Thực hư thông tin công ty giày da có hàng ngàn lao động ở TPHCM phá sản
Trước thông tin phá sản, đại diện Công ty CP giày da Huê Phong (TPHCM) cho biết chỉ cắt giảm nhân sự và vẫn đảm bảo quyền lợi cho công nhân.
>>Trà Vinh: Hơn 10.140 công nhân phải nghỉ việc do đối tác phá sản
>>DN nợ tiền bảo hiểm, có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản?
>>Công ty phá sản, chốt sổ BHXH thế nào?
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về việc Công ty CP giày da Huê Phong (địa chỉ tại quận Gò Vấp, TPHCM) phá sản khiến hàng chục ngàn công nhân mất việc. Nhiều người bày tỏ cảm xúc tiếc nuối cho công ty và công nhân vì đây là công ty may khá lâu đời tại TPHCM.
Ngay sau đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM, Liên đoàn lao động TP và quận Gò Vấp đã đến công ty Huê Phong để nắm bắt tình hình.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Huê Phong khẳng định không có chuyện phá sản và chỉ cắt giảm 2.222 công nhân. Tuy vậy, các quyền lợi của công nhân vẫn được đảm bảo.
Số tiền chi trả trợ cấp mất việc là 52 tỷ 747 triệu đồng.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, đại diện Công ty Huê Phong cho biết: Công ty Huê Phong sản xuất giày xuất khẩu thị trường Châu Âu và Mỹ (chiếm 91% đơn hàng xuất khẩu). Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hợp đồng của công ty bị hủy dẫn đến việc duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn, từ tháng 2/2020 đến nay.
Trước tình hình khó khăn, công ty đã lập phương án sử dụng lao động theo Điều 44 Bộ luật Lao động. Công ty cũng đã cố gắng duy trì đến hết tháng 4/2020 nhưng tình hình vẫn quá khó khăn nên buộc phải thu hẹp sản xuất. Hiện, công ty thiếu nguyên liệu sản xuất, không ký được đơn hàng mới.
Do đó, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm 2.222 lao động từ ngày 16/6/2020. Số lao động bị cắt giảm không có lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Đại diện công ty Huê Phong cho hay, số lao động tiếp tục làm việc là 2.354 người. Công ty lập phương án sử dụng lao động, báo cáo về Sở LĐ-TB&XH TP và các ban, ngành của quận vào ngày 11/5/2020.
Công ty đã thực hiện các chế độ chính sách đầy đủ theo quy định của pháp luật và thông qua Ban chấp hành công đoàn Công ty thông tin, triển khai trực tiếp đến từng công nhân lao động về các chế độ của người lao động.
Đại diện Công ty Huê Phong cho biết sẽ tiến hành chi trả chế độ trợ cấp mất việc cho những công nhân lao động làm việc từ năm 2008 trở về trước, chốt sổ bảo hiểm xã hội để công nhân lao động thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng số tiền công ty chi trả trợ cấp mất việc cho công nhân là 52,747 tỷ đồng.
Tiếp đó, công ty này cũng tiến hành trả lương đầy đủ cho công nhân lao động trong thời gian thông báo 30 ngày cho công nhân lao động nghỉ việc từ ngày 16/5 đến ngày 15/6/2020. Tổng số tiền công ty trả lương là 15 tỷ 709 triệu đồng.
Đối với 122 lao động ký hợp đồng lao động chưa đủ 12 tháng, công ty Huê Phong cho hay đã tham gia đóng hết Bảo hiểm xã hội của tháng 6/2020 và trả lương đến hết tháng 6/2020 để công nhân có điều kiện tìm việc mới.
Sau khi nghe trao đổi từ phía công ty, đoàn công tác đã thống nhất phương án giới thiệu toàn bộ 2.222 công nhân bị mất việc đến làm việc tại 8 công ty mới, gồm: Công ty Gilimex (cần tuyển 2.000 người); Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn; Công ty cổ phần May Phương Đông; Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi; Công ty cổ phần 28 Hưng Phú; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ngọc; Doanh nghiệp tư nhân thương mại - dịch vụ - sản xuất Bảo Huy và Công ty TNHH May mặc Bảo Cửu.
Các công ty trên đều đóng trên địa bàn quận Gò Vấp, TPHCM.
Xuân Hinh