Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới cần tuân thủ pháp luật Việt Nam
by Hà LinhANTD.VN - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ- CP quy định, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, đối với hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, dự thảo yêu cầu các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng theo quy định.
Đáng chú ý, dự thảo quy định việc thông tin và cách thức thông báo như sau: Tên tổ chức theo đăng ký, tên giao dịch, tên quốc gia đăng ký hoạt động của tổ chức hoặc tên cá nhân cung cấp dịch vụ; Địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hoặc địa chỉ thường trú, quốc tịch của cá nhân sở hữu trang thông tin điện tử và địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ;
Đầu mối liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài và đầu mối liên hệ tại Việt Nam bao gồm: tên tổ chức, cá nhân, địa chỉ email, điện thoại liên hệ. Đây có thể coi là căn cứ để việc phối hợp hoạt động hay xử lý vi phạm hiệu quả, nhanh chóng hơn.
Về nguyên tắc, biện pháp và quy trình phối hợp xử lý thông tin vi phạm trên mạng, Bộ TT-TT căn cứ quy định để xác định các thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến.
Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ TT-TT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo yêu cầu.
Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TT-TT sẽ gửi thông báo lần 2. Sau 24 giờ nữa, nếu tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TT-TT sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm.
Khi phát hiện thông tin vi phạm quy định đe dọa đến lợi ích quốc gia Việt Nam thì cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình được nêu trên.
Biện pháp ngăn chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TT-TT.
Thực tế cho thấy là thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã có không ít hành vi vi phạm tại Việt Nam. Mới đây, một nền tảng xuyên biên giới đã đăng thông tin sai lệch về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và buộc phải gỡ bỏ, sửa chữa.