Tiền gửi của người dân trong tài khoản thanh toán giảm mạnh
Trong quý I/2020, tổng lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân đã giảm hơn 23.000 tỷ đồng so với quý IV/2019, bất chấp số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng lên.
by Quang ThắngSố liệu của Ngân hàng Nhà nước về số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân trong tài khoản ngân hàng quý I đang cho thấy sự giảm mạnh so với quý liền trước.
Tính đến hết tháng 3 năm nay, tổng số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân trong tài khoản ngân hàng là 476.523 tỷ đồng, giảm 23.198 tỷ đồng, tương đương 4,64% so với quý trước đó.
Đây là quý giảm đầu tiên của chỉ tiêu tiền gửi này sau 5 quý tăng trưởng liên tiếp, đồng thời là mức giảm mạnh nhất trrong nhiều năm. Trong lần giảm gần nhất vào quý III/2018, mức giảm số dư tiền gửi thanh toán chỉ là hơn 5.300 tỷ đồng.
Tiền gửi trong tài khoản thanh toán của cá nhân chính là các khoản tiền không kỳ hạn trên tài khoản ngân hàng dùng để chuyển, rút tiền mặt ATM, thanh toán hóa đơn.
Đáng chú ý, trong khi số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân giảm mạnh thì số lượng tài khoản mở mới quý I vẫn tăng lên.
Tiền gửi thanh toán chính là số dư tiền trong tài khoản ngân hàng dùng để chuyển, rút tiền mặt ATM, thanh toán hóa đơn. Ảnh: Việt Hùng.
Cuối quý IV năm trước, tổng lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 88,503 triệu tài khoản. Con số này đã tăng lên 90,842 triệu tài khoản vào cuối quý I vừa qua.
Như vậy, tính bình quân số dư tiền gửi thanh toán trên mỗi tài khoản cá nhân trong quý I năm nay là 5,25 triệu, giảm 7,6% so với số dư bình quân trong quý IV/2019 là 5,65 triệu/tài khoản.
Trước đó, số dư tiền gửi thanh toán bình quân này đã tăng liên tục tăng từ năm 2018 ở mức 4,76 triệu đồng.
Xu hướng tiền gửi thanh toán giảm mạnh cũng ghi nhận trên báo cáo tài chính quý I của hàng loạt ngân hàng thương mại.
Theo đó, tổng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại 22 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I đã giảm hơn 113.000 tỷ đồng, tương đương 11% so với cuối năm 2019. Tiền gửi không kỳ hạn này bao gồm cả của cá nhân và tổ chức kinh tế.
19/23 nhà băng ghi nhận giảm CASA về cả giá trị và tỷ trọng trong cơ cấu tiền gửi của khách hàng. Thậm chí, một số ngân hàng bị giảm hàng chục nghìn tỷ.
Cụ thể, BIDV và MBBank là 2 nhà băng có số dư tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh nhất trong quý I vừa qua, đều trên 20.000 tỷ đồng.
Trong đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn đến cuối quý I tại BIDV là 157.764 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Con số bên phía MBBank là 71.853 tỷ đồng, giảm 22%.
Cùng mức giảm chục nghìn tỷ là số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank giảm hơn 18.700 tỷ đồng (7%) và Vietinbank giảm hơn 18.500 tỷ đồng (13%).
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng thương mại tư nhân lớn trước đó có số dư tiền gửi không kỳ hạn cao như Techcombank, Sacombank, ACB, LienVietPostBank… đều giảm hàng nghìn tỷ trong quý vừa qua.
Nhóm ngân hàng lớn đứng đầu về số dư tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm nhưng nếu tính theo tỷ lệ %, nhóm dẫn đầu về tốc độ sụt giảm lại là các nhà băng cỡ nhỏ.
Trong đó, VietBank đứng đầu với mức giảm 41% trong quý vừa qua từ 2.413 tỷ xuống 1.419 tỷ đồng. Theo sau là BacABank và Kienlongbank cùng mức giảm 39% so với cuối năm 2019, đều xuống dưới 1.000 tỷ tại ngày 31/3.
Ở chiều ngược lại, chỉ 3 ngân hàng ghi nhận xu hướng tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn trong quý đầu tiên năm nay gồm MSB tăng 7%; HDBank tăng 2% và ABBank tăng 1%.
Nguyên nhân chính khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn tại các nhà băng giảm mạnh đến từ việc lượng lớn doanh nghiệp rút tiền gửi trong những tháng đầu năm. Số liệu từ NHNN cho hay, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 2 đã giảm hơn 4,8% (giảm hơn 190.000 tỷ đồng) về mức 3,77 triệu tỷ. Con số sụt giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm 2,87% cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư vẫn tăng 3,91%, đạt trên 5,018 triệu tỷ đồng (bao gồm cả các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn).