Thu phí tự động không dừng: Bao giờ mới về đích?

Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT có phương án tổng thể triển khai dự án với mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2020.

by

Theo đó, đầu tháng 1/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc triển khai hệ thống ETC hết sức chậm trễ, có sự lúng túng trong triển khai, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đã đề ra.

Đến đầu tháng 4/2020, một lần nữa, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT (là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện DA ETC) xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai ETC, đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến nay, cả nước mới có khoảng 865.000 phương tiện dán thẻ E-tag trên tổng số 3,5 triệu xe ô tô cả nước (trong đó, Công ty VETC dán hơn 600.000 thẻ, hệ thống các đơn vị đăng kiểm dán khoảng 200.000 thẻ).

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, tiến độ dán thẻ E-tag đang rất chậm, nguyên nhân do hiện tại quy định nhà nước mới chỉ khuyến khích, chưa bắt buộc dán thẻ E-tag. Nhiều lái xe, chủ xe cho rằng dán thẻ chưa mang lại hiệu quả thiết thực, vì nhiều trạm chưa có làn thu phí tự động không dừng, đặc biệt là các trạm tại cửa ngõ của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Đáng chú ý, theo Công ty VETC - nhà đầu tư dự án Thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1), số lượng phương tiện sử dụng ETC qua trạm thu phí chỉ đạt khoảng trên 30% tổng số lượng phương tiện đã dán thẻ.

https://media.moitruongvadothi.vn/2020/05/25/9804/1590377636-phi-tu-dong-khong-dung.jpg

Còn nhiều lúng túng

Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai phí không dừng, tại buổi tọa đàm "Tìm giải pháp thúc đẩy công nghệ thu phí không dừng" do báo Giao thông tổ chức, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT và HTQT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: về nguyên nhân khách quan, trước hết là do hình thức thu phí tự động không dừng rất mới với Việt Nam. Mới về cả công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai, dẫn đến khi đưa vào triển khai có một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, thời gian qua, việc thực hiện miễn giảm phí đường bộ dẫn đến doanh thu các dự án BOT bị sụt giảm 30 - 50%. Từ đó, phương án tài chính thu phí không dừng không đạt được như ban đầu, khiến nhà tài trợ tín dụng lo ngại, làm chậm tiến độ của dự án.

Thứ ba, dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và các dự án giai đoạn 2 khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc về nguồn vốn, đấu thầu thành lập DN dự án.

Thứ tư, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn. Điều này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng còn hạn chế. Nhiều trạm thu phí tại địa phương khi triển khai, lắp 2 làn rồi mới chỉ đạt 10 - 20% phương tiện sử dụng.

Còn về chủ quan, ông Tô Nam Toàn cho rằng, hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) trong đầu tư dự án thu phí không dừng là hình thức mới. Đây là hợp đồng 3 bên, giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư thu phí tự động không dừng và nhà đầu tư BOT. Ngoài ra, còn liên quan nhiều đối tác như đơn vị phát hành thẻ… nên rất phức tạp. Khi đàm phán hợp đồng, liên quan nhiều đối tác khó khăn, mất nhiều thời gian.

Một nguyên nhân nữa là trình tự thủ tục trong đầu tư rất phức tạp, để đảm bảo được đúng các quy định và hài hòa lợi ích nhiều bên mất rất nhiều thời gian. Do vậy, quá trình rà soát, điều chỉnh, đàm phán phương án tài chính cho các dự án này rất khó khăn.

Khó khăn cuối cùng là, kinh nghiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong triển khai thu phí tự động không dừng chưa nhiều.

Vì sao người dùng chưa mặn mà?

Mặc dù đã có hơn 800.000 phương tiện dán thẻ E-tag, nhưng nhưng tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng rất thấp.

Nói về lý do vì sao hàng trăm nghìn lái xe dán thẻ rồi không mặn mà nạp tiền để sử dụng, theo báo CAND, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam chia sẻ: Thực tế cho thấy giải pháp thu phí không dừng rất tiến bộ, nhiều nước đã sử dụng rất hiệu quả vì rất tiết kiệm thời gian. Hiệp hội chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của Chính phủ và Bộ GTVT.

Tiện ích vậy nhưng vì sao lại chậm? Theo tôi các cơ quan quản lý dường như đang lạm dụng các giải pháp hành chính và tập trung vào vấn đề công nghệ nhiều hơn mà chưa quan tâm đến vấn đề thị trường. Vì thế mới có chuyện đến nay đã có hơn 800.000 phương tiện của doanh nghiệp, người dân đã gắn thẻ E-tag nhưng không sử dụng.

Đứng ở góc độ thị trường, người bán nên đưa ra một số hình thức để người dùng lựa chọn chứ không chỉ đưa ra một cái rồi ép người dùng. Tại sao khi tôi mua thì lại không có nhiều phương thức lựa chọn, chẳng hạn như phải có phương thức trả trước, có phương thức trả sau.

Trong điều kiện các đơn vị kinh doanh vận tải rất khó khăn, đầu tư mua sắm phương tiện, áp lực lãi vay ngân hàng…, nếu như chúng ta chỉ dùng 1 phương thức như hiện nay là các đơn vị sử dụng đường phải chuyển tiền trước, đồng nghĩa với các doanh nghiệp vận tải phải vay tiền.

Với những doanh nghiệp nhiều xe, đây là số tiền lớn. Một chuyến xe từ phía Nam ra Lạng Sơn, nếu xe lớn thì mất cả chục triệu, với doanh nghiệp có cả trăm đầu xe, số tiền chi cho phí đường bộ trong 1 tháng có thể lên đến hàng tỷ đồng.

https://media.moitruongvadothi.vn/2020/05/25/9804/1590377636-phi-tu-dong-khong-dung-2.jpg

Nên nghiên cứu 2 phương thức: Trả trước như đang làm và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Làm cách này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào, như hiện nay không hạch toán được.

Về phía người dùng, chia sẻ với VOV, anh Lê Văn Tú, tài xế taxi công nghệ cho biết, sở dĩ anh không muốn dán thẻ vì thu phí tự động ETC còn khá nhiều bất cập, nhất là mỗi trạm sử dụng 1 công nghệ khác nhau, nên khi đi qua các trạm thu phí anh vẫn sử dụng tiền mặt trả phí.

“Tôi chưa làm thẻ vì không liên thông được các trạm khác. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng thực hiện mỗi xe chỉ dán 1 thẻ ETC thì đi được tất cả đường có thu phí, chứ không phải đi 10 đường thì phải làm thủ tục mở 10 tài khoản”, anh Tám nói.

Bên cạnh đó, nhiều chủ phương tiện ô tô cũng cho biết, dù đã đăng ký sử dụng thẻ không dừng nhưng mỗi lần qua trạm thu phí vẫn phải xếp hàng, trả tiền mặt do hệ thống chưa đồng bộ. Ngoài ra, không ít chủ xe phàn nàn vì đi tìm chỗ dán thẻ Etag rất khó khăn.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty VETC, cho rằng do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn lớn, dẫn tới chủ phương tiện chưa quen với việc dán thẻ và thanh toán qua tài khoản.

Về giải pháp thúc đẩy thu phí không dừng, theo ông Vinh, cần phải đảm bảo việc lưu thông thông suốt của xe sử dụng ETC khi đi qua trạm thu phí mà không phải dừng chờ các phương tiện sử dụng thu phí một dừng.

Ông Vinh cho biết, trong kế hoạch của VETC với Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đang cố gắng triển khai và đưa vào vận hành thu phí không dừng tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình 25/5 tới đây và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến đưa vào tháng 6 năm nay. Hy vọng rằng, trong tháng 6 tới đây, mọi vấn đề trên 2 tuyến này sẽ được giải quyết vì các xe hay ùn tắc thu phí đầu Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Về giải pháp thúc đẩy thu phí không dừng, ông Vinh cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt chưa thể thay đổi ngay, phải từ từ. Đồng thời, phải có lộ trình khi triển khai các làn ETC, cần có quy định không cho xe không ETC vào, để khách hàng phải thấy quyền lợi sử dụng thẻ ETC không bao giờ ách tắc.

Nhật Hạ (t/h)