Hàng chục nghìn nhân viên mắc COVID-19, ngành công nghiệp thịt ở Mỹ khốn đốn
by Điêu Quân/Theo Washington PostNgành công nghiệp sản xuất và chế biến thịt tại Mỹ đang rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, khi có hơn 11.000 trường hợp nhiễm COVID-19 có liên quan mật thiết với 3 ông lớn thực phẩm Mỹ là Tyson Foods, Smithfield Foods và JBS.
Tyson Foods, nhà chế biến thịt lớn nhất ở Mỹ, đã tích cực chuyển đổi các cơ sở nhà máy của mình trên khắp nước Mỹ kể từ khi những nhân viên của ông lớn này bắt đầu xác nhận đã nhiễm virus COVID-19.
Công ty đã thiết lập các phòng khám y tế tại chỗ, soi thân nhiệt sàng lọc nhân viên khi bắt đầu vào ca làm việc, yêu cầu sử dụng các tấm che mặt, lắp đặt vách ngăn nhựa và các bước khác để làm chậm sự lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, số nhân viên Tyson nhiễm virus COVID-19 đã bùng phát nhanh chóng, từ chưa đầy 1.600 người vào 1 tháng trước, đến hơn 7.000 người tính đến ngày hôm nay (26/5), theo tờ Washington Post.
Hiện trạng đang xảy ra tại Tyson và trong ngành công nghiệp thịt nói chung, cho thấy tham vọng đưa toàn bộ nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại bình thường của Mỹ khó khăn như thế nào, thách thức hiện hữu ngay cả trong các lĩnh vực thiết yếu như chế biến thực phẩm.
Các công ty thịt đã chi hàng trăm triệu đô la cho các biện pháp như thiết bị bảo hộ, cho công nhân nghỉ phép và lắp đặt thêm hệ thống thông gió sau khi buộc phải đóng cửa hàng chục nhà máy thuộc các điểm nóng dịch COVID-19 vào tháng trước.
Khó khăn chồng chất khi các công ty chế biến thịt không chỉ chịu thiệt hại vì số nhân viên nhiễm bệnh tiếp tục tăng, mà còn phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân viên, do nhiều công nhân vì lo ngại cho sức khỏe bản thân, đã không quay lại làm việc. Trong lúc đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt cho toàn nước Mỹ càng căng thẳng hơn, khi mùa nướng thịt tại đất nước này sắp đến.
Trong báo cáo tháng 5 của CoBank - ngân hàng nông nghiệp chuyên phục vụ các khu vực nông thôn ở Mỹ, đã cảnh báo rằng nguồn cung thịt tại các cửa hàng tạp hóa có thể giảm tới 35%, đồng thời, giá thịt có thể sẽ tăng 20% và càng về cuối năm, các tác động này sẽ "càng trở nên gay gắt hơn".
Nhờ vào nguồn cung ứng có sẵn, các cửa hàng tạp hóa đã có thể đáp ứng một phần nhu cầu của người tiêu dùng vào đỉnh điểm dịch bệnh trong tháng 3. Song, báo cáo của CoBank cho thấy nguồn thịt này đã nhanh chóng được sử dụng gần hết.
Triển vọng cho một tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt trong dài hạn đang dấy lên cuộc tranh luận ngày càng gay gắt, về việc liệu ngành công nghiệp này có nên được mở cửa trở lại nhanh hơn, hay nên ưu tiên sự an toàn lên trước hết ngay cả với cái giá là mất nguồn cung thực phẩm quốc gia.
Ngày 28/4, khi ban hành lệnh điều hành khuyến khích các nhà máy thịt mở cửa trở lại, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng việc cung cấp thực phẩm phải được cân bằng với sự an toàn.
Tuy nhiên trong tháng qua, hơn một nửa trong số 30 nhà máy chế biến thịt bị ngừng hoạt động, do các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19, đã mở cửa trở lại.
"Chúng tôi xem hai mục tiêu là ngang nhau. Mục tiêu đầu tiên là sự an toàn và sức khỏe của người lao động tại các nhà máy chế biến thịt của chúng ta, và hai là tái tạo lại sức mạnh trong nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta và đưa mọi người trở lại làm việc", Phó Tổng thống Pence đã phát biểu trong cuộc họp với Thống đốc bang Iowa Kim Reynold vào đầu tháng này.
Song, vẫn có nhiều người cho rằng sự an toàn phải được đặt lên làm mối quan tâm hàng đầu. Và ngành công nghiệp chế biến thịt vẫn còn một chặng đường dài trước khi các cơ sở nhá máy đủ an toàn để hoạt động trở lại.
Điều rõ ràng nhất, theo Washington Post, là các nỗ lực của ngành công nghiệp này cho đến nay, dù có làm giảm mức độ lây lan dịch bệnh, đã không thể ngăn chặn được nó.
Trong tháng qua, số ca nhiễm virus COVID-19 liên quan đến 3 trong số các nhà chế biến thịt lớn nhất ở Mỹ là Tyson Foods, Smithfield Foods và JBS - đã tăng từ hơn 3.000 người đến hơn 11.000 người.
Trong toàn ngành, số công nhân chết do dịch COVID-19 cũng đã tăng gấp 3 lần, từ 17 người lên ít nhất 63 người, theo Trung tâm báo cáo điều tra vùng Trung Tây – tổ chức đang theo dõi tình hình dịch bệnh thông qua báo cáo từ các tiểu bang Mỹ.
Cũng theo báo cáo này, 4 trong số toàn bộ các nhà máy mở cửa trở lại đã ghi nhận đợt bùng phát mới, với hơn 700 trường hợp dương tính với virus COVID-19.
Tại các tiểu bang như Iowa, Nebraska và South Dakota, các trường hợp nhiễm COVID-19 liên quan đến công nhân thịt chiếm lần lượt 18%, 20% và 29% tổng số trường hợp tại bang, theo Tổ chức Hoạt động vì Môi trường (EWG) - một tổ chức vận động phi lợi nhuận – cho biết.
Nhà chế biến thịt lớn thứ hai ở Mỹ JBS cũng đưa ra thông báo đã trả lương cho những công nhân đặc biệt dễ nhiễm COVID-19, số này chiếm khoản 10% lực lượng lao động của công ty, để họ ở nhà.
Trung Quốc lập kỉ lục nhập khẩu thịt heo
23-05-2020 Bình ổn giá thịt lợn: cần rút ngắn khâu trung gian trong khâu cung ứng
23-05-2020 Bộ trưởng Trung Quốc: Sản lượng đang phục hồi, giá thịt heo sẽ không tăng
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Link bài gốc
https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/hang-chuc-ngan-nhan-vien-mac-covid-19-nganh-cong-nghiep-thit-o-my-khon-don-202027564355647.htm
Hàng hóa
Like
Chia sẻ