Hà Giang: Sở TNMT trình UBND tỉnh duyệt gần 400 triệu hay 400 tỷđ?
Với số tiền ghi trong dự toán, nếu chỉ lướt nhanh, nhiều người sẽ nghĩ nó chỉ gần 400 triệu đồng.
by MtđtHà Giang: Sở TNMT trình UBND tỉnh duyệt gần 400 triệu hay 400 tỷđ?
Trong bài viết “Đơn vị nào Sở TNMT Hà Giang “đặt hàng” thực hiện nhiều dự án nhất?”, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh một số dự án tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang có nghi vấn giao cho đơn vị là “sân sau” để thực hiện các dự án thông qua hình thức “đặt hàng”.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang ( TNMT Hà Giang) còn vi phạm Nghị định 32/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/6/2019) về việc không giao dự án thông qua hình thức “đặt hàng”cho đơn vị sự nghiệp nhà nước thực hiện mà lại giao cho đơn vị tư nhân.
Trong quá trình tìm hiểu, nhóm PV còn phát hiện ra nhiều dự án khác cũng có tình trạng tương tự như: Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản thay thế cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, UBND tỉnh đã phê duyệt qua Quyết định số 1323/QĐ-UBND ngày 04/7/2019 với dự toán kinh phí 5.087.000.000 (năm tỷ, không trăm tám mươi bảy triệu đồng chẵn). Nguồn kinh phí thực hiện ngân sách tỉnh, hình thức thực hiện “đặt hàng”. Ngày 04/7/2019, qua Quyết định số 1322/QQĐ-UBND, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt dự án “Điều tra, đánh giá tác động do các bãi đổ thải phát sinh từ hoạt động khai thác và chế biến khoảng sản tại các huyện của tỉnh Hà Giang”. Nguồn kinh phí 4.160.000.000 đồng ( Bốn tỷ, một trăm sáu mươi triệu đồng chẵn) lấy từ ngân sách tỉnh. Hình thức thực hiện “đặt hàng”.
Tuy nhiên, trong các văn bản PV tiếp cận, có một văn bản mà PV đã phải xem đi, xem lại rất nhiều lần mà vẫn không hiểu, không đọc được số tiền UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án chính xác là bao nhiêu? 389.566.000.000 ( Ba trăm tám chín tỷ, năm trăm sáu sáu triệu đồng chẵn) hay 389.566.000 ( Ba trăm tám chín triệu, năm trăm sáu sáu triệu đồng chẵn).
Cụ thể, tại Quyết định số 1709/QĐ-UBND ngày 16/8/2018, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến ký phê duyệt Thiết kế kỹ thuật-dự toán: Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Trong đó phần khái toán kinh phí có ghi: 389.566 triệu đồng (Ba trăm tám chín triệu, năm trăm sáu sáu triệu đồng chẵn), kinh phí lấy từ nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn thu từ đất của ngân sách tỉnh, nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương. Cơ quan thực hiện Sở TNMT Hà Giang, hình thức “đặt hàng”.
Với số tiền ghi trong dự toán, nếu chỉ lướt nhanh, nhiều người sẽ nghĩ nó chỉ gần 400 triệu đồng. Nhưng với những người “trong nghề”, họ cho rằng đây là một cách “chơi số” để làm giảm chi phí “khủng” của dự án trong văn bản để được phê duyệt dễ dàng hơn.
Nếu như đọc kỹ Quyết định 1709/QĐ-UBND tỉnh Hà Giang có thể nhận thấy: Tiến độ thực hiện dự án kéo dài từ năm 2019 đến 2025, với nhiều công ty cùng tham gia và đặc biệt khối lượng công việc lớn như: Xây dựng lưới tọa độ 230 điểm, đo vẽ bản đồ địa chính các tỷ lệ 32.439 ha, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cấp xã 23 xã; tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính cấp huyện, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai huyện Bắc Quang…Vậy số kinh phí dự toán có phải là gần 400 triệu đồng như trong Quyết định?
Tại sao việc ghi sai số tiền (theo nguyên tắc kế toán) trong Quyết định 1709/QĐ-UBND tỉnh Hà Giang vẫn được ông Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Minh Tiến hạ bút ký, số tiền thực tế dự án trên là bao nhiêu?
Ngày 30/9/2019, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có gửi Công văn số 166/CV/TBT/PV tới Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang để phản ánh một số thông tin bất thường trong các dự án được Sở TNMT “đặt hàng”. Tuy nhiên đến nay gần 1 năm trôi qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử vẫn không nhận được bất cứ phản hồi nào từ vị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ông Nguyễn Văn Sơn.
Vậy thực hư câu chuyện về các dự án của Sở TNMT tỉnh Hà Giang hay việc “chơi số” ghi trong dự toán kinh phí là thế nào?
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.