Nắng nóng đổ lửa:
Miền Trung, Tây nguyên quay quắt trong cơn hạn nặng
by Quang Hà(CATP) Mặc dù tại vài địa phương, chiều tối và đêm có mưa rào và dông, nhưng nhìn chung tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài làm nhiều khu vực ở miền Trung và Tây nguyên tiếp tục quay quắt với thời tiết khô hạn.
Tây Nguyên mong mưa "dài cổ"
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, khoảng 10 ngày qua, tại các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, lượng mưa phổ biến ở mức từ 20 - 50mm, có nơi thấp hơn 20mm. Tạ icá chuyệ nĐắ kSong, Đắ kRlấ p, Đắk Glong, Tuy Đức và TP.Gia Nghĩa, mưa phổ biến từ 50 - 100mm, song chưa đủ để làm dịu cơn hạn. Do mưa thấp, lượng nước trên các sông, suối ở Đắk Nông tiếp tục có xu thế giảm, thấp hơn từ 3 - 12% so với trung bình cùng kỳ năm trước.
Ở huyện Đắk Mil, hiện nay nhiều hồ chứa vẫn tiếp tục tình trạng khô hạn. Khu vực hồ Núi Lửa (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) mực nước cạn khô, trơ đáy, đầy gốc cây mục. Người dân trong khu vực phải đưa máy bơm xuống tận lòng hồ để hút nước, đồng thời tranh thủ dùng xe máy cày, cưa máy để tận thu củi, gỗ lũa... Anh Úy (ngụ địa phương) cho biết, năm nay hạn nặng nên nhiều khu vực người dân chỉ đủ nước tưới vườn cà phê từ 2 - 3 đợt. Nhiều gia đình không đủ nước tưới, đành bỏ mặc cho cây trồng chết khô.
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 238 hồ chứa, với tổng dung tích thiết kế khoảng 135 triệu mét khối. Nhưng nhiều hồ đập đã hết nước hoặc chỉ còn lượng nước rất thấp. Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện mực nước các hồ chứa giảm nhanh do bơm nước phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng nước bốc hơi. Hồ chứa nhỏ phổ biến lượng nước trữ còn khoảng dưới 40% dung tích thiết kế.
Trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 30.000 héc-ta cây trồng bị thiếu nước tưới (gồm hơn 4.000 héc-ta lúa, 1.000 héc-ta hoa màu, 25.000 héc-ta cây lâu năm). Trong đó, diện tích không còn nguồn nước để chống hạn, có khả năng bị mất trắng là khoảng 2.000 héc-ta (gồm 500 héc-ta lúa, 300 héc-ta hoa màu, 1.200 héc-ta cây lâu năm. Đã có 260 héc-ta cây trồng tại huyện Krông Bông bị hạn nặng. Ở các địa phương khác, có một số diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới, người dân đang tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng hạn hán.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra ở nhiều thôn, buôn, kể cả khu vực có công trình cấp nước tập trung, do giếng khoan bị cạn. Chủ yếu ở các huyện: Ea Kar, Cư Mgar, Buôn Đôn, Ea Hleo, Krông Buk, Krông Bông, Lắk, Ea Súp...
Để chống hạn, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng các giải pháp chống hạn, như: bơm tận dụng dung tích chết của các hồ chứa, giếng, khai thác nước ngầm từ giếng khoan; đắp đập tạm, khai thác dòng chảy các suối để lấy nước tưới cho các vùng có dòng chảy mặt nghèo kiệt, hồ chứa có dung tích nhỏ, nguồn nước chống hạn khó khăn. Cụ thể là các huyện Krông Buk, Cư Mgar (các xã Ea Mdroh, Ea Tar, Quảng hiệp, Ea Kuêh), khu vực đông bắc huyện Ea Kar (các xã Ea Sar, Ea Sô, Xuân Phú, Ea Dar, Cư Yang, Cư Bông), huyện Krông Bông (các xã Ea Trul, Yang Réh, Cư Pui), huyện Ea Hleo (các xã Ea Son, Ea Hleo, Cư Ea Wy, Cư Amung).
Đối với vùng dọc những sông lớn như các huyện: Lắk, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Bông, Ea Kar, địa phương chống hạn bằng cách bơm trực tiếp từ sông lên để tưới hoặc lấy nước từ các hồ chứa, đập dâng; tận dụng nguồn nước trên trục kênh tiêu, lắp đặt thêm trạm bơm dầu dã chiến để bơm tưới; tăng cường tu sửa kênh, hạn chế rò rỉ gây tổn thất nước; huy động nhân dân tổ chức nạo vét kênh mương, đặt các trạm bơm di động để bơm nước từ dung tích chết của hồ để chống hạn.
So với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước, mực nước sông, suối và nước ngầm tại Đắk Lắk năm nay duy trì mức thấp hơn rất nhiều. Lượng dòng chảy mặt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thiếu hụt phổ biến khoảng 50 - 70%. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn các huyện bị cạn kiệt, đặc biệt là tại các sông Krông Nô, Krông Pách mực nước xuống quá thấp, lượng dòng chảy giảm mạnh. Nguồn nước ngầm, mực nước và lưu lượng giảm.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, mực nước ngầm phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 2 - 4m. Cục bộ một số vùng do khoan giếng để khai thác nước tầng sâu làm lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước. Như một số hồ lớn: Buôn Triết chỉ còn 36%, Ja Tu chỉ còn 26%. Tại huyện Krông Pắc, hồ Suối Hai hiện chỉ còn 18%, hồ Buôn Hằng 1B là 35%...
Tình hình khô hạn ở miền trung có dấu hiêu kéo dài
Cùng tình cảnh như Tây nguyên, nhiều tỉnh tại miền Trung cũng đang quay quắt với hạn nặng. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, đến giữa tháng 4-2020, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán gây ra là gần 181 héc-ta (gồm hơn 108 héc-ta lúa, 43 héc-ta rau màu và diện tích khá lớn trồng cây ăn quả). Hạn hán còn gây ra 82 vụ cháy rừng, với tổng diện tích rừng bị cháy lên tới hơn 55 héc-ta, tập trung chủ yếu tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam.
Tại Bình Thuận, ngay trong những ngày giữa tháng 5-2020, mặc dù một số nơi đã xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa, nhưng nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt. Theo Phòng Quản lý nước và công trình (Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận), lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh này chỉ còn khoảng 4,7% so với dung tích thiết kế. Đây là mức thấp nhất 10 năm trở lại đây. Thực tế đã có tới 27 hồ chứa tại tỉnh này không còn nước.
Do lượng mưa những năm gần đây thấp nên lượng nước của các hồ chứa tại Bình Thuận đã giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc. Năm 2019, lượng nước chứa tại các hồ chỉ đạt 75% dung tích thiết kế. Trong tình hình nắng nóng gay gắt hiện nay, hàng chục hồ nước trên địa bàn đã cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến các nhà máy cung cấp nước sạch trên địa bàn, như: Nhà máy nước Suối Kiết, Nhà máy nước Thạnh Cần. Hậu quả là người dân ở các xã Hàm Cần, Hàm Thạnh thiếu nước sinh hoạt khoảng một tháng nay.
Để ứng phó với hạn nặng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, tiếp đến ưu tiên nước phục vụ chăn nuôi và tưới cây thanh long, lúa. Đồng thời, ngay từ đầu năm 2020, tỉnh đã thực hiện cắt giảm diện tích sản xuất lúa, bắp trên toàn tỉnh gần 15 nghìn héc-ta, nên hạn chế được một số thiệt hại cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 601/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung bộ và Tây nguyên. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 04/ CT-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Công điện còn giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; triển khai kéo dài mạng lưới đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ khu vực nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.