Người nước ngoài "núp bóng" mua bất động sản: Có dễ xử lý?

Mua bán bất động sản đều được kiểm soát nếu làm trái luật thì quản lý Nhà nước vào cuộc xử lý, mua bán trái luật thì thu hồi, cho thuê trái xử phạt...
>>Mối nguy từ việc người nước ngoài “núp bóng” thâu tóm đất
>>Người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất tại Việt Nam: Cần tính đến việc điều chỉnh Luật
>>Người nước ngoài lách luật mua đất đắc địa: Thu hồi cách nào?

Thông tin về những cá nhân, doanh nghiệp người nước ngoài đang “núp bóng” sở hữu và thuê tại các vị trí các khu đô thị ven biển, gần sân bay… được Bộ Quốc phòng cho biết. Câu chuyện về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế khu vực ven biển, kinh tế biển lại được đặt ra. Các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Phát triển dự án kinh tế nói chung và những dự án bất động sản khu vực này ra sao?

Người nước ngoài sở hữu đất ở khu vực “nhạy cảm” đã diễn ra từ lâu

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, không có chuyện UBND cấp tỉnh giao đất vào những vị trí trọng yếu quốc phòng, Luật Đầu tư quy định rất rõ dự án đầu tư phải có ý kiến đồng ý của bên quốc phòng và an ninh và đầu tư nước ngoài các công ty liên doanh liên kết đang được khống chế không vượt quá 50%, với dự án 100% vốn nước ngoài được quản lý theo quy định và đều phải có ý kiến của quốc phòng an ninh.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/25/1-1590374912090.jpg
GS Đặng Hùng Võ. (Ảnh: KT)

“Câu chuyện phức tạp không phải nằm ở chỗ các dự án, không phải là sơ hở của Luật Đầu tư, vấn đề ở đây là người Việt Nam với tư cách cá nhân nhận chuyển nhượng của một người Việt Nam khác có thể là một khách sạn, một cơ sở kinh doanh… ở những vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng (khu vực ven biển). Giao dịch giữa cá nhân người Việt với nhau không có quy định phải có sự đồng ý của an ninh quốc phòng mới được chuyển nhượng, đây là giao dịch dân sự. Vấn đề lớn nhất là người nước ngoài đứng đằng sau những giao dịch này là người chủ thực sự” - GS Đặng Hùng Võ nói.

GS Đặng Hùng Võ cho biết, hiện tượng người Việt đứng tên các giao dịch nhà, đất cho những người nước ngoài ông đã biết diễn ra từ lâu nhưng nói thì không ai nghe.

Hình thức bên ngoài là không vi phạm pháp luật vì là chuyển nhượng giữa người Việt với nhau còn nội dung ngầm có vi phạm pháp luật nhưng khó phát hiện và xử lý việc này. Vi phạm pháp luật là giả danh, không phải là người thực nhận chuyển nhượng, làm một chuyển nhượng ảo. Nhưng làm gì để phát hiện những vi phạm này, rất khó phát hiện? - GS Võ phân tích.

Đủ các công cụ pháp lý để xử lý

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, xét về luật những địa điểm, khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng thì không được xâm phạm. Về nguyên tắc người nước ngoài được giao đất, thuê đất phải qua thẩm định kiểm duyệt và có ý kiến của Bộ Quốc phòng khu vực đó có được giao dịch với người nước ngoài.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/25/2-1590374912098.jpg
Người nước ngoài đang “núp bóng” sở hữu và thuê tại các vị trí các khu đô thị ven biển, gần sân bay… (Ảnh: KT)

Việc người nước ngoài mua bán nhà ở Việt Nam khá nhiều, lượng lớn khách hàng mua đúng luật và đây cũng là nhóm khách hàng kích thích sự phát triển của bất động sản hạng cao cấp. Tuy nhiên, người nước ngoài mua trái luật, mua “núp bóng” thì không thống kê được khi những giao dịch đó được làm kín đáo khó phát hiện.

“Việc “núp bóng” sở hữu nhà, đất đều trái luật. Khi khu nhà ở bán cho người Việt, sổ đỏ đứng tên người Việt mà toàn người nước ngoài sở hữu thì đầu tiên cần xác định người nước ngoài ở là mua hay thuê. Nếu mua thì là sai luật còn thuê thì khu này cần được xem xét có chức năng cho thuê, được đăng ký cho thuê không, theo quy định cho người nước ngoài thuê cũng phải đăng ký.

Tất cả hoạt động này đều được kiểm soát nếu làm trái luật thì quản lý Nhà nước vào cuộc xử lý, mua bán trái luật thì thu hồi, cho thuê trái xử phạt và thu hồi khi sử dụng đất sai mục đích. Ở đây, vai trò quản lý Nhà nước ở các địa phương khá lớn, tại sao lại có những khu toàn người nước ngoài sinh sống?” - ông Nguyễn Văn Đính nói.

Ông Đính cũng cho rằng, việc “lách” luật để phát triển các dự án bất động sản khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng khó thực hiện được. Khi mua bán nhà cho người nước ngoài, cho người nước ngoài thuê đều có quy định phải đăng ký. Vấn đề là quản lý, kiểm tra đảm bảo thực thi đúng luật.

Bài học cho Vân Đồn, Phú Quốc…

Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng đánh giá việc cá nhân, doanh nghiệp người nước ngoài đang “núp bóng” sở hữu và thuê tại các khu vực chiến lược kinh tế và an ninh quốc phòng rất nguy hiểm.

Điều này rất khó cho địa phương khi người nước ngoài “lách” luật. Chính quyền địa phương khẳng định không bán, cho phép người nước ngoài đầu tư xây dựng các cơ sở ven biển, ở đó chỉ có người Việt đầu tư, kinh doanh nhưng thực tế đó lại là vốn của người nước ngoài.

“Phát triển kinh tế đúng rồi nhưng không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá. Nhiều điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng phải bỏ tiền, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để mua lại” - Thượng tướng Võ Tiến Trung nói.

Những địa điểm như Vân Đồn (Quảng Ninh) Vân Phong (Khánh Hòa) hay Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi rất tốt cho phát triển kinh tế nhưng cũng là yết hầu về an ninh quốc phòng. Khu vực này bắt đầu xây dựng, khai thác kinh tế phải thận trọng cần ngăn ngừa không để xảy ra các vấn đề tồn tại như một số khu vực ven biển miền Trung.

“Giải pháp trước mắt là ngăn chặn những khu vực chưa xảy ra, với những khu vực ven biển đã xảy ra tìm các giải pháp để lấy lại mà hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế, bên cạnh đó cân đối với việc không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài” - Thượng tướng Võ Tiến Trung đề xuất.

Lâu dài là phải nâng cao trình độ về kinh tế - quốc phòng cho đội ngũ cán bộ, rà soát đảm bảo hệ thống luật không có kẽ hở cho người nước ngoài có thể lách để đầu tư, Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết thêm.

Để giải quyết các vấn đề về những giao dịch “ảo”, giao dịch có người nước ngoài đang “núp bóng” để sở hữu và thuê đất, nhà khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng theo GS Đặng Hùng Võ đầu tiên là kêu gọi người Việt Nam không làm chuyện này, không đứng tên cho người nước ngoài nhận các giao dịch chuyển nhượng vì lợi ích Quốc gia. Cùng với việc kêu gọi là an ninh kinh tế, cảnh sát kinh tế vào cuộc để điều tra làm rõ những vi phạm và xử lý theo luật./.

Theo Phương Hoài

VOV