Góc nhìn chứng khoán: Cổ phiếu nhỏ 'lên hương'
(VNF) - Sau khi để mất 9,99 điểm phiên cuối tuần trước, VN-Index hôm nay đã lấy lại được 6,3 điểm. Mức tăng này chủ yếu đến từ vài cổ phiếu lớn như VNM, CTG, VIC, BID. Nhóm blue-chips còn lại giao dịch không mạnh.
by Song TửCác giao dịch đáng chú ý nhất lại tập trung ở các mã vừa và nhỏ, tuy không kéo được nhiều điểm số, nhưng thu hút dòng tiền rất ấn tượng và giá cũng tăng tưng bừng. Trong 5 phiên gần nhất, hiện tượng xoay vòng dòng tiền đang có sự dịch chuyển về các nhóm này chứ không phải vào blue-chips Vn30.
Thống kê giá trị khớp lệnh giữa 3 nhóm cổ phiếu là VN30, VNMidcap và VNSmallcap cho thấy thanh khoản của các blue-chips VN30 đang giảm dần về con số tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng giá trị giao dịch (khớp lệnh) của sàn HSX. Trong khi đó giá trị giao dịch của hai nhóm cổ phiếu còn lại đều tăng cả về con số tuyệt đối lẫn tỷ trọng.
Phiên giao dịch hôm nay sự thay đổi diễn ra rất rõ ràng. Nhóm VN30 chỉ còn chiếm 52,4% giá trị sàn, trong trong khi VNMicap tăng lên 28,9%, VNSmallcap tăng lên 11,8%. Với VN30, hôm nay có tỷ trọng thấp nhất trong 5 phiên vừa qua còn VNMicap và VNSmallcap lại đạt tỷ trọng cao nhất.
Tỷ trọng giá trị giao dịch (khớp lệnh) của các nhóm cổ phiếu trên sàn HSX trong 5 phiên gần nhất.
Điểm đáng chú ý là các cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trong cả hai nhóm này đều có mức tăng giá rất mạnh. 5 mã thanh khoản cao nhất nhóm Midcap là PHR khớp 149,2 tỷ đồng, giá tăng 6,92%; DPM khớp 105,5 tỷ đồng, giá tăng 5,52%; KBC khớp 87,7 tỷ đồng, giá tăng 6,61%; GEX khớp 75,6 tỷ đồng, giá tăng 4,39%; TCH khớp 69,9 tỷ đồng, giá tăng 2,42%.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản nhất nhóm VNSmallcap là SZC khớp 86,4 tỷ đồng, giá tăng 6,9%; KSB khớp 32,2 tỷ đồng, giá tăng 6,19%; NKG khớp 31,2 tỷ đồng, giá tăng 3,49%; TCB khớp 28,8 tỷ đồng, giá tăng 6,75%; D2D khớp 27,6 tỷ, giá tăng 2,39%.
Nhóm VN30 dĩ nhiên vẫn là những cổ phiếu thanh khoản khủng nhất thị trường nhưng mức tăng giá không đáng chú ý. VNM và CTG là hai mã đáng kể nhất khi tăng được trên 1%. VNM khớp 183,8 tỷ đồng, giá tăng 2,8% và CTG khớp 155,2 tỷ đồng, giá tăng 1,1%. Cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường là VHM với 357,4 tỷ đồng, giá chỉ tăng 0,39%. HPG xếp thứ hai, giá chỉ tăng 0,18%. VPB thậm chí giảm 0,62%.
Giá tăng mạnh đi kèm với thanh khoản lớn là một diễn biến rất tích cực. Thống kê trên sàn HSX có nhiều cổ phiếu bùng nổ hôm nay, cho thấy có dòng tiền tập trung vào đột biến. Một số đạt mức tăng khối lượng giao dịch gấp đôi so với mức bình quân 20 phiên gần nhất như SZC tăng 279%, BFC tăng 146%, TCM tăng 131%, GVR tăng 120%, DPM tăng 120%... Tất cả các cổ phiếu này đều có mức tăng giá xấp xỉ 5% trở lên, nhiều mã kịch trần.
Một số cổ phiếu sàn HSX có thanh khoản hôm nay tăng tối thiểu 50% so với bình quân 20 phiên gần nhất và giá tăng.
Do sự trì trệ của các blue-chips lớn nên VN-Index đã không tăng đủ mạnh để lấy lại hết mức giảm của phiên cuối tuần trước. Cả hai nhóm cổ phiếu quan trọng là ngân hàng và nhóm vingroup đều giao dịch không mạnh. Trong số này chỉ có CTG và VRE là tăng trên 1%, nhưng Top 3 vốn hóa lại yếu: VIC tăng 0,73%, VCB tăng 0,12%, VHM tăng 0,39%.
Nhìn rộng hơn, trong “cuộc đua” trở về thời điểm “tiền Covid”, VN-Index đang là chỉ số đuối sức nhất, hiện vẫn còn thấp hơn mốc ngày 22/1/2020 khoảng 13,36%. VN30-Index áp chót khi thấp hơn 11,2%. VNMidcap chỉ còn cách 10,24% trong khi VNSmallcap sắp “về đích” khi chỉ còn kém 3,26%.
Với hiện tượng dịch chuyển dòng vốn sang các cổ phiếu vừa và nhỏ, sự phân hóa nói trên sẽ còn rõ hơn nữa trong những phiên tới. Thực sự nếu các cổ phiếu lớn không thể cộng hưởng tăng và phân hóa bù trừ lẫn nhau thì vai trò chính sẽ chỉ còn là giữ nhịp cho VN-Index. Trong quá khứ, các giai đoạn như vậy các cổ phiếu vừa và nhỏ thường tăng nóng.