https://image.thanhnien.vn/660/uploaded/ngocthanh/2020_05_26/tenma-viet-nam_qafd.jpg
Công ty TNHH Tenma Việt Nam tại KCN Quế Võ, Bắc NinhẢnh: Tenma

Cán bộ thuế, hải quan nhận hối lộ 5 tỉ đồng của công ty Nhật?

by

Vụ việc xảy ra tại Bắc Ninh, khi Công ty Tenma Nhật Bản (công ty mẹ của Công ty TNHH Tenma Việt Nam) đã thừa nhận hối lộ hơn 5 tỉ đồng cho cán bộ thuế, hải quan của Bắc Ninh nhằm trốn thuế.


Nhận 3 tỉ đồng để không truy thu thuế hơn 17 tỉ đồng?

Mới đây, tờ Asahi Shimbun (Nhật) đăng tin Công ty sản xuất nhựa Tenma đã tự nguyện báo với công tố viên quận Tokyo (Nhật) rằng Tenma Việt Nam đã hối lộ 2 lần với tổng số tiền khoảng 25 triệu yen cho một số quan chức hải quan và ngành thuế địa phương để được giảm thuế.
Theo tờ báo Nhật, các công tố viên Tokyo đánh giá hành vi trên của Tenma vi phạm luật Phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản, có nội dung nghiêm cấm hối lộ công chức nước ngoài. Công ty mẹ Tenma, có trụ sở chính tại thủ đô Tokyo, đã lập một ủy ban để điều tra vụ việc.
Trong công điện gửi tới Văn phòng Chính phủ và Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã trích dẫn những thông tin từ nhật báo Asahi Shimbun để báo cáo. Theo đó, tháng 6.2017, Tenma Việt Nam nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị gia tăng với mặt hàng nhập khẩu khoảng 400 tỉ đồng (1,79 tỉ yen). Ngay sau đó, lãnh đạo Tenma Việt Nam đề xuất với công ty mẹ hối lộ Cục Hải quan Bắc Ninh để miễn giảm khoản thuế trên. Sau khi được ông Kento Fujino, Chủ tịch công ty mẹ, chấp thuận thì Tenma Việt Nam chi 2 tỉ đồng cho cán bộ Việt Nam để trốn thuế.
Vẫn theo báo cáo này, tháng 8.2019, cục thuế địa phương đã phát hiện một số khoản thuế không được ưu đãi và yêu cầu truy thu thêm 17,8 tỉ đồng (khoảng 89 triệu yen). Các cán bộ thuế yêu cầu tiền mặt, vì vậy các nhân viên đã trả 3 tỉ đồng. Cuối cùng, số thuế truy thu giảm xuống còn 2,62 triệu yen (hơn 530 triệu đồng), bao gồm cả tiền phạt.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Công ty Tenma thành lập năm 1949, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa, là doanh nghiệp có uy tín được niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật Bản. Công ty có 7.557 nhân viên (số liệu năm 2018), doanh thu đạt khoảng 800 triệu USD. Website của công ty đã đăng thông tin Tổng giám đốc, ông Fujino Kaneto (67 tuổi) sẽ từ chức ngay sau đại hội cổ đông dự kiến tổ chức vào tháng 6.2020 để chịu trách nhiệm về sự việc này.

Bộ Tài chính lập ngay đoàn thanh tra

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Tenma Việt Nam được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam vào ngày 15.12.2017. Trụ sở đặt tại lô E1, KCN Quế Võ, xã Phương Liễu, H.Quế Võ (Bắc Ninh), công ty này có tổng giám đốc là ông Kamiya Yoshitaka.
Liên quan thông tin hối lộ trên, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, cho biết phía Nhật Bản chưa chính thức gửi hồ sơ để phối hợp. Tuy nhiên, ông cũng đã yêu cầu các thành viên trong đoàn kiểm tra thuế đã làm việc với Tenma Việt Nam, giải trình và gửi báo cáo cho cơ quan chức năng. Ông Tòng xác nhận có đoàn kiểm tra đã làm việc tại Tenma Việt Nam năm 2018 và làm rõ một khoản phải truy thu công ty này, phạt 520 triệu đồng, tương đương 2,6 triệu yen.
Về phía hải quan  lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết ngay sau khi nhận được thông tin trên đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng đoàn kiểm tra sau thông quan, giải trình. Ở thời điểm kiểm tra năm 2017, ông Phúc là Chi cục phó Chi cục Kiểm tra sau thông quan của Cục Hải quan Bắc Ninh, hiện ông này giữ chức vụ Phó phòng nghiệp vụ của Cục Hải quan Bắc Ninh.
Vẫn theo lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh, việc kiểm tra sau thông quan tại Tenma Việt Nam có nằm trong kế hoạch nhưng qua kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng không phát hiện ra sai phạm bởi Tenma Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất. Theo luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quy định của ngành hải quan, doanh nghiệp chế xuất không thuộc đối tượng chịu thuế xuất, nhập khẩu. Vì thế, với riêng cơ quan hải quan, nếu thông tin trên báo Nhật nói rằng cán bộ hải quan trao đổi với doanh nghiệp để giảm thuế là không có cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, xác nhận cơ quan này đã nắm thông tin và đã lập đoàn kiểm tra, phối hợp cũng như các cơ quan chức năng để xử lý.
Chiều 25.5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có ý kiến hỏa tốc chỉ đạo lập ngay đoàn thanh tra để xác minh thông tin kể trên và yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan báo cáo trước ngày 26.5.

Sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới Việt Nam
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sau đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ minh bạch thông tin này và công khai kết quả thanh tra.
Theo nhận xét của ông Dũng, nếu có hối lộ thì đây là hành vi ăn vặt, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới Việt Nam do liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng trong quản lý công tác cán bộ tại ngành thuế, hải quan.