Hà Tĩnh không còn hồ sơ người có công tồn đọng

by

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã phối hợp với các cấp, ngành giải quyết hồ sơ tồn đọng, các vụ việc tồn đọng, phức tạp liên quan đến người có công (NCC) với cách mạng, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình.

https://cdn.baohatinh.vn/desktop/news/2021/109d3064432t844l0-109d2004543t84891l0.jpg
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc tặng quà, chúc tết đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ảnh tư liệu

Sau nhiều năm mong chờ, từ năm 2018, ông Nguyễn Tiến Nhung, thôn Phú Tân, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh đã được hưởng chính sách thương binh. Năm 1972, ông Nhung bị thương tại mặt trận Tây Nam. Sau khi được chữa trị, ông Nhung tiếp tục tham gia chiến đấu. Vì thương tật chưa đến 20%, nên suốt một thời gian dài ông không đủ điều kiện được hưởng chính sách thương binh. Năm 2014, vết thương của ông Nhung tái phát. Trong quá trình thăm khám, bác sỹ phát hiện mảnh kim khí đang găm trong đầu ông.

Tuy nhiên, đến năm 2016, ông mới nộp hồ sơ để được hưởng chính sách theo Thông tư liên bộ số 28/2013 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng. Đến đầu năm 2018, ông Nhung được hưởng chính sách thương binh với thương tật 31%. Hiện nay, mỗi tháng ông được hưởng 1,6 triệu đồng, góp phần trang trải cuộc sống và quan trọng hơn là những cống hiến đóng góp của ông cho Tổ quốc, cho Nhân dân đã được ghi nhận.

Ông Nhung phấn khởi: “Giờ đây, tôi được nhận trợ cấp đều đặn hằng tháng. Tôi rất yên tâm và ấm lòng với sự quan tâm của các cấp ngành đối với đối tượng chính sách”.

https://cdn.baohatinh.vn/desktop/news/2021/109d3064523t3043l2-109d3074333t87695l0.jpg
Cán bộ Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn người dân giải quyết chế độ chính sách cho người có công tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh. Ảnh tư liệu

Cùng với giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với NCC, việc giải quyết hồ sơ xác nhận NCC còn tồn đọng của Sở LĐ-TB&XH cũng đạt được những kết quả quan trọng.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, khiếu kiện kéo dài như vụ việc của ông Dương Công Phác ở xã Thạch Hương, Thạch Hà, địa phương không chi trả tiền trợ cấp từ năm 2008; ông Trần Văn Đệ đề nghị công nhận liệt sỹ Trần Viết Lan ở huyện Hương Sơn; trường hợp liệt sỹ Nguyễn Hữu Quỳ, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên chưa được xác nhận liệt sỹ…

Theo thống kê, từ năm 2015-2020, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cấp, ngành xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho trên 300.000 lượt trường hợp. Trong đó, 26.473 hồ sơ liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 37.409 người; bệnh binh: 10.027 người; cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày: 610 người; 1.965 Mẹ Việt Nam anh hùng; huân huy chương kháng chiến, gia đình, liệt sỹ: gần 200.000 người...

Theo đó, đến nay, Hà Tĩnh không có hồ sơ tồn đọng (theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - TB&XH); có 2.314 hồ sơ tồn kho không rõ nguồn gốc đã được tiến hành kiểm tra soát xét và xử lý đúng theo qui định.

https://cdn.baohatinh.vn/desktop/news/2021/106d3081317t15237l0.jpg?r=371
Sở LĐ-TB&XH tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo các phòng và đơn vị trực thuộc.

Giai đoạn 2020 - 2025, Sở LĐ-TB&XH đặt chỉ tiêu thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công; 99% xã phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sỹ; 100% đối tượng người có công có mức sống trên mức trung bình so với cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc cho biết, ngành sẽ tham mưu, triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành về nâng cấp, tu bổ hệ thống các công trình ghi công liệt sỹ giai đoạn 2020-2025. Đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh; phấn đấu không còn người có công với cách mạng có mức sống dưới mức chuẩn nghèo.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu số hóa hồ sơ người có công từ tỉnh đến cơ sở tiến tới phân cấp giải quyết một số chính (mai táng phí, điều dưỡng, ưu đãi học sinh sinh viên...), liên thông cấp các thủ tục hành chính cơ bản, đáp ứng yêu cầu của người có công (cấp thẻ, giấy chứng nhận...). Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả chính sách ưu đãi người có công tại địa phương, đơn vị.