Thu hút tư nhân đầu tư công viên
by Hà MaiTheo Sở Xây dựng TP.HCM, đối với việc xây dựng mới công viên công cộng tại TP.HCM, trong 7 năm từ 2012 - 2018 chỉ tăng thêm được 10,78 ha.
Do đó, chưa tạo thêm được nhiều không gian sinh hoạt với quy mô lớn cho người dân, chưa cải thiện được chỉ tiêu đất công viên cho toàn TP. Ngoài ra, việc chậm đầu tư xây dựng cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân nằm trong các khu vực được quy hoạch đất công viên. Tốc độ đầu tư công viên cây xanh của TP.HCM hiện nay mới chỉ đạt 1,54 ha/năm. Tính ra, để phủ xanh khoảng gần 10.000 ha đất công viên còn lại trên địa bàn TP, TP.HCM phải mất gần 6.500 năm nữa.
Ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự loay hoay trong vấn đề thu hút vốn đầu tư, phát triển công viên, cây xanh và chiếu sáng của TP.HCM là do chưa có quy hoạch tổng thể. Nên TP không thể đề ra kế hoạch trung hạn, kế hoạch dài hạn, không có dự án để tìm ra phương án gọi vốn, dẫn đến làm manh mún, chưa hiệu quả.
Đơn cử, cây xanh và chiếu sáng là 2 ngành dịch vụ công ích có tính đặc thù, nhưng chưa rõ 2 chữ “đặc thù”, hiện đang hoàn toàn là dịch vụ công ích, phụ thuộc vào vốn nhà nước. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn nhà nước thì việc thanh quyết toán cũng phụ thuộc, không có cơ sở, cơ chế khuyến khích cho các đơn vị tham gia quản lý, vận hành các công trình.
“Phải bắt đầu từ quy hoạch, sau đó có kế hoạch cụ thể, đề án cụ thể, công trình cụ thể, từ đó mới triển khai kêu gọi đầu tư để phát triển”, ông Tiến đề xuất.
TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM), nhận định việc quy hoạch công viên, cây xanh đang theo hướng cố gắng đảm bảo chỉ tiêu, trong khi thực tế thì các khu đất quy hoạch cây xanh để thực hiện được thì cần nguồn vốn đầu tư lớn đền bù giải tỏa, di dời công trình hiện hữu, thay đổi chức năng sử dụng đất.
Theo ông Tuấn, khi nhà nước không đủ nguồn lực thực thi quy hoạch cây xanh thì cần dùng nguyên tắc thị trường, xã hội hóa, tạo điều kiện và cơ chế thu hút vốn tư nhân vào đầu tư, thực hiện quy hoạch.
Cụ thể, đối với các dự án quy mô vừa và nhỏ (công viên từ vài héc ta đến vài chục héc ta khu dân cư phát triển mới) do doanh nghiệp tư nhân làm, nhà nước chủ động đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu đất cây xanh, dùng các điều kiện ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư. Đối với dự án quy mô lớn như dự án Công viên cây xanh cấp TP, các tuyến xanh gắn với không gian mặt nước sông kênh rạch… mặc dù đã có quy hoạch nhưng để thực hiện, cần lưu ý đến cách triển khai một dự án đô thị tích hợp các mục tiêu khác nhau.
Đơn cử, có thể phát triển mảng xanh không gian mở gắn với cải tạo môi trường nước hoặc phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch; Xây dựng một công viên cấp quận gắn với một dự án xây dựng nhà ở hay đầu tư một công viên hồ điều tiết lớn gắn với dự án chống ngập TP hoặc dự án xây dựng khu vui chơi giải trí do tư nhân thực hiện…