Federer vs Nadal - đối thủ truyền kiếp và tình bạn
by Nguyên Trí - Zing.vnMối quan hệ giữa Roger Federer và Rafa Nadal trong các trận đấu cũng như bên ngoài sân luôn là câu chuyện thú vị được làng banh nỉ quan tâm.
Bất kể mọi thứ, những điều thuộc về Federer và Nadal đều mang đến các cung bậc cảm xúc tuyệt vời cho khán giả. Hai tay vợt luôn trên tinh thần tranh đấu quyết liệt, nhưng cũng dành cho nhau tình cảm, sự thấu hiểu đáng trân trọng.
Zing lược dịch một chương từ cuốn sách tự truyện "Roger Federer and Rafael Nadal: The Lives and Careers of Two Tennis Legends" của tác giả Sebastian Fest, kể về bộ đôi đối thủ hoàn hảo, khác biệt trong làng banh nỉ.
Bộ đôi đối thủ thiên tài
Nhiều ngôi sao trong làng banh nỉ đã được chạm trán Roger Federer và Rafael Nadal. Tất cả đều có cảm nhận chung về 2 gã khổng lồ này. Họ đơn giản là tuyệt vời. Richard Gasquet, ngôi sao quần vợt nổi tiếng người Pháp, khi nhắc đến hai “R” (Roger Federer và Rafael Nadal) của làng banh nỉ thốt lên: “Rất oách”. Thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, Gasquet có thể viết được cả luận văn tiến sĩ về 2 tay vợt vĩ đại nhất thế giới.
Sau 28 trận đối đầu, ngôi sao người Pháp chỉ giành 2 chiến thắng và nhận về 26 thất bại trước Nadal cùng Federer. Tuy chỉ một lần vượt qua FedEx, và hạ gục Rafa trong sự nghiệp, điều đó vẫn khiến Gasquet cảm thấy chẳng khác nào chuyên gia làng banh nỉ.
“Hai người họ rất khác nhau. Federer giao bóng nhanh, không cho bạn có thời gian để thở. Những cú đánh có độ nảy cao, đạt đến đẳng cấp chỉ tính bằng 1 phần trăm giây và làm đối thủ cảm thấy khó khăn ở mọi phương diện”, Gasquet nói về Federer.
“Nadal lại khác, những cú giao bóng của anh ấy có sức nặng và độ ỳ. Khi bóng tới, bạn buộc phải lùi sâu để kiểm soát và đánh trả. Tôi cảm thấy không ai có thể tung ra được những cú đánh tương tự vậy”, tay vợt 33 tuổi nhận xét.
Ngày 5/6/2011, Federer đối đầu Nadal ở chung kết Roland Garros trên sân Philippe Chatrier. Những khán giá có mặt ngày hôm đấy sẽ cảm nhận được những gì Gasquet chia sẻ về 2 tay vợt. Người xem có thể nghe rất rõ tiếng bóng di chuyển và đường bóng đi chính xác, chuẩn mực. Đôi bên giằng co quyết liệt, Nadal giao bóng đầy sức mạnh, Federer đáp trả nhanh như tên lửa.
Hiển nhiên, cả hai đối đầu như những quý ông trên sân. Mỗi tay vợt đều trình diễn phong cách thi đấu khác nhau và thể hiện được giá trị cốt lõi của bản thân. Họ linh hoạt thay đổi nhưng về cơ bản, Nadal mạnh mẽ, còn FedEx nhanh nhẹn.
Trên sân đất nện, mẫu tay vợt như Rafa sẽ tạo được đột biến cũng như hủy diệt đối thủ. Điều này cho phép tay vợt Tây Ban Nha thi đấu tốt, phát huy tối đa thế mạnh cũng như chiến thuật của mình. Về Federer, Roland Garros là giải đấu ít cần sự nhanh nhẹn nhất trong 4 giải Grand Slam.
Trước thời điểm bắt đầu trận đấu, tờ báo Pháp Le Monte bắt được hình ảnh hay và so sánh đầy thi vị. Federer xuất hiện, mặc áo khoác và vác trên vai cây đàn violin. Nhìn từ góc độ âm nhạc, đây là tổng thể hài hòa, cân đối. Federer mỉm cười, đầy sức sống nhưng cũng nhẹ nhàng và có phần nghiêm chỉnh.
Còn ở bên kia lưới, Nadal giống với người đàn ông thượng cổ trong bộ đồ có phần cục mịch. Tay trái của anh chẳng khác nào của một lực sĩ nâng tạ. Cái nhìn của ngôi sao xứ bò tót cùng có phần hiểm ác, hung tợn.
Dẫu vậy, sự so sánh này có phần khập khiễng và thiếu công bằng với cả hai. Một người nghệ sĩ vĩ cầm sẽ có lúc lạc điệu, trong khi người đàn ông tối cổ lại không thể giành chiến thắng bằng sự cục mịch của bản thân.
Thực tại chứng minh, Nadal cùng Federer không giống nhau, nhưng lại tạo nên bộ đôi đối thủ khác biệt trong giới quần vợt.
Tình bạn giữa Federer và Nadal
Thời điểm Federer đứng trên đỉnh thế giới, Nadal vẫn trên đường khẳng định bản thân. Từ năm 2004 đến 2007, tay vợt người Thụy Sĩ thu về về 44 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có 11 chức vô địch Grand Slam.
Và hiển nhiên, vào năm 2008, khi FedEx trở thành huyền thoại của làng banh bỉ, Nadal mới đem về Grand Slam đầu tiên ngoài Roland Garros. Tuổi nghề kém hơn Federer, tay vợt Tây Ban Nha luôn cố gắng thúc đẩy bản thân để bắt kịp đối thủ. Thế nhưng, giữa họ chưa bao giờ tồn tại mối quan hệ thù ghét lẫn nhau.
Điều này phải nhắc đến sự kiện tháng 10/2005 khi Federer chủ động gặp mặt Nadal. Khi ấy, ngôi sao Tây Ban Nha nghỉ ngơi ở một khách sạn tại Basel, Thụy Sĩ. Hôm đó, nghe tiếng gõ cửa, Rafa ra ngoài và bất ngờ trước lời chào hỏi của FedEx: “Chào, Rafa”. “Vua đất nện” đáp lại: “Chào, anh khỏe không?”, và không thể tin người tìm mình là tay vợt số 1 thế giới.
Federer lúc ấy vừa bình phục chấn thương. Việc đầu tiên anh nghĩ đến là tạo bất ngờ cho Nadal. Tay vợt xứ bò tót đến Basel để thông báo về việc rút khỏi giải đấu vì vấn đề liên quan đến khớp gối. FedEx chủ động gọi Vittorio Selmi (người quản lý giải đấu ATP) hỏi địa điểm để đến thăm người đồng nghiệp.
Nadal và Federer trò chuyện khoảng 20 phút, cả hai trao đổi nhiều thông tin. “Tàu tốc hành” không ngại việc tháo giầy và khoe với tay vợt 33 tuổi về vết thương trên chân của mình. Về phía Nadal, ngôi sao Tây Ban Nha cũng mở lời hỏi han dự định của người đồng nghiệp.
“Anh sẽ tham dự Shanghai Open chứ”, Nadal tò mò.
“Tôi không biết nữa, vừa tốt hơn hồi tuần trước và cần bắt đầu tập luyện trở lại đã”, Federer chia sẻ.
Sau đó, Nadal phải tham dự buổi ăn tối với ban tổ chức giải ATP. Trong khi đó, Federer cũng nghỉ lại ở khách sạn này. Nửa đêm hôm ấy, khi vô tình chạm mặt lại, hai ngôi sao gửi đến nhau lời chúc: “May mắn nhé”.
Đây có thể là cột mốc trong mối quan hệ “không bình thường” giữa hai gã khổng lồ làng banh nỉ. Việc cạnh tranh danh hiệu dễ khiến đôi bên ghét nhau như John McEnroe và Jimmy Connors. Hay Pete Sampras cùng Andre Agassi, không thù hằn nhưng cũng chẳng thể trở thành bạn bè. Ngoài ra, phải nhắc đến Boris Becker và Pat Cash với cách cư xử không đẹp dành cho nhau.
Trong khi đó, Nadal và Federer dù cạnh tranh khốc liệt, nhưng lại luôn cảm thông cho đối phương. Thậm chí, danh tiếng của “Vua đất nện” còn khiến cho tay vợt 38 tuổi cảm thấy hạnh phúc. Nhiều năm sau, khi nhớ về ngày ở Basel, Rafa nhấn mạnh: “Rõ ràng, Vittorio là bạn của hai chúng tôi”.
Sau đó, Nadal vô địch Madrid Masters, Federer không ngần ngại gửi tin nhắc chúc mừng: “Chàng trai, cậu đã làm rất tốt. Gửi đến cậu thật nhiều hạnh phúc Rogelio”. Cũng từ giây phút đó, tay vợt 33 tuổi gọi FedEx là “Số 1” hoặc “Rogelio”. “Tàu tốc hành” rất vui vẻ chấp nhận biệt danh đó từ người đồng nghiệp.