https://image.thanhnien.vn/660/uploaded/thaison/2020_05_25/damhabac_ibmr.jpg
Nhà máy phân đạm Hà BắcẢnh Chí Hiếu

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra sai phạm Nhà máy phân đạm Hà Bắc

by

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra sai phạm trong đấu thầu và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc.


 Ngày 25.5, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện về Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Công ty đạm Hà Bắc).
Kết luận thanh tra nêu rõ nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện dự án đầu tư mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, đặc biệt có nhiều vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Đây là doanh nghiệp có vốn của nhà nước và được coi là một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương trong nhiều năm qua.
Cụ thể, trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, mặc dù đã mở thầu nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn chấp nhận cho liên danh Nhà thầu WEC-CECO bổ sung Giấy ủy quyền tham dự thầu và bổ sung Giấy đăng ký kinh doanh (có công chứng) là vi phạm quy định của luật Đấu thầu năm 2005.
Khi nghiệm thu hồ sơ, tài liệu dự án do nhà thầu WEC-CECO lập, nhà thầu cung cấp thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ cơ sở để xác định tổng mức đầu tư (TMĐT) của dự án.
Do vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, TMĐT của dự án được xác định không có căn cứ, cơ sở, không sát thực tế, là nguyên nhân chính dẫn đến sau này Công ty đạm Hà Bắc không chọn được nhà thầu EPC, phát sinh chi phí 3,571 tỉ đồng; phải điều chỉnh dự án, đấu thầu lại làm tăng chi phí đầu tư, mất cơ hội khi giá đạm tăng cao… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dự án thua lỗ.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong thẩm định, phê duyệt dự án năm 2008 (lần 1), có những vi phạm như: Tổng công ty Hoá chất Việt Nam chỉ thẩm định TMĐT dự án, không thẩm định các nội dung khác của dự án là vi phạm quy định pháp luật.
Mặc dù TMĐT của dự án thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng để xác định nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất Việt Nam thẩm định phê duyệt tại Quyết định số 212/QĐ-HCVN ngày 19.3.2008 là 392,375 triệu USD là thiếu căn cứ, cơ sở.
Chưa hết, dự án đầu tư bằng ngoại tệ, nhưng thẩm định, phê duyệt dự án không phân tích ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá,... quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng quy định của pháp luật về môi trường.
Trong lập dự án điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh năm 2009 có những vi phạm như: Công ty đạm Hà Bắc không đủ điều kiện, không đủ năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Tổng công ty Hóa chất Việt Nam thẩm định, phê duyệt là không đúng quy định về quản lý xây dựng.
Mặc dù, dự án không thay đổi về quy mô, công suất, khi thẩm định điều chỉnh dự án, TMĐT dự án, trong đó có một số nội dung về chi phí thiết bị chưa được làm rõ,  nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất Việt Nam thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 427/QĐ-HCVN ngày 20.10.2009, với TMĐT (điều chỉnh) là 568,646 triệu USD, tăng 176,271 triệu USD (tăng 44,9%) là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Thanh tra Chính phủ xác định: "TMĐT dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất, kinh doanh là một trong nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ”.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng, trong quá trình thi công, một số tiêu chuẩn thi công; một số hạng mục phụ về môi trường chưa hoàn thành; các nhà thầu trong liên danh không thực hiện đúng tỷ lệ công việc đã thỏa thuận trong liên danh nhà thầu. Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết; chi phí đầu tư của dự án chưa được quyết toán.
Do TMĐT của dự án là 568,646 triệu USD, tỷ lệ vốn tự có của công ty tham gia dự án chỉ chiếm 17,9% TMĐT, còn lại chủ yếu là vốn vay chiếm 82,1%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.
Thực tế, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khi dự án hoàn thành đi vào sản xuất (từ tháng 4.2015) đến nay liên tục bị thua lỗ (năm 2015 lỗ hơn 669 tỉ đồng, năm 2016 lỗ 1.051 tỉ đồng, năm 2017 lỗ 661 tỉ đồng và năm 2018 lỗ 332 tỉ đồng). Số lỗ lũy kế đến tháng 6.2019 là 2.887 tỉ đồng.