngớ ngẩn. Tuy nhiên, ở mức giá 500 USD trọn combo, bạn sẽ có thể tìm thấy những sản phẩm hấp dẫn hơn, làm được nhiều thứ mà Surface Go 2 làm được, thậm chí còn làm tốt hơn nữa! Nếu bạn muốn Surface Go 2 với tùy chọn vi xử lý mạnh nhất (giá 730 USD kèm bàn phím), nhận định này càng chính xác hơn nữa.
Điều duy nhất mà các sản phẩm đối thủ thua kém Surface Go 2 là: chúng không phải một chiếc tablet nhỏ gọn chạy Windows 10 bản đầy đủ. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây trở nên đơn giản hơn nhiều: bạn cần một chiếc máy như vậy đến mức nào?
Nếu bạn vẫn chưa rõ Surface Go 2 là gì, thì nó là một chiếc tablet chạy Windows với kích cỡ tương đương chiếc iPad thông thường, hoặc chiếc iPad Pro bản 11-inch. Nhưng vì nó là một chiếc Surface, nó có một số thứ hay ho mà iPad không hề có. Đầu tiên là chân đế (kickstand) cho phép dựng máy ở bất kỳ góc nào, một khe cắm thẻ nhớ microSD để mở rộng dung lượng lưu trữ, một cổng Surface Connector để sạc (bên cạnh một cổng USB-C cũng có thể dùng để sạc được), và một jack headphone.
Có lẽ điều nhiều người thích ở Surface là chúng có một camera nằm ở trên đỉnh màn hình khi ở chế độ nằm ngang (landscape). Camera này hỗ trợ Windows Hello để đăng nhập vào hệ thống bằng khuôn mặt người dùng, và có chất lượng tốt hơn nhiều khi sử dụng vào việc hội thảo video so với các cảm biến "cùi bắp" vốn đặt bên trong nắm màn hình của các laptop khác. Đó là một trong những lợi thế mà Surface có được khi đặt mọi linh kiện vào phía sau màn hình.
Ngoài việc tăng kích cỡ màn hình, Microsoft không thay đổi thứ gì khác trên thân máy Surface Go 2. Nó vẫn có các góc uốn cong nhẹ nhàng, cảm giác hoàn thiện chắc chắn, và vẫn sử dụng được mọi phụ kiện của Surface Go đời đầu – bao gồm cả bàn phím.
Không may là, bàn phím Surface Go 2 vẫn bị lún xuống khá nhiều. Khi sử dụng máy trên đùi, nếu tì tay quá mạnh lên phần kê tay, bàn phím sẽ lún xuống và chạm vào…vị trí nhạy cảm của các bạn nam! Và có lẽ bởi phần không gian để chứa nam châm trong viền dưới của máy bị giảm bớt, bàn phím đôi lúc không giữ được góc nghiêng khi bạn nhấn phím.
Nhưng hãy chú ý vào màn hình, vì đó mới là điểm sáng của Go 2: kích thước màn hình đã tăng lên 10,5-inch (vẫn tỉ lệ 3:2), độ phân giải 1920x1280, và dù không quá sáng, chất lượng hiển thị vẫn tốt. Kích thước mới không lớn hơn nhiều so với thế hệ trước, nhưng nó mang lại cảm giác bớt chật chội hơn. Một điểm cộng nữa là viền màn hình đã không còn dày đến đáng xấu hổ nữa!
Theo xu hướng ngày nay, Surface Go 2 cũng có 2 phiên bản: một phiên bản cơ sở và một phiên bản nâng cấp với cấu hình mạnh hơn mà chúng ta đang đánh giá ở đây.
Phiên bản cơ sở sử dụng vi xử lý Pentium Gold, cùng bộ nhớ lưu trữ eMMC dung lượng 64GB và RAM 4GB – khá…bèo. Với bàn phím, giá trọn bộ là 500 USD. Cấu hình này đủ sức cho bạn lướt web với hàng chục tab trình duyệt, hay chạy vài cửa sổ Office cùng Outlook, nhưng hơn nữa thì…
Phiên bản nâng cấp sử dụng vi xử lý Intel Core m3 lõi kép, với SSD tốc độ cao hơn (dung lượng 128GB), và RAM 8GB. 8GB là dung lượng RAM tối thiểu mà bạn nên chọn khi mua máy tính Windows – đặc biệt là laptop. Với bàn phím, giá trọn bộ là 730 USD. Bạn có thể mua bản LTE với giá cao hơn 100 USD, hoặc đổi bàn phím thường sang bàn phím Alcantara đẹp hơn với giá cao hơn 30 USD.
Giá bán là rất quan trọng, bởi nó đặt Surface Go 2 vào một cuộc đấu với các đối thủ khác: dù giá công bố 399,99 USD nghe có vẻ khá rẻ, trên thực tế, mức giá này đã ngang ngửa với một chiếc iPad mới kèm phụ kiện bàn phím, một chiếc Chromebook mạnh mẽ, một chiếc Surface Pro hàng tân trang (hoặc trong chương trình giảm giá), hay một chiếc laptop Windows tầm trung thông thường. Hầu như tất cả những mẫu máy này đều "được việc" hơn Go 2 trên một vài lĩnh vực quan trọng, kể cả khi so sánh với phiên bản nâng cấp.
"Chậm chạp" không phải là từ chính xác để miêu tả về hiệu năng của Surface Go 2, ít nhất là đối với bản Core M3. Khi bạn chạy tác vụ đơn – tất nhiên là những tác vụ phù hợp với cấu hình của Go 2 – mọi thứ khá mượt mà. Nói Surface Go có "ngưỡng hiệu năng rất thấp" thì chính xác hơn: nếu bạn cố chạy quá nhiều ứng dụng, hoặc một ứng dụng đơn nhưng ngốn quá nhiều tài nguyên, máy sẽ báo hiệu bằng cách…đứng hình vài giây.
Ví dụ, khi tắt mọi ứng dụng và khởi động Photoshop để chỉnh sửa một vài bức ảnh RAW, nó sẽ hoạt động được, với một chút delay, nhưng cảm giác giống như bạn buộc một tảng đá vào chân rồi bước đi vậy – mỗi khi áp dụng một chỉnh sửa lên bức ảnh, bạn lại phải chờ, chờ, và chờ.
Nếu "biết thân biết phận", bạn sẽ có một trải nghiệm thú vị với Go 2 – nhưng chỉ trong 5, hoặc nhiều nhất là 6 tiếng mà thôi. Đó là quãng thời gian lâu nhất viên pin của máy có thể trụ được, kể cả khi bạn "nâng niu" nó bằng cách chạy ít ứng dụng và hạ độ sáng màn hình xuống thấp hơn mức bình thường. Microsoft đã tăng dung lượng pin so với thế hệ trước, nhưng khác biệt thu được chẳng đáng kể.
Trên các laptop khác, thời lượng pin 5 – 6 tiếng chắc chắn sẽ là một nỗi thất vọng, nhưng không phải thất vọng quá nhiều. Còn trên Surface Go 2? Chiếc tablet này được sinh ra để sử dụng như một thiết bị siêu di động, có thể mang đi bất kỳ đâu. Và nếu xét đến điều đó, thời lượng pin kia thực sự không thể chấp nhận được.
Khi Microsoft lần đầu công bố Surface Go vào năm 2018, hãng đã nói rất nhiều về những thay đổi hấp dẫn mà trải nghiệm Windows hoàn chỉnh trên một thiết bị nhỏ gọn như vậy có thể mang lại. Fan của những chiếc máy tính tí hon đã tin lời hứa hẹn đó, nhưng rồi sau một thời gian sử dụng, họ đã phải đặt câu hỏi rằng những nhược điểm của nó có đáng để đánh đổi hay không.
Câu hỏi đó càng được nhắc đến nhiều hơn khi bạn cân nhắc tất cả những nền tảng đối thủ mà chúng ta đã đề cập đến ở trên. Có trong tay từ 500-600 USD, bạn sẽ mua được một chiếc Chromebook rất mạnh, đủ khả năng cho Go 2 hít khói. Chrome OS có phù hợp với bạn không? Một chiếc iPad sẽ mang lại trải nghiệm nhanh hơn và bền bỉ hơn. iPad OS có phù hợp với bạn không?
Nếu câu trả lời là không, và bạn cần Windows, hãy tự hỏi tiếp một câu hỏi nữa: kích cỡ máy tính quan trọng ra sao đối với bạn? Bạn có thể mua được một chiếc Surface Pro 6 hoặc 7 hàng tân trang hoặc giảm giá với mức giá gần bằng một chiếc Surface Go 2 bản cấu hình mạnh. Có lẽ lựa chọn này sẽ hợp lý hơn với nhiều người.
Trên thị trường hiện nay, Surface Go 2 là độc nhất. Nhưng dù ý tưởng về một chiếc tablet Windows 10 nhỏ gọn có vẻ hấp dẫn, có thể nói rằng đó không hẳn là một ý tưởng thực tế. Thị trường dành cho những chiếc máy tính tí hon như Surface Go 2 thực sự không hề lớn như chúng ta vẫn nghĩ.
Chấm điểm Microsoft Surface Go 2: 7,5/10
Ưu điểm:
- Màn hình lớn hơn thế hệ trước
- Tùy chọn vi xử lý Core M3 mạnh mẽ hơn
- Chạy được bất kỳ ứng dụng Windows nào.
Nhược điểm:
- Ngưỡng hiệu năng rất thấp
- Thời lượng pin gây thất vọng
- Bàn phím không chắc chắn.
Minh.T.T (Tham khỏa TheVerge)