Điểm đến Bha Lee-Tà Làng, khám phá văn hóa của đồng bào Cơtu Quảng Nam
(Dân trí) - Một điểm du lịch cộng đồng với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơtu trên dãy Trường Sơn, huyện Tây Giang, Quảng Nam vừa được hoàn thiện với sự hỗ trợ của một tổ chức phi lợi nhuận.
Đó là điểm đến Bha Lee-Tà Làng thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Cách trung tâm Đà Nẵng 120km về hướng Tây Bắc, thôn Bha Lee-Tà Làng là nơi cư trú chính của đồng bào Cơtu với khoảng 90 hộ và 450 người. Thôn được một tổ chức phi lợi nhuận hướng dẫn và tài trợ cho bà con vật dụng, hỗ trợ xây dựng trong 18 tháng phục hồi lại làng truyền thống, tập huấn phát triển du lịch nhằm cải thiện cuộc sống cho bà con theo chương trình Trường Sơn xanh.
Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, địa điểm này đã tiếp đón những đoàn khách đầu tiên đến khám phá nền văn hóa đặc sắc còn nguyên bản của đồng bào Cơtu nơi đây.
Ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch huyện Tây Giang – cho biết, thời gian qua, huyện cùng với tỉnh triển khai các hạng mục hỗ trợ cho bà con đầu tư cơ sở hạ tầng, các điều kiện tổ chức lưu trú cho khách. Bên cạnh đó tập huấn, hướng dẫn cho bà con phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu.
Với sự hỗ trợ này, tại đây đã hình thành điểm đến tham quan và đón khách sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Đây cũng là định hướng của huyện Tây Giang trong việc phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình homestay.
Theo lãnh đạo huyện Tây Giang, điều kiện rất thuận lợi của địa phương chính là khí hậu. Ở độ cao từ 800-1.000m thì khí hậu quanh năm khá ôn hòa, nhất là vào thời điểm mùa hè trời mát rượi.
Cùng với thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, nơi đây cũng in đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu. Đồng bào Cơtu gìn giữ và bảo tồn văn hóa rất tốt và đây là sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của huyện Tây Giang.
Theo ông Lê Hoàng Linh, điểm dân cư thôn Bha Lee-Tà Làng có dân số tương đối đông nhưng dự án hỗ trợ mang tính chất thúc đẩy, thành lập những nhóm, tổ để bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo cho 20 hộ đồng bào Cơtu làm du lịch cộng đồng. Hiện đã hình thành được Ban quản lý, quy chế quản lý hoạt động và phân công trách nhiệm rõ ràng từ các hộ tham gia vào dự án này đến thôn, xã…
Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa làng, được tiếp xúc trực tiếp với đời sống sinh hoạt của đồng bào Cơtu cũng như trong sản xuất. Ví dụ như tham gia cùng bà con sản xuất nương rẫy, thu hoạch mùa vụ, đắm mình dưới những dòng thác. Đặc biệt là giao lưu văn hóa với bà con Cơtu với điệu múa Tung tung za zá, lễ cúng lúa mùa, lễ Tạ ơn rừng…
Làm thế nào để quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơtu để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm? Ông Lê Hoàng Linh cho biết, hiện huyện Tây Giang cũng đã có Ban chỉ đạo phát triển du lịch, bên cạnh việc bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơtu thì thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng nghề; trong đó có một số nghề đặc trưng như đan lát, dệt thổ cẩm, tạo ra những sản phẩm từ trong sản xuất của bà con.
Bên cạnh đó, huyện Tây Giang tập trung vào phát triển sản phẩm từ đặc trưng vùng miền, đó là các sản phẩm dược liệu, ba kích, đảng sâm… hướng đến sản xuất sản phẩm OCOP, mỗi xã một sản phẩm và chế biến sâu.
Du khách lên với đồng bào Cơtu tham quan, trải nghiệm khi về thì mua những vật dụng, sản vật được sản xuất từ bà con như sản phẩm được chế biến từ dược liệu, các loại rau rừng, măng rừng, bánh sừng trâu, sắn nướng ống…
Đây là những sản phẩm sạch được tạo ra và gắn liền với đời sống của bà con. Những sản vật này chính là món quà mà khi du khách đến Tây Giang sẽ được mua về dùng hoặc tặng cho bạn bè, người thân.
Công Bính