Vì sao Sở Giao thông Hà Nội đề xuất "đổi" quảng cáo xây 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu?

by

ANTD.VN -Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, nhà đầu tư trúng thầu sẽ bỏ toàn bộ vốn đầu tư ban đầu, khoảng 1.000 tỷ đồng để xây mới 600 nhà chờ xe buýt, kết hợp quảng cáo và sẽ thu hồi vốn trong 20 năm khai thác. 


Theo Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội của Sở GTVT về việc xây dựng 600 nhà chờ xe buýt kết hợp quảng cáo tiêu chuẩn châu Âu theo hình thức đối tác công tư (PPP), ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc cho biết, mục tiêu là xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ cho xe buýt trên các tuyến đường thuộc 12 quận nội thành, theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt hiện nay.

Ngoài ra, sẽ tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến dường một cách khoa học, đồng bộ, hiện đại và văn minh.

https://image.anninhthudo.vn/w2560/uploaded/91/2020_05_25/antd-nha_cho_xe_buyt.jpg
Sở GTVT đề xuất "đổi" quảng cáo lấy 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu

Về hiện trạng của hệ thống nhà chờ xe buýt, Sở GTVT cho hay, trong khu vực 12 quận có 1.078 diêm dừng đón trả khách cho xe buýt và mới chỉ có 365 điểm được đầu tư nhà chờ có mái che.

Các nhà chờ được thiết kế có mái che, ghế ngồi cho hành khách và bản đồ mạng lưới tuyến xe buýt ở dạng bảng thông thường.

Tuy nhiên, qua rà soát đánh giá, việc đầu tư và quản lý hệ thống nhà chờ hiện có đã nảy sinh một số hạn chế bất cập như hình thức đầu tư nhỏ lẻ, không đồng bộ về mẫu mã thiết kế của các nhà chờ…

Bởi vậy, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và cảnh quan đô thị văn minh là hết sức cần thiết.

Mặt khác, trên địa bàn thành phố có nhiều loại biển quáng cáo trên dải phân cách thuộc phân cấp quản lý của thành phố, cho nhiều công ty quảng cáo khai thác nên xảy ra tình trạng không quản lý chặt chẽ, xây dựng không phép, thực hiện sai giấy phép, xây dựng biển hiệu không đúng quy định, không đồng bộ và chất lượng không đảm bảo... gây mất mỹ quan đô thị.

“Để tăng cường quản lý trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời, xây dựng đô thị văn minh thì việc đầu tư xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành trong giai đoạn trước mắt là cần thiết”- Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận.

Về hình thức đầu tư theo PPP, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, nhà đầu tư sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư toàn bộ các hạng mục công trình. Sau đó thực hiện kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn đầu tư.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội phân tích, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp, huy động được các nguồn lực ngoài xã hội vào việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng của thành phố.

Hơn nữa, việc thực hiện theo hình thức PPP sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại. Trong quá trình vận hành khai thác, đối với các trang thiết bị và công nghệ cao ngoại nhập, thành phố sẽ được hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng như tổ chức nghiên cứu để sản xuất ở Việt Nam (sau 3-5 năm khai thác)…

Theo đó, quy mô đầu tư sẽ xây dựng, lắp mới 600 nhà chờ xe buýt (trong đó 270 nhà chờ lắp đặt mới; thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình); lắp dặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một sô nhà chờ có vị trí thích hợp.

Sở GTVT tính toán, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn trong khoảng 20 năm khai thác, và loại hợp đồng mà Sở GTVT đề xuất là hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh).