Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo" ở Biển Đông
by HOÀNG HÀANTD.VN - Thực tế không thể bác bỏ ở Biển Đông thời gian qua chính là sự khẳng định, điều mà Trung Quốc làm hoàn toàn trái ngược với những vì mà Bắc Kinh tuyên bố rằng họ không muốn lợi dụng đại dịch Covid-19 để thống trị trên vùng biển chiến lược này.
Leo thang cả trên thực địa và pháp lý
Không khỏi ngạc nhiên trước những tuyên bố mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra tại cuộc họp báo hôm 24-5 tại Bắc Kinh khi cho biết nước này sẽ không lợi dụng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) để “khẳng định sự thống trị” ở Biển Đông. Ông Vương Nghị cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng Bắc Kinh lợi dụng sự mất tập trung của các nước ở Đông Nam Á do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời cho rằng Trung Quốc đang hợp tác với các nước trong khu vực để đánh bại đại dịch này.
Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc còn nói thêm rằng, “không có bằng chứng ủng hộ tuyên bố Trung Quốc đang sử dụng đại dịch Covid-19 để mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông”. Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh, sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trái ngược với “sự can thiệp” của những quốc gia bên ngoài khu vực bằng cách điều máy bay quân sự và tàu chiến vào Biển Đông.
Đúng là ngạc nhiên bởi những tuyên bố trên đây của Trung Quốc hoàn toàn không như những gì đã diễn ra trên thực tế ở Biển Đông từ đầu năm tới nay, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lây lan ra toàn cầu, trong đó khu vực Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng với hơn 80 nghìn người mắc bệnh và gần 2.500 người tử vong tính tới hết ngày 25-5. Những tháng qua, các nước ASEAN không chỉ đảo lộn kinh tế-xã hội vì đại dịch Covid-19 mà còn “dậy sóng” bởi những việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc suốt từ đầu năm tới nay đã khiến cả khu vực phải quan ngại sâu sắc khi tiếp tục có những động thái cả trên thực địa và pháp lý nhằm hiện thực hóa đòi hòi chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông. Theo đó, trên thực địa, Trung Quốc có hàng loạt các hành động gây căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải, hàng không, xâm phạm chủ quyền các bên liên quan ở Biển Đông.
Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 từng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính trong thời gian gần 3 tháng từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019 lại xuất hiện ở Biển Đông trong những tháng đầu năm 2020. Nhóm tàu này sau khi đi xuyên qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam đã tiến sâu xuống phía Nam Biển Đông, xâm phạm vùng biển mà Manila tuyên bố là EEZ của nước này để có những hoạt động được xem là nhằm “quấy rối” một tàu khoan thăm dò dầu khí của Malaysia.
Hành động nguy hiểm nhất khiến mọi quốc gia liên quan tới Biển Đông đều lo ngại sâu sắc và lên tiếng chỉ trích là việc tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc vẫn tiếp diễn với việc triển khai máy bay trinh sát biển hiện đại của nước này tới đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Về pháp lý, Trung Quốc tiến thêm một bước hiện thực hóa thuyết “Tứ sa” ở Biển Đông, được xem là yêu sách chủ quyền mới của Bắc Kinh tại vùng biển này sau khi yêu sách “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ hồi tháng 7-2016 khi đưa ra phán quyết trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Đó là việc Trung Quốc cống bố thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”; công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Vạch rõ việc “nói một đằng, làm một nẻo”
Có thể thấy rất rõ ràng rằng, không phải ai khác mà chính thực tế diễn ra ở Biển Đông thời gian qua đã minh chứng Trung Quốc “nói một đằng, làm một nẻo” với cái đích sâu xa là hiện thực hóa những tham vọng chủ quyền tại vùng biển chiến lược trọng yếu với cả khu vực và thế giới này. Điều này cũng đã bị chính giới và dư luận khu vực, quốc tế vạch rõ thời gian qua.
Trước những phát biểu của ông Vương Nghị, ông William Choong, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đã nhấn mạnh rằng các hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển các nước láng giềng đang gây ra sự bất an trên toàn khu vực. Theo vị chuyên gia này, Trung Quốc có thể nói những gì mà họ muốn về tình hình ổn định nhưng thực tế xuất hiện lo ngại rằng trong khi Trung Quốc xem các hoạt động của mình là bình thường ở Biển Đông thì điều đó lại là sự tổn hại cho các nước trong khu vực.
Chứng kiến những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã thúc giục Malina phản đối các động thái của Trung Quốc, cho rằng hành động của Bắc Kinh gần đây cho thấy họ "đã không ngừng lạm dụng đại dịch do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) khi tiếp tục theo đuổi các yêu sách và mở rộng bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”. Trong một công hàm phản đối Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Philippines từng nhấn mạnh rằng, lợi dụng dịch bệnh đang hoành hành ở khu vực để “tạo ra các sự cố trên biển sẽ không bao giờ làm phát sinh quyền hợp pháp ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào”.
Là quốc gia có lợi ích chiến lược gắn liền với Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Australia đã lên án những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Ông Michael Shoebridge, chuyên gia tại Viện chính sách chiến lược Australia, nhận định, việc Trung Quốc xem dịch Covid-19 là cơ hội để gia tăng hành động nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông cho thấy tính hung hăng và bành trướng của nước này.