Vĩnh Phúc: Xây dựng trái phép tại xã Ngọc Thanh bao giờ chấm dứt?
“Các anh về viết bài, hỏi thì chúng tôi nói thôi, chứ chúng tôi biết là dù các anh có viết thế, viết nữa cũng không làm gì được họ, nhiều năm nay như vậy rồi”.
by Nguyễn Dũng - Minh ThanhSau khi đăng tải nội dung bài viết Vĩnh Phúc: Nhiều công trình XD trái phép tại xã Ngọc Thanh. Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, tiếp tục nhận được hàng loạt thông tin phản hồi của người dân, với mong muốn có câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.
Như chúng tôi đã thông tin, việc xây dựng trái phép tại xã Ngọc Thanh diễn ra nhiều năm nay, người dân liên tục phản ánh về tình trạng này, nhưng cuối cùng “đâu lại vào đó”.
Đơn cử như trường hợp doanh nghiệp Nhật Hằng, cơ quan kiểm tra phát hiện doanh nghiệp này đã đắp đất, ngăn hồ, tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m, cao trình mặt đường khoảng +21.70m, diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 2806/QĐ - UBND ngày 24/10/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích quy hoạch chia lô được giao trong phạm vi các mốc ranh giới đất 272, 273, 274 và 275 để xây dựng biệt thự. Kiểm tra tại hiện trường đoàn kiểm tra phát hiện diện tích đất nói trên có cao trình thấp hơn cao trình mặt nước dâng bình thường.
Hay tại Dự án Khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến, chủ đầu tư đã lấn chiếm hơn 15.000m2 đất mặt hồ bằng việc đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm từ khoảng cao trình +19m đến +21,7m…
Đặc biệt là khu vực hồ Thanh Cao, nơi đây mọc lên một căn biệt thự , sừng sững chiếm trọn một góc hồ, chỉ nằm cách UBND xã Ngọc Thanh chưa đầy 500m. Tuy nhiên những công trình xây dựng trái phép tại đây bằng “cách này, hày cách khác” đều được “giơ cao đánh khẽ”.
Được biết, theo điểm a, khoản 4, điều 5, Nghị định 91/2019 - NĐCP có quy định: Trường hợp vi phạm hành chính trước khi chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển quyền sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (nếu khi xử phạt hành vi chuyển quyền buộc bên nhận chuyển quyền phải trả lại đất cho bên chuyển quyền) theo quy định. Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng trường hợp còn lại theo quy định.
Anh N.H.T cho biết: “Trước đây chúng tôi liên tục phản ánh về vấn đề này, nhưng phản ánh mãi cũng vậy. Cơ quan chức năng về kiểm tra, cùng lắm là họ nộp phạt, rồi hợp thức hóa, chứ chẳng thấy có trường hợp nào bị cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu theo luật cả. Nói thật chúng tôi mất niềm tin vào cách xử lý của cơ quan chức năng nơi đây lắm”.
“Các anh về viết bài, hỏi thì chúng tôi nói thôi, chứ chúng tôi biết là dù các anh có viết thế, viết nữa cũng không làm gì được họ, nhiều năm nay như vậy rồi”, anh H cho biết thêm.
Trước những bức xúc của người dân, PV đặt lịch làm việc và chủ động liên hệ với ông Lý Văn Lương – Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh nhiều lần, nhưng đều không có câu trả lời.
Không bỏ cuộc, PV tiếp tục liên hệ với ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên ông chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên cũng không có câu trả lời và không hề chỉ đạo cấp cơ sở làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí.
Trước tình trạng này dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao UBND thành phố Phúc Yên, UBND xã Ngọc Thanh không thể đưa ra câu trả lời với người dân? Phải chăng do công tác quản lý yếu kém tại địa phương? Hay thật sự họ đang “tiếp tay” cho hoạt động xây dựng trái phép của những doanh nghiệp này?
Rất mong các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc sớm vào cuộc để có câu trả lời thỏa đáng với người dân.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.