Mỹ ra "tối hậu thư" với tình báo Úc: Liệu đã muộn?

Bang Victoria đi đêm với Trung Quốc tham gia sáng kiến Vành đai-Con đường, Mỹ cảnh báo quan hệ tình báo.

by

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, Mỹ mới đây tiếp tục đưa mối quan hệ tình báo với Úc vào rủi ro sau khi một bang của nước này đã ký kết với Trung Quốc để tham gia vào các dự án hạ tầng của nước này trên khắp thế giới.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/25/432838/vi-vanh-daicon-duong-my-siettinh-bao-ucdaqua-muon_25837856.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây cảnh báo nước này có thể loại Úc khỏi mạng lưới chia sẻ tình báo then chốt giữa các đồng minh, tức Ngũ Nhãn, nếu bang Victoria, Úc tham gia sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc.

Phía Mỹ yêu cầu Australia cung cấp thông tin chi tiết về việc bang Victoria ký kết với phía Trung Quốc liên quan đến sáng kiến “Vành đai - Con đường”. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến quan hệ đối tác tình báo giữa Mỹ và Úc theo cơ chế Ngũ Nhãn.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào liên quan đến cơ sở hạ tầng viễn thông, hoặc bất cứ yếu tố có thể gây hại cho an ninh quốc gia khi chia sẻ tình báo với đối tác Ngũ Nhãn” - Ngoại trưởng Pompeo cho biết, đề cập đến liên minh chia sẻ tình báo giữa Úc, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ.

Nếu thỏa thuận của bang Victoria tác động tiêu cực đến Mỹ, “chúng tôi lập tức ngắt kết nối, đường ai nấy đi”.

Ông cam kết chính quyền Washington sẽ duy trì sự tín nhiệm, tin cậy lẫn nhau trong liên minh Ngũ Nhãn và kêu gọi các đối tác, đặc biệt là Úc, hãy làm điều tương tự.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews tham gia sáng kiến hạ tầng "Vành đai- Con đường" của Trung Quốc. Động thái của bang này cũng không được Chính quyền trung ương ủng hộ.

Nhưng việc ký kết hiện đã hoàn thành. Tháng 10/2019, Thủ hiến Daniel Andrews đã ý thỏa thuận khuyến khích các công ty cơ sở hạ tầng Trung Quốc thiết lập sự hiện diện tại bang Victoria và tham gia đấu thầu các dự án then chốt tại đây. Lễ ký kết là động thái thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sau khi biên bản ghi nhớ cho hiệp ước này được ký kết vào một năm trước đó. 

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/25/432838/vi-vanh-daicon-duong-my-siettinh-bao-ucdaqua-muon_25837773.jpg
Ký kết hợp tác giữa bang Victoria và Trung Quốc.

Khi đó, Thủ hiến bang Victoria nói: "Chúng tôi tự hào về mối quan hệ sâu sắc với đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta, và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào tiểu bang của chúng tôi".

Hội đồng phụ trách theo dõi việc thực hiện thỏa thuận sẽ do đích thân Thủ hiến Andrews và quan chức Trung Quốc Ning Jizhe đồng chủ trì, hội họp nửa năm một lần. Lĩnh vực hợp tác đầu tiên là “thúc đẩy sự góp mặt của các công ty xây dựng Trung Quốc trong dự án thi công cơ sở hạ tầng của bang Victoria, cũng như tăng cường vị thế của doanh nghiệp Victoria trên thị trường Trung Quốc”.

Chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến khích các công ty xây dựng trong nước thành lập chi nhánh tại Victoria. Đổi lại, chính quyền tiểu bang cũng đồng ý gửi phái đoàn đến tìm hiểu cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân.

Thủ hiến Andrews khẳng định thỏa thuận này sẽ giúp các công ty kỹ thuật và thiết kế của Victoria gia tăng phần thắng trong các phiên đấu thầu cho dự án thuộc sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” mà Trung Quốc đang xúc tiến tại nhiều quốc gia.

Thời điểm đó, ký kết giữa Bang Victoria và Trung Quốc đã kích hoạt phản ứng từ chính quyền trung ương.

Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, người từng cáo buộc ông Andrews xem nhẹ lợi ích quốc gia.

“Ông ấy dựa vào đâu mà khẳng định động thái này sẽ mang lại lợi ích cho đất nước nói chung và Victoria nói riêng?” - ông Dutton chất vấn.

Bên cạnh việc lên án hành vi của Thủ hiến bang Victoria, ông còn đề cập đến chương trình hợp tác đang diễn ra giữa Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) và các trường đại học để ngăn chặn bàn tay can thiệp của nước ngoài vào vấn đề nội bộ của Úc.

Dự án của Trung Quốc được coi là mối quan ngại của nhiều quốc gia, trong khi thực tế đã xảy ra tình trạng các quốc gia phải đánh đổi một phần sở hữu chủ quyền vì không thể trả nợ cho công ty Trung Quốc.