Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ thế nào là thanh niên tài năng?
by Băng TâmANTD.VN - Thanh niên cần thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình ra sao; có nên quy định khái niệm "thanh niên tài năng"... là những vấn đề nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), chiều 25-5.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, thanh niên là lực lượng đông đảo, góp mặt trong hầu hết các lĩnh vực, vì vậy, cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá đâu là thanh niên có tài năng trong từng lĩnh vực.
Dẫn chứng việc Quốc hội từng bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được thông qua tại kỳ họp trước, bà Vang cho rằng hoàn toàn có thể quy định tiêu chí thế nào là thanh niên tài năng ở dự luật này.
"Đi cùng với tiêu chí đánh giá thanh niên có tài năng, dự luật cần có khung cơ chế chính sách với đối tượng này", nữ đại biểu đoàn Sóc Trăng góp ý thêm.
Cùng chung đề nghị trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nhấn mạnh việc cần thiết phải bổ sung quy định khái niệm “thanh niên có tài năng” vào dự thảo luật, bởi theo ông, hiểu đúng về thanh niên có tài năng là rất quan trọng để các địa phương có căn cứ trong chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng người tài, tránh tình trạng “mỗi nơi một kiểu” như hiện nay.
Quyền và nghĩa vụ của thanh niên được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận Luật Thanh niên (sửa đổi)
“Làm thế nào để giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội và cảm hoá, giúp đỡ các đối tượng đang cải tạo, mãn hạn tù trở về địa phương sống có ích cho xã hội là điều nhà nước cần quan tâm”, nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) đề xuất bổ sung các chính sách riêng như biểu dương các tấm gương thanh niên đã được giáo dục, cảm hoá thành công, tích cực vươn lên trong cuộc sống, chăm lo làm giàu, cống hiến cho xã hội…
Theo bà Lan, thực tiễn chỉ rõ các hành vi vi phạm pháp luật của thanh niên ngày càng tăng; số lượng tái phạm tội của đối tượng này là không nhỏ; việc phân biệt, kỳ thị các đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương vẫn là trở ngại đối với các đối tượng này.
Nữ đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng đề xuất bổ sung chính sách riêng cho thanh niên nông thôn để tạo nhiều cơ hội việc làm ổn định hơn cho đối tượng này như hỗ trợ khởi nghiệp, mở rộng diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung các mô hình dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thanh niên nông thôn và thanh niên thành thị.
Bàn về trách nhiệm của thanh niên đối với tổ quốc, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) băn khoăn với quy định tuyển chọn người thực hiện nghĩa vụ quân sự không được xăm trổ.
"Thực tế một bộ phận thanh niên hiện nay có sở thích xăm trổ, nhưng họ sẵn sàng thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên là đi nghĩa vụ quân sự, bảo vệ tổ quốc. Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng cần xem xét lại vấn đề này để đảm bảo công bằng, tránh câu chuyện có thanh niên thực hiện, có thanh niên vì có hình xăm nên không thực hiện nghĩa vụ này”, ông Đức kiến nghị.
Độ tuổi nào được gọi là thanh niên? Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết đa số ý kiến thống nhất với quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 30 tuổi như dự thảo luật, song cũng có một số ý kiến đề nghị quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 35 tuổi. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định về độ tuổi thanh niên không giống nhau ở các nước nhưng thường tập trung trong khoảng từ 15 đến 30 tuổi. Luật Thanh niên số 53/2005/QH11 quy định thanh niên là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Tổng kết thi hành Luật qua hơn 10 năm triển khai thực hiện cho thấy, độ tuổi này phù hợp với giai đoạn phát triển tâm, sinh lý của thanh niên, với vai trò của tầng lớp thanh niên trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phù hợp với mục đích phát triển thanh niên của nhà nước, đồng thời phù hợp với khả năng thực thi luật trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai ở Việt Nam. “Đây cũng là độ tuổi phù hợp trong mối tương quan với độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em và không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, ông Phan Thanh Bình nói. |