Lời thề “cả đời không cằn nhằn chồng” của tôi
Trong suy nghĩ của tôi, càm ràm chồng đồng nghĩa với gây khó khăn cho cuộc hôn nhân của chính mình.
Ngày anh ấy gọi tôi là “con mẹ lắm mồm”, tôi đã tự khoá mình trong phòng rồi khóc. Bởi vì kể từ ngày bước chân vào lễ đường làm đám cưới, tôi đã tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ trở thành tuýp vợ hay cằn nhằn. Tôi đã làm thế nào để hôm nay anh ấy hét vào mặt tôi: “Em đúng là con mẹ lắm mồm!”.
Từ nhỏ cho đến lớn, tôi có một ấn tượng rằng cằn nhằn là một cái gì đó mà bà vợ nào cũng làm. Các bà vợ cằn nhằn với chồng trong mọi việc để được chồng làm cho những điều đơn giản nhất như đi đổ rác, nhặt tất bẩn dưới sàn, và “giúp” trông con.
Tôi cứ thế mà nhìn thấy những cuộc hôn nhân chán không thể tả, với mô hình chung là vợ quán xuyến tất cả, kể cả việc nói nhiều, các ông chồng thì “theo mệnh lệnh” của vợ mà làm - họ chỉ làm những gì vợ yêu cầu họ làm mà thôi.
Cho nên tôi đã thề rằng hôn nhân của tôi sau này phải khác.
Tôi sẽ là kiểu vợ vui vẻ làm việc của riêng mình, coi hôn nhân là sự hợp tác với một người đàn ông hoàn toàn có khả năng chia sẻ trách nhiệm gia đình và không bao giờ coi mình là anh hùng khi chăm sóc con cái.
Trên tất cả, tôi sẽ không bao giờ cằn nhằn anh ấy.
Việc cằn nhằn giống như đại diện cho một sự thay đổi quyền lực từ hai người yêu thương và cống hiến cuộc sống của họ cho nhau trở thành hai người bị mắc kẹt trong một chu kỳ oán giận, những đêm không tình dục, và những cuộc chiến đấu đầy cay đắng.
Tất nhiên, giống như hầu hết mọi thứ đến cùng với sự trưởng thành và ngày càng khôn ngoan, tôi nhận ra mình chỉ đúng nửa chừng. Tôi sớm thấy rằng hôn nhân từng là một sự hợp tác, nhưng cứ ném vào đó một hoặc vài ba đứa trẻ xem, chắc chắn cuộc hợp tác đó không còn được “bình đẳng” kiểu 50/50 nữa.
Nói đến hôn nhân là nói đến việc sống còn khi bạn ở trong những chiến hào của việc nuôi dạy con cái. Và dù muốn hay không, chồng tôi và tôi có những tiêu chuẩn khác nhau về việc thế nào là một ngôi nhà sạch sẽ hay một cái tủ lạnh chứa đầy đồ ăn. (Chưa kể đến những nhìn nhận khác biệt trong những chuyện khác nữa).
Và ngay cả khi phải trải qua những phần khó khăn, khi trước mắt là bức màn của cuộc hôn nhân nữ quyền tôi từng chứng kiến, tôi vẫn từ chối rơi vào vai một người vợ hay cằn nhằn.
Chồng tôi đã bấm nút máy giặt trước khi đi ngủ như tôi yêu cầu anh ấy hay chưa? - Chưa.
Anh ấy có mang rác đi đổ ngay mỗi lần tôi lịch sự yêu cầu anh ấy làm hay không? - Không, chính xác là không.
Anh ấy có để mọi việc liên quan đến con cái cho tôi làm không? - Khéo mà có đấy!
Nhưng, tôi tự thuyết phục rằng những điều này cũng có phải là phạm tội đâu. Việc giặt giũ cuối cùng sẽ được thực hiện, tôi không cần anh ấy vứt rác, và tôi ổn khi sắp xếp lịch làm việc - chăm con.
Tôi chắc chắn sẽ không cằn nhằn anh ấy vì những điều đó, bởi cằn nhằn có khiến mọi chuyện tốt hơn đâu. Cằn nhằn chỉ đẩy chồng tôi đi xa hơn trong khi những công việc tôi muốn anh ấy làm sẽ không bao giờ được thực hiện.
Vì vậy, tôi đã thử các chiến thuật khác nhau - tín hiệu ánh mắt hoặc đơn giản là tự mình làm mọi việc (là chủ yếu!).
Tôi lặp lại câu thần chú rằng tôi không thể thay đổi chồng mình, nhưng tôi có thể thay đổi chính mình. Và nếu một cái gì đó thực sự bắt đầu làm phiền tôi, tôi biết rằng chúng tôi cần phải phá bỏ nó như hai người trưởng thành.
Thế mà 7 năm sau hôn nhân, chồng tôi gọi tôi là “lắm mồm”. Điều đó chắc chắn làm tan nát trái tim tôi.
Chuyện là, chúng tôi đã có một cuộc "thảo luận" về việc chồng tôi đi khám bác sĩ. Đó là một trong những chủ đề mà chúng tôi thường chiến đấu với nhau, bởi vì anh có vẻ giống như kiểu đàn ông rập khuôn: Không bao giờ muốn đi bác sĩ. Và tôi thì không hiểu nổi điều đó.
Nếu bạn đã kết hôn và có một gia đình, việc kiểm tra sức khỏe không chỉ là vì bạn, mà còn vì toàn bộ gia đình bạn. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đi bác sĩ khi cần. Khi tôi bày tỏ ý kiến của mình với anh ấy, anh ấy đột nhiên nổi đóa.
“Em đúng là con mẹ lắm mồm!” - anh ấy hét lên.
Chỉ một câu đó khiến 7 năm “không cằn nhằn” của tôi bị xâm phạm mạnh mẽ. Tôi nhìn lại chính mình qua đôi mắt của người khác. Tôi đã trở thành người vợ mà chính tôi thấy sợ hay sao? Chồng tôi sẽ luôn xem tôi là một kẻ cằn nhằn? Chúng tôi sẽ rơi vào kết cục xúc phạm nhau, làm phiền nhau đến hết đời ư?
Cuối cùng, cuộc cãi cọ hôm ấy không hủy hoại cuộc hôn nhân của chúng tôi. Chồng tôi tất nhiên sau đó đã xin lỗi và thừa nhận rằng nỗi sợ hãi bất chợt đã lấy đi phần tốt đẹp nhất trong con người anh ấy.
Thay vì đối mặt với nỗi sợ hãi của anh về việc đi khám bác sĩ vì vấn đề sức khỏe, anh lại trút bỏ cảm xúc của mình với tôi. Điều đó không đúng, nhưng đôi khi vẫn xảy ra trong một cuộc hôn nhân. Người bạn yêu nhất trở thành cái bịch đấm bốc của bạn.
Nhưng chuyện xảy ra cho tôi thấy rằng tôi đã luôn lựa đúng.
Đàn ông, cho dù thế nào cũng không dễ dàng chấp nhận ý nghĩ rằng phụ nữ có thể đang “cằn nhằn” họ. Và thành thật mà nói, điều đó không làm tôi thấy phiền. Vì tôi không kết hôn để cứ phải đi nói với chồng rằng anh ấy nên làm điều này, điều kia như một đứa con nít.
Thay vào đó, đối thoại cởi mở và trung thực, thẳng thắn về nhu cầu của tôi và tiếp cận những cuộc trò chuyện khó khăn bằng cách nhìn vào nền tảng cảm xúc của chính tôi trước tiên giúp tôi tiến xa hơn trong cuộc hôn nhân. Đó mới là yếu tố quan trọng chứ không phải việc cằn nhằn.
Và nếu tất cả những cách thử khác đều thất bại, tôi luôn có thể thử gọi mẹ anh ấy đến để giải quyết “ca khó”. Bởi vì sẽ không có người đàn ông nào gọi mẹ mình là "lắm mồm", phải không?
Huyền Anh
Theo YT