Chuyên gia nước ngoài: Đánh bại Covid-19 tạo bước ngoặt cho Việt Nam
Chuyên gia nước ngoài cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh sau đại dịch Covid-19 và đây có thể là bước ngoặt để Việt Nam gia nhập nhóm kinh tế như Thái Lan, Hàn Quốc.
>>Việt Nam được xếp hạng là nước chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới
>>Báo Mỹ: Các cường quốc có thể học hỏi thành công chống dịch của Việt Nam
>>Báo nước ngoài: Việt Nam thành "nam châm" hút đầu tư sau đại dịch Covid-19
Báo DW của Đức mới đây đã đăng tải một bài viết đánh giá về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam hậu Covid-19.
Tờ báo viết, bất chấp nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nguy cơ suy thoái tại một số quốc gia do tác động của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2020. Mục tiêu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố tại một hội nghị trực tuyến gần đây với sự tham gia của hàng nghìn đại diện doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Mục tiêu đầy tham vọng này cao hơn nhiều so với dự báo 2,7% của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Thậm chí với dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn cao hơn so với mức dự báo dành cho các quốc gia trong khu vực và Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Chính phủ hy vọng nền kinh tế quốc gia sẽ có thêm động lực nhờ thành công trong chiến dịch ứng phó Covid-19. Đến nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 325 ca mắc Covid-19, trong đó 267 người đã bình phục và chưa có ca tử vong nào. Hơn 1 tháng qua, Việt Nam cũng không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào trong cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm gần đây đều là người từ nước ngoài trở về.
Các chuyên gia tin rằng Việt Nam đã ngăn chặn được dịch Covid-19 nhờ ứng phó nhanh và quyết đoán. Việt Nam đã đóng cửa trường học, đóng cửa biên giới và hoãn các chuyến bay quốc tế sớm hơn nhiều so với các quốc gia khác. Việt Nam cũng lập ra các khu cách ly tập trung nhằm hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Nhờ đó, cách ứng phó dịch Việt Nam đã nhận được sự ca ngợi của cộng đồng quốc tế. Sự tin tưởng đó được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.
“Mục tiêu tham vọng nhưng không viển vông”
Adam McCarty, kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu và tư vấn Mekong Economics, cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể nhờ thành công trong ứng phó Covid-19. “Đây có thể là bước ngoặt để Việt Nam rời khỏi nhóm các nước tăng trưởng như Campuchia, Philippines và gia nhập nhóm các nền kinh tế như Hàn Quốc, Thái Lan mặc dù Việt Nam chưa có được GDP tương đương”, ông McCarty nhận định với DW.
Chuyên gia này cũng nói rằng, Việt Nam đã cho thế giới thấy khả năng đối phó với các mối đe dọa phức tạp như cuộc khủng hoảng Covid-19. “Họ cho thấy họ có thể xử lý tốt hơn hầu hết các nước châu Âu và Mỹ. Đó là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài”, chuyên gia McCarty bình luận.
Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục xu hướng đã bắt đầu cách đây 3 năm sau khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu leo thang khiến một số doanh nghiệp chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhờ giá nhân công rẻ, dân số trẻ và một môi trường đầu tư tương đối mở, Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp có ý định chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Vũ Minh Khương, Phó giáo sư Đại học quốc gia Singapore, cho rằng mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam “tham vọng nhưng không viển vông”. Ông Khương nhận định với DW, ông hy vọng Việt Nam sẽ thu hút thêm được nhiều vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc. Hơn nữa, theo chuyên gia này, Covid-19 đã tăng cường khả năng liên kết xã hội của Việt Nam và tăng cường số hóa. "Nhờ đại dịch, Việt Nam đã đạt được bước tiến nhảy vọt trong chuyển đổi số. Tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các dịch vụ công cộng tăng từ 12% lên 24% trong thời gian giãn cách xã hội".
Ông Khương cũng dự đoán khoản đầu tư lớn của chính phủ và tiêu dùng tư nhân sẽ thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam.
Mặc dù được dự báo sẽ hồi phục nhanh hơn so với các nước trong khu vực nhưng kinh tế Việt Nam cũng không thể tránh được bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong quý đầu năm nay, GDP của Việt Nam tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng thấp nhất trong 11 năm. Các lĩnh vực như du lịch hay xuất khẩu đối mặt với giai đoạn khó khăn. Số đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may nhận giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm.
“Khi cả thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn bị ảnh hưởng”, chuyên gia McCarty nhận định.
Minh Phương
Theo DW