Nhiều thay đổi về đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư
Sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi). Báo Tin tức ghi nhận một số ý kiến về những thay đổi trong thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và nhiều thủ tục hành chính liên quan đến môi trường của dự án Luật này.
by Thu TrangBốn nhóm dự án phải làm ĐTM, giấy phép môi trường
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án. Đây là một yêu cầu không thể thiếu, nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình quyết định đầu tư và phê duyệt dự án. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, báo cáo ĐTM chỉ được thế giới coi là công cụ dự báo tác động môi trường. Nhưng tại Việt Nam, theo quy định hiện nay đã gộp quá nhiều quy định, dẫn đến việc thực hiện ĐTM còn nhiều bất cập, tính khả thi chưa cao.
Thực tế đã có nhiều vụ việc cho thấy, những bất cập trong thực hiện ĐTM thời gian qua. Vài năm trước, dư luận xôn xao khi Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân, nhưng ĐTM của dự án lại... giống hệt dự án Công viên Vĩnh hằng. Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang) tiềm ẩn nhiều nguy cơ “bức tử” sông Hậu, ảnh hưởng lớn đến môi trường, nhưng vẫn được phê duyệt ĐTM. Và năm 2017, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, với quy mô dự án lớn nhưng ĐTM được thực hiện sơ sài...
TS Mai Thế Toản, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường chia sẻ, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, có quá nhiều loại hình dự án phải thực hiện ĐTM, dù mức độ tác động môi trường rất khác nhau.
“Một số dự án có tác động không đáng kể như dự án đầu tư về giáo dục, văn hóa, thể thao, dự án cải tạo khu di tích lịch sử, công trình xây dựng đường đi, lán, trại tại khu dịch vụ hành chính hay các dự án xây dựng quy mô nhỏ tại vùng đệm các khu bảo tồn cũng phải làm ĐTM. Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp, làm chậm quá trình đầu tư”, ông Toản nói.
Ngoài ra, theo ông Toản, Việt Nam dùng ĐTM làm công cụ quản lý môi trường của cả một vòng đời dự án, từ khi lập nghiên cứu tiền khả thi (khi chưa có thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết) đến khi kết thúc dự án (có khi 20-30 năm) là một sai lầm, không giống nước nào trên thế giới.
Trong khi thực tế, quá trình vận hành, các vấn đề môi trường của dự án hoàn toàn có thể thay đổi so với những nội dung đã dự báo, đề xuất trong báo cáo ĐTM, dẫn đến tình huống doanh nghiệp muốn nâng cấp công nghệ tiến tiến hơn để bảo vệ môi trường, nhưng lại không đúng theo phê duyệt trong ĐTM, thanh tra đến kiểm tra thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, quy định hiện nay có tới 113 loại hình dự án phải làm ĐTM. Trong khi ở nhiều nước tiên tiến, rất ít loại hình dự án phải làm ĐTM, như ở Hà Lan chỉ 4 loại hình phải làm ĐTM là nhiệt điện than, xi măng, sắt thép và hóa chất.
Theo ông Tùng, các nước sử dụng giấy phép môi trường là công cụ quản lý chính để quản lý các cơ sở đang hoạt động chứ không phải ĐTM. Nội dung chính của giấy phép môi trường là cho xả thải bao nhiêu, ở đâu, khi nào, nồng độ, hàm lượng ra sao...
Vì vậy, tại dự thảo Luật bảo vệ môi trường đề xuất việc sử dụng hai công cụ quản lý môi trường là ĐTM và giấy phép môi trường. Luật xác định 4 nhóm dự án sẽ áp dụng ĐTM hoặc giấy phép môi trường hoặc cả hai.
Cụ thể, sẽ có nhóm dự án chỉ cần làm ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị dự án và không phải có giấy phép môi trường (là các dự án chiếm dụng đất lớn, gần vùng nhạy cảm về sinh học nhưng không phát sinh chất thải như dự án đường giao thông, khoáng sản...). Nhóm thứ 2 vừa phải thực hiện ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị dự án và phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án (như dự án quy quy mô lớn, chiếm nhiều diện tích, khi đi vào vận hành có phát sinh chất thải phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định như cụm công nghiệp...). Ba là nhóm các dự án đầu tư không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Nhóm thứ 4 là các dự án không hề có ảnh hưởng môi trường thì không phải làm thủ tục môi trường (như các dự án về công nghệ).
Tích hợp nhiều thủ tục hành chính về môi trường
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, chủ dự án có thể phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường như giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả khí thải...
Ông Mai Thế Toản cho biết, thực tế có những trường hợp cùng một nội dung (chương trình quan trắc, yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý), nhưng giữa quyết định phê duyệt ĐTM, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước lại có quy định khác nhau. Có trường hợp ĐTM cho phép chất lượng nước thải sau xử lý loại B, giấy phép xả thải lại yêu cầu loại A. ĐTM không yêu cầu xây dựng hồ ứng phó sự cố, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước lại yêu cầu xây dựng hồ ứng phó sự cố. Điều này gây rất nhiều khó khăn, tốn kém, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Vì vậy, trong dự thảo luật lần này, tất cả các giấy phép trên sẽ được tích hợp trong một giấy phép môi trường. Dự thảo luật quy định, mọi dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải đều phải có giấy phép môi trường, trừ một số trường hợp như cơ quan, trường học, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ, ít ảnh hưởng đến môi trường.
Theo ông Toản, giấy phép môi trường sẽ có 3 vai trò gồm bảo đảm điều kiện cần và đủ về môi trường để các cơ sở trước khi đi vào vận hành hoạt động, cho phép cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, điều chỉnh tải lượng chất thải phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và căn cứ để giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Với việc phân loại bốn nhóm dự án đầu tư như đã nêu và tích hợp các thủ tục hành chính khác nhau vào giấy phép môi trường, dự án Luật đã thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ trong việc xử lý các thủ tục hành chính về môi trường, góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát được rủi ro tác động môi trường của các dự án đầu tư, tạo điều kiện phát triển phù hợp với chức năng, mức độ nhạy cảm, khả năng chịu tải của môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư.
Luật Bảo vệ Môi trường lần đầu được trình Quốc hội và thông qua năm 1993. Đến năm 2005 được sửa đổi bổ sung toàn diện lần đầu tiên với 15 chương và 136 điều. Năm 2014, Luật được sửa đổi lần 2. Luật BVMT (sửa đổi) lần này bao gồm 16 chương và 192 điều, giảm 4 chương và tăng 21 điều so với Luật BVMT năm 2014. Dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi. Sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Dự án luật sẽ được lấy ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. |
---|