https://image.plo.vn/w653/Uploaded/2020/cqjwqcdwp/2020_05_26/1-dat_cygp.jpg

Được miễn thuế đất nông nghiệp: Đầu cơ rồi bỏ hoang

(PL)- Đại biểu đề nghị cần siết chặt hơn đối tượng thụ hưởng, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tình trạng lợi dụng chính sách vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí.

Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Chính phủ đề nghị tiếp tục miễn thuế này đến hết năm 2025.

Thu mua đất nông nghiệp bỏ hoang chờ nhận bồi thường

“Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế” - Bộ trưởng Dũng nói.

Bên cạnh đó, miễn thuế này cũng hỗ trợ trực tiếp nông dân, khu vực nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị gia tăng và kết nối chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại.

Thảo luận sau đó, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng chính sách trên kéo dài đã hơn 20 năm, đến nay không còn hiệu quả, cần phải thu thuế đất nông nghiệp.

“Số tiền thuế miễn đưa đến 10.000 tỉ đúng là không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng cũng không thể có tác dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp cũng như hỗ trợ cho nông dân” - ông Cường nói.

ĐBQH TP Hà Nội cũng nhận định: Do đất không phải chịu thuế nên dù không sử dụng, nhiều người vẫn giữ đất để đấy, trong khi nhiều người khác đang cần đất lại không có đất để sản xuất.

Theo ông Cường, đất đai là nguồn lực hữu hạn, phần lớn các nước trên thế giới đều sử dụng thuế, chỉ một số ít nước không sử dụng chính sách thuế do họ có quỹ đất lớn gấp nhiều lần so với số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương đề nghị cần siết chặt hơn đối tượng thụ hưởng, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tình trạng lợi dụng chính sách vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nêu thực tế tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận giá bồi thường, bỏ hoang, không sản xuất. Ông cho rằng việc quản lý đất nông nghiệp phải “chặt chẽ đến từng thửa ruộng, lập sổ sách theo dõi hằng năm”.

Trước đó, thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH lưu ý thực tế miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vừa qua thiếu tích cực khi không tạo động lực để các tổ chức, cá nhân canh tác dẫn tới tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. “Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận bồi thường khi các địa phương triển khai các dự án đầu tư” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung các quy định chặt chẽ để chính sách này thực sự có tác động tới hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang, lãng phí đất đai.

https://image.plo.vn/w800/Uploaded/2020/cqjwqcdwp/2020_05_26/3-quoc-hoi_qckk.jpg
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm sau khi đại biểu thảo luận về  dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: quochoi.vn

Sẽ xây dựng Luật Thuế tài sản

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận thực tế quá trình sử dụng đất nông nghiệp có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, pháp luật về đất đai chưa có khung pháp lý quy định thế nào là đất hoang hóa. Mặt khác, Luật Đất đai 2013 cũng xác định một số loại đất nông nghiệp không được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định là những hành vi vi phạm pháp luật và phải thực hiện thu hồi đất.

Tổng số miễn, giảm trung bình mỗi năm giai đoạn 2003-2010 là hơn 3.200 tỉ đồng, 2011-2016 khoảng 6.300 tỉ đồng, 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 gần 7.500 tỉ đồng. 

Ông Dũng khẳng định việc để hoang hóa đất đai “không phải do việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp”, mà do nhiều nguyên nhân như thiên tai, dịch bệnh, không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động, các rào cản trong quy định của pháp luật về đất đai nhằm tích tụ, tập trung ruộng đất…

“Chính phủ cho rằng các đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như hiện hành là phù hợp” - ông Dũng nói và cho hay Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thu thuế đối với đất để hoang hóa khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng.

Giải trình thêm cuối phiên thảo luận, ông Đinh Tiến Dũng cho hay Bộ Tài chính cùng Bộ TN&MT đang phối hợp tổng kết, đánh giá tổng thể chính sách thu liên quan đến đất đai, trong đó có chính sách liên quan đến thuế đất nông nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình QH luật thuế mới phù hợp với tình hình mới, trong đó Luật Thuế tài sản có đưa đất nông nghiệp vào đối tượng để tính toán.


Đề nghị thành lập Bộ Thanh niên

Chiều 25-5, QH đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thanh niên sửa đổi. Tham gia thảo luận, ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi (Đoàn Cần Thơ) cho rằng để tăng tính chính danh trong công tác quản lý nhà nước đối với thanh niên thì công tác này cần gắn với một bộ cụ thể là hết sức cần thiết.

“Điều này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong thời gian sớm nhất để bảo đảm tính kế thừa trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên tốt hơn và hiệu quả hơn” - ĐB Nghi nói.

Theo ĐB Nghi, tại nhiều nước trên thế giới cũng có cơ quan riêng để quản lý thanh niên, theo đó, công tác, quản lý thanh niên cần gắn với một bộ nào đó, ví dụ Bộ Thanh niên và Thể thao chẳng hạn. “Cần hướng tới tính chính danh trong công tác quản lý thanh niên đối với một bộ nào đó” - bà Nghi kiến nghị.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thanh niên, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho biết dự luật đưa ra việc thành lập Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam (Điều 7), tuy nhiên nội dung này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Sau khi làm việc với các bên liên quan, ông Bình cho biết nội dung này được thiết kế lại theo hướng Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng về công tác thanh niên. Nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban này do Thủ tướng quy định.