Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT phủ nhận cáo buộc phạm tội

 Tự bào chữa, Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT) tái khẳng định bị cáo không nhất trí với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để nhờ nâng điểm cho 13 thí sinh...
>>2 bị cáo cùng phủ nhận việc đưa, nhận 1 tỉ đồng để nâng điểm cho thí sinh
>>Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La bị đề nghị 7-8 năm tù

Chiều 25/5, HĐXX vụ án gian lận thi cử ở Sơn La tiếp tục với phần đối đáp quan điểm tự bào chữa của các bị cáo và luận cứ gỡ tội của luật sư trong vụ án này.

Viện kiểm sát làm rõ việc đưa, nhận hối lộ 1 tỉ đồng

Đối đáp với luật sư bào chữa cho bị cáo Lò Văn Huynh, đại diện VKSND tỉnh Sơn La khẳng định, cơ quan này không vi phạm tố tụng như luật sư Lê Thanh Sơn lập luận trước đó trong phiên làm việc buổi sáng nay.

"Đây là vụ án phức tạp, ban đầu mới khởi tố 7 bị can, sau khi trả hồ sơ đã khởi tố bổ sung 5 bị can về các tội Đưa và Nhận hối lộ", Kiểm sát viên nêu lý do của việc trả hồ sơ 4 lần.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/25/vks-10-1590402965078.jpeg
Đại diện viện kiểm sát đối đáp quan điểm bào chữa của luật sư trong phiên xử chiều nay 25/5 (Ảnh: Trần Thanh).

Liên quan hành vi phạm tội của ông Huynh, công tố viên khẳng định quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Huynh thành khẩn khai báo về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo cũng thừa nhận tình tiết phạm tội nhiều lần.

Với cáo buộc nhận hối lộ 1 tỉ, kiểm sát viên căn cứ lời khai ban đầu của ông Huynh phù hợp với tài liệu cơ quan an ninh điều tra xác minh. Cụ thể, bị cáo khai đã nhận tiền vào tối 13/6/2018 khi Nguyễn Minh Khoa (Phó phòng An ninh chính trị nội bộ) đến nhà để đưa cho Huynh 1 tỉ với các mệnh giá tiền 500.000 và 200.000 đồng.

Đại diện viện kiểm sát dẫn chứng bị cáo Huynh khai rất chi tiết về việc ông Khoa nói: "Em có một số thí sinh con em bạn bè, người quen nhờ anh giúp để đỗ vào trường công an. Nếu được sẽ gửi 700 triệu đồng mỗi thí sinh và đưa trước 1 tỉ".

Sau khi vụ án khởi tố, anh Lê Thanh Sơn (em vợ Huynh) đến nhà Huynh nên bị cáo nhờ anh Sơn giữ hộ anh 1 tỉ để trả cho Khoa, nhưng Lò Văn Huynh dặn "khi nào anh gọi điện thì mới thực hiện".

Theo công tố viên, Sơn cũng khẳng định đã mở xem bọc tiền và thấy bên trong có 2 loại mệnh giá như trên. Đến ngày 7/1/2019, Sơn nộp 1 tỉ cho cơ quan điều tra.

Tại biên bản giao nhận, anh Sơn trình bày đó là số tiền ông Huynh đưa giữ hộ. "Lò Văn Huynh còn vẽ sơ đồ vị trí mô tả việc bị cáo Khoa đến nhà đưa tiền, vị trí Khoa đặt túi tiền trên ghế", đại diện VKS lập luận.

Về nguồn gốc số tiền 1 tỉ, kiểm sát viên công bố kết quả xác minh của cơ quan điều tra, cho thấy cuối năm 2017, vợ chồng bị cáo Huynh tiết kiệm được 250 triệu. Trong khi đó, ông Huynh khai khoản tiết kiệm là 1,25 tỉ. Như vậy, đại diện VKS đánh giá bị cáo Huynh không lý giải được vì sao có sự chênh lệch con số 1 tỉ.

Còn việc Lò Văn Huynh khai 1 tỉ đưa cho em vợ là tiền bán đất ở Ninh Bình và tiền tiết kiệm, viện kiểm sát có đủ căn cứ khẳng định đây là tiền mà ông Huynh đã nhận từ Nguyễn Minh Khoa.

Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT phủ nhận cáo buộc phạm tội

Tự bào chữa, Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở GD&ĐT) tái khẳng định bị cáo không nhất trí với cáo buộc lợi dụng chức quyền hạn trong khi thi hành công vụ để nhờ nâng điểm cho 13 thí sinh.

Theo bị cáo, cơ quan tố tụng quy kết ông ta có động cơ cá nhân khác để nhờ nâng điểm cho 13 thí sinh là không đúng.

Ông Yến lập luận hồ sơ của cơ quan an ninh điều tra đã kết luận không ai nhờ bị cáo nâng điểm, bị cáo cũng không có động cơ vụ lợi. Bị cáo cho rằng viện kiểm sát cáo buộc ông chịu trách nhiệm chính giám sát thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm kết quả bài thi là không có cơ sở pháp lý.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/24/yen-33-1590289298361.jpg
Bị cáo Trần Xuân Yến (Ảnh: Trần Thanh).

Ông Yến nói trong kỳ thi năm 2018, Thông tư số 04 của Bộ GD&ĐT quy định quá trình chấm thi phải bố trí bộ phận giám sát gồm công an và thanh tra.

“Như vậy, bị cáo là đối tượng được giám sát, không phải người giám sát”, Phó giám đốc sở trình bày Thông tư 04 cũng không có điều khoản nào quy định bị cáo phải chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi.

Với cáo buộc đồng thuận, cho phép các bị cáo khác rút bài thi trắc nghiệm mang về nhà để sửa nâng điểm, ông Yến nói rằng quy kết này không đúng. Bởi lẽ, cơ quan điều tra và lời khai các bị cáo khác đã khẳng định không ai được bị cáo chỉ đạo làm việc này.

Về cáo buộc chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Nga xóa dữ liệu máy tính liên quan việc nâng điểm thi sau khi có đoàn thanh tra, ông Yến cũng bác bỏ luận tội của đại diện viện kiểm sát.

Đối đáp với bị cáo, kiểm sát viên khẳng định quá trình điều tra, Trần Xuân Yến khai nhận phù hợp với lời khai của các bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy và Cầm Thị Bun Sọn về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với tình tiết phạm tội nhiều lần.

Lời khai của ông Yến thể hiện bị cáo đã đồng thuận cho các bị cáo rút bài thi nhằm nâng điểm cho các thí sinh. Sau đó, quét lại kết quả các bài thi đã sửa để cập nhật vào máy tính.

Đại diện viện kiểm sát cũng khẳng định lời khai của ông Yến và các bị cáo, cũng như nhiều chứng cứ bổ trợ cho thấy, Phó giám đốc Sở GD&ĐT đã không chỉ đạo niêm phong bài thi sau khi thi. Đến chiều 4/7/2018, ông Yến mới ban hành quy định niêm phong khi các bài thi đã được sửa nâng điểm.

Theo kiểm sát viên, khi đoàn công tác của Bộ GD&ĐT lên thanh tra, bị cáo Yến đã mang các bộ đĩa CD ra nghĩa trang để đốt tiêu hủy nhằm phi tang. Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường và đã thu được các mẫu than.

Đại diện viện kiểm sát cũng khẳng định có căn cứ cho thấy Trần Xuân Yến đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Nga xóa dữ liệu trên máy tính để trốn tội, cơ quan giám định cũng đã tìm ra dấu vết của hành vi tẩy xóa này.

Ngày mai 26/5, HĐXX tiếp tục phiên làm việc.

Trần Thanh