Hai Bộ trưởng nói về người Trung Quốc mua đất trọng yếu

Đầu tư nước ngoài có liên quan tới các yếu tố quốc phòng, an ninh thì phải kiểm soát chặt chẽ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định.

by

Liên quan đến báo cáo của Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị cử tri về việc người Trung Quốc "núp bóng" mua đất ở những khu vực trọng yếu, ngày 25/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã lên tiếng về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, hiện Sở TNMT Đà Nẵng đã có trả lời, nếu dư luận vẫn quan tâm tới vấn đề này, ông sẵn sàng trả lời bằng văn bản.

Bộ trưởng Hà cho hay, Luật Đất đai không cho phép cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, còn Luật Đất đai không quy định cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Ông Trần Hồng Hà cũng khẳng định Luật Đất đai là luật chặt chẽ nhất về vấn đề liên quan đến đất đai.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/25/2441417/hai-bo-truong-noi-ve-nguoi-trung-quoc-mua-dat-trong-yeu_251416379.jpg
Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Lao động

Cùng trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự thảo Luật Đầu tư trình Quốc hội tại kỳ họp lần này sẽ cụ thể hóa Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó có lưu ý vấn đề đảm bảo quốc phòng an ninh khi thu hút đầu tư nước ngoài.

“Tất cả các vấn đề liên quan đến việc người nước ngoài đầu tư chúng tôi đang nghiên cứu, có thể ban hành một chỉ thị mới, trong đó có cả vấn đề mà phóng viên nêu”, ông Dũng nói.

“Đầu tư nước ngoài có liên quan tới các yếu tố quốc phòng, an ninh thì phải kiểm soát chặt chẽ. Một số thì cấm luôn không cho, một số thì phải thẩm định chặt chẽ”, Bộ trưởng  Bộ KH-ĐT khẳng định.

Về việc người Trung Quốc "núp bóng" để thu mua đất đai ở những vị trí đắc địa, trọng yếu, ông Dũng cho biết, đây là vấn đề địa phương phải quản lý, còn dự thảo Luật Đầu tư sẽ phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng cho tất cả các lĩnh vực, thành phần, không phân biệt nước này với nước kia.

Trước đó, trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, tính đến ngày 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới (khu vực biên giới đất liền 24, khu vực biên giới biển 125); Số doanh nghiệp đang hoạt động 134.

Các doanh nghiệp này sử dụng đất với tổng diện tích 162.467,7 ha (trong đó có 943,7 ha thuộc khu vực biên giới đất liền và 5.393,7 ha khu vực biên giới biển, kể cả mặt biển).

Tại TP Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng cho hay, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng.

Cũng theo Bộ Quốc phòng, để sở hữu các lô đất ở TP Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức: thứ nhất, là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất.