Thương vụ tỷ USD, đòi bồi thường triệu USD cùng những mập mờ của Newlife Group và Goldgame
VTV.vn - Một video dàn dựng, không xác tín sao có thể khiến người ta hoang mang và đặt dấu hỏi về những thông tin đáng tin cậy của Đài TH Quốc gia?
by Nhóm PV Kinh tếNgày 23/05/2020, đồng loạt website của Newlife Group, SB Capital Management và các kênh Facebook, Youtube của doanh nghiệp này đã đăng tải một video mà họ cho là của một kênh truyền hình nào đó ở Mỹ. Trong đó phát tin nóng - Breaking News - với nội dung xuyên tạc VTV bị kiện và phải bồi thường 600 triệu USD.
Thế nhưng, có lẽ với khán giả, đây là một kênh truyền hình không tên khi mà logo - thứ để nhận diện thương hiệu, uy tín của một kênh truyền hình thì lại không thấy đâu.
Bên cạnh đó, khi xem video này, phần lớn đều dễ dàng chỉ ra đây là một video tự dàn dựng, lồng ghép chứ hoàn toàn không được phát bởi bất cứ đài truyền hình nào.
Theo các chuyên gia truyền thông, nếu đây có là video của một đài truyền hình thật thì cũng chỉ là kênh truyền hình "trong nhà". Chia sẻ với phóng viên VTV News, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch tập đoàn Truyền thông Lê cho biết, bản tin này chắc chắn không phải của một đài truyền hình nào cả. Nó có thể do bất cứ ai dàn dựng lên. Nguyên tắc của truyền hình là phải có logo kênh ở trên khuôn hình, đặc biệt trong bản tin Breaking News thì càng quan trọng.
"Đoạn video này cố tình dàn dựng riêng cho SB Capital nên toàn bộ nội dung của video đều chỉ đề cập đến cùng một nội dung, kể cả dòng thông tin chạy chữ cũng vậy. Trong khi thông thường đây là chỗ để chạy các tin tức thời sự khác nhau, mới và cập nhật liên tục", ông Vinh bổ sung thêm.
Còn với những người có hiểu biết một chút về kỹ thuật thì công nghệ ngày nay giúp bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tạo ra một video tương tự. Tất nhiên, thường thì họ chỉ đăng tải vui lên Facebook, Instagram hay Tiktok và trêu đùa với bạn bè rằng "TV đang nói về tôi này các bạn ơi".
Thương vụ tỷ đô và giấy chứng nhận sai chính tả
Theo như lời của Chủ tịch Newlife Group đồng thời là Tổng Giám đốc của SB Capital Management - Nguyễn Văn Anh, hai doanh nghiệp này đã có một thương vụ sáp nhập trị giá 1 tỷ USD. SB Capital sẽ chi 1 tỷ USD để phát triển các hoạt động kinh doanh hiện tại của Newlife Group.
Đây là một trong những tờ giấy chứng nhận mà Newlife Group và SB Capital cấp cho những người đã đầu tư, thế nhưng nếu quan sát kỹ chúng ta có thể thấy ngay từ "thousand" (nghìn) đã bị viết sai.
Nhưng câu hỏi là với những tờ chứng nhận như cổ phần, cổ phiếu, được xem là có giá trị lớn về tài sản, thậm chí có liên quan đến tính pháp lý, việc viết sai liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu có xảy ra tranh chấp?
Vậy còn công ty đã rót vốn cho thương vụ sáp nhập tỷ đô này là ai?
Chúng tôi đã truy cập vào địa chỉ website mà ông Nguyễn Văn Anh cung cấp www.sbcapitalmanagementinc.com. Nhưng khi click vào phần thông tin Chủ tịch của doanh nghiệp này, ngài John Levi Russell Jr thì lại thấy ông này có tên là Henry A.Smith, vốn là lập trình viên cho Asus – một hãng công nghệ Đài Loan (Trung Quốc), còn nay thì vẫn đang "bận" làm việc cho Viện công nghệ Massachusetts.
Không chỉ chúng tôi, nhiều độc giả khi biết thông tin về thương vụ khủng trị giá tỷ đô này cũng đã ngay lập tức tham gia tìm hiểu.
Bạn Nguyễn Kim Minh chia sẻ: "Mình đã check tên cũng như tìm kiếm hình ảnh tất cả các nhân sự thì ở phía dưới, trừ 3 ông hàng đầu, còn lại tất cả thông tin đều ảo hết. Website này mới lập." (Website www.sbcapitalmanagementinc.com được khởi tạo vào ngày 13/02/2020 – PV)
Còn bạn Nguyễn Gia Huy đưa ra hàng loạt dấu hỏi về SB Capital Management. Chẳng hạn như tại sao số điện thoại tại Nevada lại trùng với số điện thoại của một trang chuyên bán mỹ phẩm có tên Spypink? Hay website của doanh nghiệp mới rót cả tỷ USD cho Newlife Group này lại chỉ khởi tạo được vài tuần. Thậm chí còn được đăng ký sở hữu bởi một cá nhân, mà cá nhân này oái oăm thay lại cũng không phải ông Russell hay ông Văn Anh.
Để làm sáng tỏ hơn tới các độc giả về SB Capital Management, phóng viên của báo điện tử vtv.vn đã tìm tới cổng thông tin doanh nghiệp của bang Nevada (Mỹ) tại địa chỉ www.esos.nv.gov và đây là những gì chúng tôi tìm được.
Trước tiên phải khẳng định, đây chính là SB Capital mà chúng ta bấy lâu tìm kiếm, địa chỉ trùng khớp và chủ tịch đúng là ông John Levi Russell Jr. Chỉ có điều SB Capital Management này được thành lập ngày 06/06/2018 chứ không phải năm 2008 như ông Nguyễn Văn Anh công bố. Doanh nghiệp này theo đăng ký có 1 triệu cổ phần tại Mỹ và ngay ở ô bên cạnh là giá trị của mỗi cổ phần là 0,001 USD, tương đương với 23 VNĐ. Tính ra toàn bộ 1 triệu cổ phần này tức là vốn điều lệ của SB Capital Management chỉ là 1 nghìn USD tương đương với khoảng 23 triệu đồng.
Nhìn lại tờ chứng nhận cổ phần mà SB Capital đã chuyển cho những người đầu tư tại Việt Nam, giá trị mỗi cổ phần mà họ nhận được là 1,5 USD. Nhiều người tưởng rằng đã mua được giá hời khi chỉ phải bỏ ra 1USD/cổ phần. Trong khi mức giá đăng ký cổ phần của SB Capital tại Mỹ thực tế chỉ bằng 1 phần nghìn con số này.
Kỳ lạ hơn, theo cổng thông tin này, tên của các ông Văn Anh, Russell – người được cho là nhà sáng lập - lại cùng được đăng ký bổ sung vào doanh nghiệp này ngày 15/02/2020 (trước đó SB Capital được quản lý bởi các cá nhân khác) tức là tới 10 ngày sau khi thương vụ sáp nhập tỷ đô diễn ra.
Newlife Group kinh doanh thứ gì mà lại có thể khuếch trương giá trị của mình lớn đến như vậy?
Theo lời của ông Nguyễn Văn Anh, hiện tại Newlife Group có 4 lĩnh vực kinh doanh chính.
Đầu tiên là Goldgame với sản phẩm chiến lược là Game103 – một trò chơi dự đoán bóng đá và thể thao quốc tế có thưởng. Với trò chơi này, Goldgame quảng bá rằng họ là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử được Chính phủ Việt Nam cấp phép. Mỗi người chơi sẽ phải bỏ ra 10 nghìn đồng cho mỗi lần dự đoán kết quả bóng đá quốc tế với kỳ vọng nhận được các giải thưởng lên tới cả triệu USD.
Trong những buổi quảng bá Game103, đơn vị tổ chức nói rằng chơi game thì có thể thắng hoặc thua nhưng đầu tư cho game thì chỉ có thắng, không có thua. Đến năm 2021, khi mà họ IPO lên sàn quốc tế thì giá trị đầu tư sẽ có thể tăng lên từ 50 đến 100 lần so với hiện tại. Mặc dù, đến thời điểm này mọi giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử qua mạng của Goldgame đều đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông đình chỉ.
Thứ hai là Bigbuy24h được quảng bá là sàn thương mại điện tử duy nhất hoàn tiền cho khách hàng lên đến 100%. Đến nay, Bigbuy24h cũng đã bị yêu cầu dừng mọi hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử qua website www.bigbuy24h.com.
Hoạt động thứ 3 của Newlife là kinh doanh hàng không. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình VTC10, ông Nguyễn Văn Anh khẳng định doanh nghiệp của mình đã được cấp phép cho hãng hàng không có tên Newlife Air. Nhưng Cục Hàng không Việt Nam đã bác bỏ thông tin này. Mặc dù vậy, trong các hoạt động tập huấn, thu hút đầu tư, các đại diện của Newlife Group vẫn quảng bá rằng ngay trong tháng 6 tới họ sẽ triển khai kinh doanh hàng không với 5 chiếc máy bay do SB Capital cung cấp.
Hoạt động thứ 4 của Newlife là kinh doanh bất động sản tại Hy Lạp. Với hoạt động này thì thực sự cũng khó nếu ai đó ở Việt Nam muốn kiểm chứng vào lúc này.
Cơ quan chức năng nói gì về những hoạt động của Newlife Group?
Quảng bá rầm rộ game cá cược không được cấp phép để thu hút đầu tư. Mập mờ chứng nhận cổ phần chuyển đổi từ một thương vụ chưa có tính pháp lý tại Việt Nam. Bị đình chỉ toàn bộ giấy phép nhưng vẫn ngoan cố không thừa nhận. Có dấu hiệu giả mạo thông tin, vu khống và xúc phạm tổ chức, cá nhân khác. Đó là một số nhận định của các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia khi nói về Goldgame và Newlife Group cùng thương vụ bánh vẽ tỷ đô.
Còn theo Bộ Tài chính, đây là một hình thức cá cược thể thao, cá độ bóng đá. Vào ngày 22/05/2020, Bộ này đã ra văn bản khẳng định chưa cấp phép, thậm chí là chưa đồng ý cho bất cứ doanh nghiệp nào thí điểm loại hình kinh doanh này.
Thương vụ tỷ đô chưa hề có giá trị pháp lý tại Việt Nam
Không chỉ quảng bá về trò chơi dự đoán bóng đá có thưởng không phép, Newlife Group – tập đoàn mẹ của Goldgame thậm chí còn sử dụng sức hút của trò chơi này để tuyên bố một thương vụ sáp nhập được cho là trị giá 1 tỷ đô la Mỹ với công ty Mỹ có tên SB Captial Management.
Tại buổi lễ phát chứng nhận cổ phần tại trụ sở của Gold Game vào ngày 14/3, những người đã mua cổ phần của công ty này đều được chuyển đổi sang cổ phần của SB Capital với giấy chứng nhận đi kèm. Tuy nhiên, quy định thì không hề đơn giản để sáp nhập 1 doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Mỹ.
"Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thì có ba hình thức: Một là đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Hai là hợp đồng; Ba là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. Cả 3 hình thức này chúng tôi đều chưa nhận được hồ sơ nào của công ty này…. Với hiện trạng như này, chúng tôi khẳng định rằng là chưa có 1 cái hoạt động gì liên quan đến thay đổi vấn đề nhà đầu tư nước ngoài ở đây. Rà soát trên hệ thống, chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin gì liên quan đến mua bán cổ phần, sáp nhập doanh nghiệp liên quan đến SB Capital", bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cho biết.
Như vậy có thể thấy, thương vụ này hoàn toàn chưa có giá trị pháp lý tại Việt Nam. Vì thế, những chứng nhận cổ phần mà Newlife Group và đối tác của mình phát hành cũng chưa thể có giá trị pháp lý, những người Việt sở hữu nó chắc chắn chưa được bảo vệ lợi ích ngay tại tổ quốc mình.
"Mập mờ" trong mọi hoạt động của Newlife Group
Khi chúng tôi phỏng vấn ông Nguyễn Văn Anh về giá trị của các giấy chứng nhận cổ phần, ông này cho biết sẽ có thể mang đổi ra séc có giá trị tương đương số tiền mà người đầu tư đã góp tại các ngân hàng mà không nói rõ ngân hàng nào (bản phỏng vấn đầy đủ đã phát sóng trong bản tin Tài chính kinh doanh trên VTV1 tối ngày 16/05/2020).
Tuy nhiên, sau khi VTV1 phát sóng, ông Văn Anh lại nói rằng giấy tờ mà mình phát hành có thể cầm cố ở ngân hàng Mỹ chứ không phải Việt Nam. Vậy, những người ở Việt Nam đã góp hàng chục triệu vào Newlife nếu cần tiền cho một công việc nào đó, họ sẽ bay sang Mỹ để thế chấp có thuận tiện không?
Thay vì sử dụng những kênh thông tin chính thức, trực tiếp và đầy đủ tính pháp lý để trao đổi, doanh nghiệp này lại thường xuyên tự dàn dựng các video khác nhau để vu khống, xúc phạm Đài Truyền hình Việt Nam. Họ thậm chí còn xuất bản một video chẳng biết là của kênh truyền hình Mỹ nào, nói rằng họ kiện và đòi bồi thường tới 600 triệu USD. Trong khi những phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam đang đề cập tới những hoạt động kinh doanh bất thường của một doanh nghiệp Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam, cho khán giả Việt Nam và tất nhiên bằng tiếng Việt.
Theo nhận định của các luật sư, các chuyên gia về truyền thông những hành động này dường như chỉ có một tác dụng duy nhất là để trấn an những ai đã và đang có ý định bỏ tiền vào Newlife Group.