Nam Mỹ - tâm dịch mới của thế giới

by

(HNM) - Trong khi các quốc gia châu Âu, châu Á dần bước qua đỉnh dịch Covid-19 và đang xem xét nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế, phong tỏa nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh thì Nam Mỹ lại trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Đây là nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong bối cảnh khu vực này ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tăng vọt. Điều đáng nói, điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng về y tế của khu vực này còn nhiều khó khăn.

http://hanoimoi.com.vn/Uploads/images/tuandiep/2020/05/25/Brazil-la-nuoc-chiu-anh-huo.jpg
Các nhân viên y tế Brazil đang nỗ lực chăm sóc cho các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.

Nam Mỹ chịu sự “tấn công” của dịch Covid-19 muộn hơn so với những nơi khác. Giữa tháng 4, khu vực 430 triệu dân này chứng kiến hơn 83.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và gần 4.000 bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, riêng tại Brazil, số ca dương tính đã lên tới hơn 350.000 người, với hơn 21.000 ca tử vong. Nước này nhanh chóng vượt qua Italia, Anh và Tây Ban Nha, trở thành một trong những điểm nóng về dịch bệnh. Tình hình cũng không mấy khả quan tại các quốc gia còn lại trong khu vực. Peru, Chile thuộc nhóm 20 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. Ecuador, Colombia và Argentina đều ghi nhận trên 10.000 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Theo Giám đốc điều hành các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan, vẫn còn nỗi lo ở nhiều quốc gia khác, song nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Brazil. Hầu hết các ca bệnh của Brazil tập trung tại khu vực đông dân cư như Sao Paulo, nhưng bang Amazonas lại là nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất - cứ 100.000 dân thì có 490 người mắc bệnh. Dịch bệnh còn đang lan sang các vùng xa xôi hẻo lánh và hầu như không có hệ thống chăm sóc y tế. Các chuyên gia cho rằng tới tháng 6, dịch Covid-19 ở Brazil mới đạt đỉnh và số ca lây nhiễm thực tế có thể cao hơn thống kê chính thức rất nhiều do nước này bị giới hạn về năng lực xét nghiệm.

Chuyên gia chính sách y tế Evangelina Martich thuộc Đại học Carlos III Madrid (Tây Ban Nha) cho rằng, Nam Mỹ từng có lợi thế hơn so với các khu vực khác trên thế giới khi dịch bệnh bùng phát muộn, cho phép các quốc gia rút ra bài học kinh nghiệm từ các mô hình ứng phó và chuẩn bị kỹ lưỡng cho nguy cơ xảy ra khủng hoảng.

Tuy nhiên, một trong những lý do khiến các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội trở nên kém hiệu quả là tình trạng đói nghèo. Người nghèo chiếm khoảng 30% dân số Nam Mỹ, với hàng triệu người sinh sống trong các khu ổ chuột và không có đủ nước sạch để dùng hay không gian bảo đảm giãn cách tối thiểu 2m. Bên cạnh đó, hơn 50% dân số khu vực làm các công việc không chính thức như bán hàng rong, nghệ sĩ đường phố… Họ không có khả năng trang trải cuộc sống và cũng không có nguồn thu nhập tích trữ trong trường hợp khẩn cấp.

Đặc biệt, hầu hết chính phủ các nước Nam Mỹ còn chưa hoàn toàn bước ra khỏi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 thì lại tiếp tục hứng chịu nguy cơ kinh tế bị suy thoái do đại dịch. Chịu tác động nghiêm trọng nhất là các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Venezuela và Ecuador (xuất khẩu dầu) hay Chile, Peru và Bolivia (xuất khẩu kim loại). Do đó, chính phủ các nước cũng không có khả năng hỗ trợ quá nhiều cho các doanh nghiệp và người lao động. Chuyên gia về hệ thống chăm sóc sức khỏe Nam Mỹ tại

Đại học California (Mỹ) Sara Niedzwiecki nhận định, giường bệnh hay thiết bị y tế như máy thở đã thiếu hụt ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hầu hết các quốc gia Nam Mỹ, ngoại trừ Argentina, có ít hơn 3 giường bệnh trên 1.000 dân.

Tốc độ lây nhiễm chóng mặt cùng những khó khăn đang đặt ra cho thấy, việc khống chế dịch Covid-19 tại Nam Mỹ không hề dễ dàng. Điều này cũng đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng về kinh tế và sức khỏe cộng đồng đang từng bước đe dọa khu vực này.