Chống Covid-19 kiểu Việt Nam: Hiệu quả và tiết kiệm

by

Trang tin Úc The Conversation đã có bài viết khen ngợi cách ứng phó đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) của Việt Nam thận trọng nhưng tiết kiệm.

Theo bài viết, nếu có bất cứ điều gì có thể phân biệt đại dịch Covid-19 ở các nước thì đó là cách phản ứng cụ thể của từng quốc gia cũng như mức độ ảnh hưởng của loại virus này đối với nước đó.

Dịch Covid-19 lần đầu được ghi nhận tại TP Vũ Hán –Trung Quốc, sau đó lan ra các nước khác khiến hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh và tử vong. Tác giả bài viết Mieszko Mazur , người có mặt ở Việt Nam từ tháng 2, đánh giá Việt Nam là trường hợp ngoại lệ trong thống kê về các nước có số ca nhiễm và tử vong cao.

Bài viết đánh giá cao thành công của Việt Nam bất chấp là nước có thu nhập bình quân đầu người khá thấp so với Ý cũng như Mỹ. Hơn thế nữa, Việt Nam còn có đường biên giới dài hơn 1.400 km với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là một trong những nước có mật độ dân số thuộc diện cao nhất thế giới.

https://kenh14cdn.com/thumb_w/620/2020/5/25/photo-1-15903807849901664135082.jpg
Việt Nam triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Việt Nam là minh chứng cho thấy sự giàu có không là nhân tố then chốt quyết định sự thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 của một quốc gia. Việt Nam đã áp dụng biện pháp vượt trên các khuyến nghị mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra với cách tiếp cận thận trọng cho giả thuyết xảy ra đại dịch toàn diện.

Khi số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc tăng mạnh cuối tháng 1, Việt Nam quyết định đóng cửa biên giới với nước này. Vào ngày 28-1, các điểm du lịch lớn như Đà Nẵng và Nha Trang đã ngừng tiếp khách du lịch Trung Quốc.

Đến ngày 26-2, Việt Nam đã khống chế số ca nhiễm chỉ còn 16 và tất cả đều hồi phục. Ngày 21-3, các nhà chức trách Việt Nam bắt đầu áp dụng lệnh cách ly 14 ngày đối với tất cả các du khách nước ngoài.

Vào cuối tháng 3, các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng được yêu cầu ngừng hoạt động và người dân được khuyến cáo ở nhà. Quyết định này được tác giả bài viết đánh giá là một phần không thể thiếu trong chiến lược thận trọng của Việt Nam nhằm chống lại dịch Covid-19.

Chính quyền địa phương cũng tặng khẩu trang cho người dân và chương trình ATM gạo miễn phí cho người nghèo được triển khai tại các thành phố lớn. Đến ngày 23-4, các hoạt động kinh doanh trong nước được phép mở cửa trở lại.

Bài viết kết luận chưa rõ diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong tương lai ra sao nhưng Việt Nam là minh chứng cho thấy nguồn tài chính dồi dào là không cần thiết cũng như vẫn chưa đủ để chống dịch bệnh thành công.