Cây phượng đổ, đè chết học sinh: Không ai quản lý?

Các bên đều cho rằng cây phượng trong trường THCS Bạch Đằng không do mình quản lý, trong khi luật đã quy định rất rõ vấn đề này.

by

Ngày 26/5/2020, nói về trách nhiệm quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học công lập sau vụ việc cây phượng vĩ gãy đổ khiến 1 học sinh tử vong, 12 học sinh khác bị thương tại trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP. HCM), luật sư Nguyễn Văn Long - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, nghị định quản lý cây xanh trong đô thị quy định rõ cây xanh trong khuôn viên trường học thuộc diện cây sử dụng hạn chế trong đô thị.

"Đối với loại cây xanh hạn chế trong đô thị thì các  tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.

Nếu đó là cây xanh trong trường học thì lãnh đạo trường đó phải có trách nhiệm theo dõi, báo cáo các đơn vị liên quan khi phát hiện có điểm bất thường hoặc thuê đơn vị quản lý cây xanh, công ty công ích có chức năng để khảo sát, kiểm tra mức độ an toàn của cây xanh trong khuôn viên.

Trừ khi cây xanh đó là cây cổ thụ, quý hiếm cần được bảo tồn, đánh số bảo quản thì trách nhiệm thuộc về công ty cây xanh của Sở Xây dựng" - ông Long cho biết.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/27/41733/cay-phuong-gay-do-de-chet-hoc-sinh-ai-quan-ly_27732512.jpg
Hiện trường cây phượng vĩ gãy đổ khiến 13 học sinh thương vong tại trường THCS Bạch Đằng.

Từ quy định trên, ông Long cho rằng, trách nhiệm chính trong vụ việc này thuộc về lãnh đạo trường THCS Bạch Đằng. Khi có sự cố xảy ra thì đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cây phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Tuy nhiên, để được bồi thường thiệt hại thì nạn nhân phải chứng minh được việc cây đổ là do lỗi chủ quan của đơn vị quản lý.

Liên quan đến vụ việc cây đổ khiến 13 học sinh thương phong, tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 26/5/2020, ông Nguyễn Vạn Phúc - Hiệu Trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết, mặc dù cây phượng nằm trong khuôn viên nhưng nhà trường không quản lý.

"Cây phượng này trồng từ năm 1996. Chúng tôi muốn đốn cây hay chăm sóc đều cần đến ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Hàng năm đều có công nhân công ty cây xanh đến cắt tỉa, chăm sóc cây, vừa rồi dịch thì nhà trường cũng cắt tỉa. Cái này là việc làm thường xuyên của các trường", ông Phúc cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, về cây xanh trong trường học, việc quản lý sẽ do hiệu trưởng nhưng về chuyên môn có nhiều cơ quan quản lý.

Theo ông Nam, khi một trường mới xây dựng, trồng cây gì trong trường sẽ được quy định cụ thể trong giấy phép xây dựng của trường được phê duyệt. Cây nào phù hợp, cây nào an toàn, rễ chùm, rễ cọc,... thuộc về Sở xây dựng quản lý.

"Cây nào lớn đốn đi cũng phải làm giấy xin phép, hiệu trưởng không được tự ý đốn cây. Đốn cây trên 10m phải xin ý kiến các cơ quan quản lý có chức năng về quản lý cây xanh. Hiệu trưởng chỉ làm văn bản gửi cơ quan chức năng để họ xuống kiểm định, rồi sau đó thống nhất quyết định. Công tác tỉa cành hàng năm các trường làm nhưng việc tỉa cành này phải do các đơn vị có năng lực thực hiện", ông Nam nói.

Còn ông Lê Quang Đào - Phó Phòng Quản lý xây dựng của Sở Xây dựng cho biết, cây phượng thuộc về loại cây hạn chế, do nhà trường quản lý chứ không phải do Sở Xây dựng quản lý.

Về quy trình quản lý cây xanh, mỗi khi vào mùa mưa, sở xây dựng có các văn bản gửi đến các UBND quận, huyện, các đơn vị mà Sở xây dựng có quản lý các cây xanh, về việc thực hiện công tác tỉa cây.

"Đối với cây xanh đô thị trên đường, công viên,... thuộc Sở Xây dựng cũng như UBND quận, huyện theo phân cấp. Còn cây xanh ở công sở sẽ do các công sở quản lý. Sáng nay, lãnh đạo Sở Xây dựng đi khảo sát tại Trường Bạch Đằng, thấy trong trường có cây phượng thứ 2 cũng sẽ đốn bỏ. Vì cây phượng thuộc loại cây xanh không phù hợp vơi đô thị, có thân trên 30m nên đốn bỏ", ông Đào nhấn mạnh.