Vụ sửa điểm thi: Lời sốc 'không nâng điểm, không tồn tại"

Bị cáo Nga khiến những người có trong phiên tòa cảm thấy sốc khi nói rằng nếu không sửa bài, nâng điểm sẽ không tồn tại được .

by

Chiều ngày 26/5/2020, phiên tòa xét xử vụ án sửa bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La tiếp tục diễn ra. Cuối phiên xét xử, HĐXX cho phép các bị cáo nói lời cuối cùng trước khi nghị án.

Là người đầu tiên đứng trước bục, Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Khảo thí) thừa nhận hành vi của bản thân sai trái, vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng đến kỳ thi, ngành giáo dục. Quá trình khai báo, bị cáo thành khẩn, tự thú, đạt nhiều thành tích trong công tác.

Nữ bị cáo cho rằng, khi được cấp trên, lãnh đạo bố trí, sắp xếp trực tiếp tham gia tổ chấm thi đã thực hiện hành vi rút sửa bài, nâng điểm cho nhiều thí sinh. Tuy nhiên, nếu bị cáo không làm sẽ không tồn tại được. Bị cáo mong được hưởng khoan hồng để sớm trở về chăm sóc người thân.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/27/41717/xu-vu-an-sua-diem-thithem-loi-soc-cua-bi-cao_27716649.jpg
Bị cáo Nga tại phiên tòa.

Trước đó, trong phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng nói rằng:

“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” để lý giải cho hành động sửa điểm thi của mình với ngụ ý được người khác nhờ sửa điểm, dù biết đó là vi phạm đạo đức, pháp luật nhưng nếu không thực hiện thì sẽ trở thành lạc lõng trong tập thể.

Sau đó, khi được HĐXX cho phép nói lời cuối cùng, bị cáo Liên đã thể hiện sự ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của mình.

"Sai lầm của bị cáo tạo ra vết nhơ cho gia đình mình. Mong HĐXX cho bị cáo hưởng sự khoan hồng để làm lại cuộc đời, để chăm chồng chăm con, trở thành người có ích cho xã hội" - bị cáo Liên nói.

Trước phát ngôn sốc của bị cáo Liên, bà Lê Thị Thu Ba - nguyên ĐBQH Khóa XIII nói thẳng, chọn gù lưng xuống hay đứng thẳng là do nhận thức, lựa chọn của mỗi cá nhân cán bộ. Đã đứng trong bộ máy quản lý nhà nước ai cũng phải tuân thủ pháp luật, phải làm đúng theo quy định của pháp luật, không thể làm sai, như vậy xã hội làm sao giữ được trật tự, kỷ cương.

Nhưng nhìn lại, hàng loạt các vụ việc gần đây, bà Ba lo ngại về hiện tượng nhiều người chấp nhận lựa chọn theo gù hơn là đứng thẳng. Và tất cả đều cho thấy, lựa chọn theo còng lưng xuống cũng chỉ vì muốn mưu cầu lợi ích cho cá nhân.

Xảy ra hiện tượng trên, bà Ba cho rằng, một phần nguyên nhân là do công tác lựa chọn cán bộ chưa tốt, đã không lựa chọn được người có bản lĩnh, năng lực, đạo đức, trách nhiệm để đảm đương những vị trí, công việc quan trọng trong các ngành, lĩnh vực được giao nhiệm vụ. Vì thiếu năng lực, thiếu bản lĩnh nên họ không dám làm đúng theo pháp luật mà phải nương theo ý người này, người kia để bảo đảm an toàn, lợi ích cho cá nhân mình.

Từ đó, bà Ba cho rằng, vấn đề tuyển chọn cán bộ rất quan trọng và phải trải qua cả một quá trình dài được rèn luyện, tu dưỡng chứ không phải một sớm một chiều.

Nhất là với những cán bộ chiến lược ở các các cấp từ trung ương tới địa phương, vấn đề lựa chọn cán bộ phải được đặt ra một cách rất nghiêm túc. Khi lựa chọn được những cán bộ là những người công tâm, trách nhiệm, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc thì cả hệ thống, cả xã hội cũng sẽ được dẫn dắt theo những điều tích cực, những việc làm tốt đẹp vì lợi ích chung, vì quyền lợi chung.

Còn ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ xót xa trước câu nói: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên.

Theo ông Tiến, bà Liên nói không sai khi những điều đúng, điều tốt, những người tốt mà bị coi là dị biệt, là khuyết tật ngày càng xuất hiện nhiều thực tế. Tại sao lại ngày càng có nhiều người chọn làm sai?

Để trả lời câu hỏi trên, ông Tiến điểm lại hàng loạt những vụ nóng hậu Covid-19 khiến dư luận bức xúc như: vụ án Đường Nhuệ (Thái Bình); vụ nâng khống máy xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC); vụ ký giấy bán nhà cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng; vụ CSGT Đồng Nai bảo kê cho sai phạm...

"Dù mỗi địa phương là một vụ án với hành vi, mức độ phạm tội khác nhau song đều bộc lộ một điểm yếu chung chính là sự chệch choạc trong công tác cán bộ và tổ chức sử dụng cán bộ. Nếu công tác cán bộ không thay đổi, sử dụng cán bộ ở đâu đó còn dựa trên quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, rồi mới đến trí tuệ, đạo đức thì khó có thể phát triển được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh ngay chính cơ quan, đơn vị, địa phương mình", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, vấn đề nhân sự được nhắc đến rất nhiều trong các phiên họp chuẩn bị cho Đại hội Đảng thứ 13 sắp tới, trong đó những tiêu chí luôn được nhấn mạnh như: cán bộ tâm sáng, lòng trong, coi việc công là gốc... được coi là nòng cốt, là gốc của mọi công việc.

Nhưng muốn lựa chọn được những cán bộ như vậy, ông Tiến cho rằng vấn đề cốt lõi là phải có được môi trường trong sạch, lành mạnh để cái xấu không thể tồn tại, không thể phát triển lên.

Vì lẽ này, ông Tiến rất cảm thông cho những cán bộ khi đứng trước vành móng ngựa mới bày tỏ sự hối hận, xin tha thứ. Những sai phạm của họ đã phải trả giá, những phán quyết của tòa án là hoàn toàn xứng đáng, công tâm trước những sai phạm do họ gây ra. Họ phải chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm, sai sót đó.

Tuy nhiên, khi nhìn sâu, nhìn rộng hơn sẽ thấy sự ân hận muộn màng đó có thể hiểu do bản thân họ đã bị cuốn vào những việc làm sai trái mà họ không cưỡng lại được, hoặc, không thể chống lại được vì nếu không thực thi thì có thể sẽ bị chèn ép, bị đánh bật ra khỏi guồng máy...

"Rất đáng trách nhưng cũng lại đáng thương. Khi thật thà, ngay thẳng thường bị thua thiệt, chèn ép thì có mấy ai muốn lựa chọn thật thà ngay thẳng? Có người lựa chọn gian dối vì quyền lợi, vì lợi ích nhưng cũng có những người lựa chọn khom lưng, cúi mặt cũng chỉ để được yên thân. Thực tế này đang ngày càng bộc lộ rõ hơn qua nhiều phiên xử gần đây, rất xót xa" - ông Tiến bày tỏ.