Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 25/5/2020
Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 25/5/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao…
by MtđtSẽ đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước
Được sự đồng ý của chính phủ Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản dự kiến thực hiện chuyến bay chở công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 từ Nhật Bản về nước trong ngày 25/5.
Theo đó, 343 công dân Việt Nam sẽ đáp chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN311 của hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines từ sân bay Narita về Hà Nội, hạ cánh vào lúc 10h sáng mai ngày 25/5.
Chuyến bay có 141 phụ nữ mang thai, 36 người bệnh hiểm nghèo, 84 trẻ em, người cao tuổi, 19 trường hợp nhân đạo, còn lại là các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế, du học sinh, lao động hết hạn, thăm thân…
Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng đây là chuyến bay có ý nghĩa to lớn nêu cao tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam mặc dù đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Đề nghị mức án cao nhất tới 25 năm tù
Ngày 24/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận điểm trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La bước sang ngày làm việc thứ 4.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đã đưa ra quan điểm luận tội và đề nghị hình phạt dành cho các bị cáo, với mức án cao nhất từ 23-25 năm tù.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đã đọc bản luận tội 12 bị cáo. Theo đó, bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) giữ vai trò chính trong vụ án, các bị cáo còn lại đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực. Hành vi của các bị cáo được đánh giá là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đã trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân trong công tác thi cử, xúc phạm thầy cô giáo; đồng thời, làm mất cơ hội của những học sinh có năng lực trong học tập, gây bức xúc trong dư luận.
Bị cáo Trần Xuân Yến với vai trò Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi Trung học Phổ thông quốc gia của tỉnh, Tổ trưởng Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm đã nhận thông tin của 13 thí sinh để giúp nâng điểm. Sau khi nhận thông tin các thí sinh, Trần Xuân Yến tổng hợp chung thành danh sách ghi rõ họ tên, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, mã đề thi và tổng số điểm cần đạt; rồi đưa cho Nguyễn Hồng Nga, thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm.
Hành vi “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ” của 7 bị cáo liên quan cũng được Viện kiểm sát chỉ ra. Theo đó, Nguyễn Thị Hồng Nga là thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, đã nhận của Trần Văn Điện số tiền 1,04 tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh.
Bị cáo Lò Văn Huynh là Phó Trưởng ban chấm thi đã nhận 1,3 tỷ đồng của Nguyễn Minh Khoa và Lò Thị Trường để nâng điểm cho 3 thí sinh. Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn là thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm đã nhận 440 triệu đồng của Hoàng Thị Thành để nâng điểm cho một thí sinh.
Căn cứ hành vi phạm tội của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị mức án với các bị cáo thấp nhất từ 2-3 năm tù, cao nhất từ 23-25 năm tù. Tình tiết giảm nhẹ cũng được áp dụng do các bị cáo đã khai báo thành khẩn, có thành tích trong công tác, trừ 2 bị cáo Trần Văn Điện và Nguyễn Minh Khoa.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 16-17 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 7-8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ". Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Nga từ 23-25 năm tù.
Bị cáo Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 17-18 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 6-7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ". Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Huynh từ 23-25 năm tù.
Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ." Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Sọn từ 9-11 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Điện (nguyên cán bộ Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Chiềng Cơi, thành phố Sơn La) bị đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”
Bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ."
Bị cáo Đặng Hữu Thủy (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu) bị đề nghị mức án 6-7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ."
Bị cáo Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ."
Bị cáo Hoàng Thị Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 2-3 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”
Bị cáo Lò Thị Trường (lao động tự do, thành phố Sơn La) bị đề nghị mức án 2-3 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”
Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 2-3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ."
Bị cáo Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) bị đề nghị mức án 2-3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".
Hà Nội: Khởi tố mẹ con sản xuất và tiêu thụ mỳ chính giả
Ngày 24/5, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Hùng Tuấn (sinh năm 1978, trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) và Trần Thị Nhung (sinh năm 1953, trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông) về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm."
Trước đó, ngày 14/5, tại ngõ 554 Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, tổ công tác của Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Đống Đa tiến hành kiểm tra hành chính chiếc xe ôtô bán tải do Vũ Hùng Tuấn điều khiển.
Lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 3 thùng mỳ chính mang nhãn hiệu Ajinomoto loại 1kg/1 gói và 2 thùng mỳ chính mang nhãn hiệu Ajinomoto loại 454g/1 gói. Tất cả số mỳ chính trên không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tiến hành giám định, lực lượng chức năng làm rõ số hàng trên là giả.
Đấu tranh khai thác, Tuấn khai nhận đang vận chuyển số mỳ chính giả trên đi tiêu thụ. Căn cứ lời khai của đối tượng, cơ quan Công an đã khám xét khẩn cấp cửa hàng tạp hóa của gia đình Tuấn tại địa chỉ số 24 Hoàng Hoa Thám, quận Hà Đông thu giữ hơn 1 tấn mỳ chính nhãn hiệu Ajinomoto và Miwon giả, cùng nhiều dụng cụ như máy hàn, bao bì nylon, 8 bao mỳ chính mang nhãn hiệu Trung Quốc...
Tiến hành điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ mẹ Tuấn là bà Trần Thị Nhung đã nhập mỳ chính không rõ nguồn gốc xuất xứ, đóng vào các túi nylon nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon. Sau đó, Tuấn sẽ vận chuyển các sản phẩm này đi giao cho khách mua hàng.
Dự kiến thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả thi
Khác với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông quy định: Thí sinh bị đình chỉ bài thi nào sẽ bị điểm 0 bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó.
Dự thảo nêu rõ, nếu thí sinh vi phạm một trong 5 lỗi sau đây, sẽ bị đình chỉ thi: Đã bị cảnh cáo một lần, nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép vào phòng thi; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi đó; có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.
Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định.
Truyền thông Châu Á ấn tượng với sự trở lại của bóng đá Việt Nam
Guồng quay bóng đá Việt Nam đã trở lại với trận đấu Nam Định 2-0 HAGL ở vòng loại Cúp Quốc gia 2020 cùng bầu không khí sôi động trên sân Thiên Trường vào chiều 23/5. Một sự trở lại đầy ấn tượng và bất ngờ với giới truyền thông châu Á.
"Trận đấu không phải diễn ra trong cảnh không khán giả như ở những giải đấu khác, dù BTC chỉ bán ra 10 nghìn vé như biện pháp phòng dịch Covid-19." - Trang chủ AFC đưa tin về cuộc đọ sức giữa Nam Định và HAGL.
Bài viết trên trang chủ AFC đánh giá cao chất lượng chuyên môn của trận đấu trên sân Thiên Trường, kèm theo thông tin về việc V-League 2020 sẽ trở lại vào ngày 5/6 tới.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin: “Bóng đá Việt Nam trở lại với trận đấu đầu tiên giữa Nam Định và HAGL. Điều đáng chú ý là trận đấu này cho phép khán giả vào sân. Ban tổ chức sân cho biết họ sẽ bán 10 nghìn vé, tương đương với một nửa số ghế trên sân. Đây là trận đấu bóng đá đầu tiên cho phép khán giả vào sân trong thời kỳ đại dịch Covid-19."
Trong khi đó, trang Goal phiên bản Thái Lan miêu tả trận đấu giữa Nam Định và HAGL như một bữa tiệc bóng đá linh đình, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 lắng xuống tại Việt Nam đã giúp bóng đá Việt có thể trở lại.
"Bầu không khí thật náo nhiệt khi có tới 10 nghìn khán giả có mặt tại sân. Người hâm mộ đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt từ 500 nhân viên an ninh" - Trang Goal phiên bản Thái Lan viết.
Tờ Siamsports của Thái Lan thì miêu tả bầu không khí sôi động tại sân Thiên Trường, với hàng dài CĐV xếp hàng mua vé trước trận đấu và màn cổ vũ đầy nhiệt huyết dù chỉ có 10 nghìn khán giả trong sân vận động có sức chứa 30 nghìn chỗ ngồi.
P.V (tổng hợp)