Tỷ phú Phạm Nhật Vượng siết chặt để dồn sức làm lớn
by VietNamNet News, https://www.facebook.com/vietnamnet.vnTỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tin tưởng vào mảng bất động sản trong khi thận trọng với các mảng kinh doanh khác, nhất là mảng mặt bằng bán lẻ. Địa ốc vẫn là trụ cột để tập đoàn của tỷ phú giàu nhất Việt Nam bứt phá.
Tỷ phú Việt bỏ ngàn tỷ lập trại nuôi heo, giành phần với đại gia TháiĐại gia lên núi ở ẩn, vợ hô bán tất tay tài sản thu tiền tươi
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố kế hoạch kinh doanh 2020 với nội dung nổi bật là lợi nhuận giảm 35% so với cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 5 ngàn tỷ đồng.
Tập đoàn Vingroup ông Vượng cũng định hướng quản lý chặt chi tiêu và đề xuất cổ đông phương án không chia cổ tức năm 2019, giữ lại để đầu tư kinh doanh.
Theo kế hoạch, Vingroup của tỷ phú Vượng sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào ngày 28/5. Nội dung được được ban tổng giám đốc trình cổ đông cho thấy doanh thu của tập đoàn sẽ tăng khoảng 12%, quy mô hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục được mở ra, nhưng lợi nhuận dự kiến sẽ giảm mạnh.
Trong năm 2019, doanh thu thuần của Vingroup tăng nhẹ 7% lên mức hơn 130 ngàn tỷ (5,6 tỷ USD) và lợi nhuận tăng khá mạnh thêm 24% so với năm trước đó lên trên 7,7 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, quy mô hoạt động của Vingroup vẫn tăng lên cho dù tập đoàn này cuối 2019 đã chuyển giao mảng bán lẻ - chuỗi cửa hàng, siêu thị Vinmart/Vinmart+ cho Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Mảng bất động sản của Vingroup vẫn có kế hoạch kinh doanh khá ấn tượng. Vinhomes - DN quản lý mảng BĐS của Vingroup lên kế hoạch doanh thu 97 ngàn tỷ đồng trong năm 2020, tăng 88% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế 31 ngàn tỷ đồng, tăng 27% so với 2019 nhưng dự kiến không chia cổ tức 2019 cho dù lãi lũy kết tới cuối năm vừa qua là gần 11,9 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận giữ lại để đầu tư.
Đơn vị quản lý mặt bằng bán lẻ của Vingroup là Vincom Retail (VRE) cũng trình kế hoạch lợi nhuận 2020 giảm 12% xuống còn 2,5 ngàn tỷ đồng và không chia cổ tức 2019, mục đích cũng là để đầu tư kinh doanh.
Theo kế hoạch, Vincom Retail sẽ tham gia vào kinh doanh mới du lịch bán lẻ, với sản phẩm nổi bật là Grand World Phú Quốc. Hiện, VRE vận hành 79 trung tâm thương mại trên cả nước.
Vinhomes (HoSE: VHM) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào ngày 29/5. Điểm mới trong 2020 là Vinhomes sẽ tăng cường bán hàng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, thay vì chủ yếu phân phối qua đại lý như trước kia.
Năm 2020 là Vinhomes sẽ đẩy mạnh phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp tại các thành phố lớn trong bối cảnh dòng vốn FDI đổ mạnh và Việt Nam và dự báo một làn sóng mới sẽ tìm Việt Nam. Vingroup có thuận lợi là có kinh nghiệm trong phát triển quỹ đất và có mối quan hệ với nhiều tập đoàn, nhà sản xuất quốc tế.
Vinhomes tiếp tục mở bán các phân khu mới thuộc 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park, mở bán phân khu thấp tầng tại dự án Vinhomes Wonder Park tại Đan Phượng, Hà Nội.
Với mảng công nghiệp, VinFast và VinSmart tập trung vào bán hàng tại thị trường trong nước, tận dụng tối đa hệ sinh thái Vingroup tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm đồng thời xúc tiến xuất khẩu.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 25/5, chỉ số VN-Index giảm nhẹ và dao động quanh ngưỡng 850 điểm. Các cổ phiếu blue-chips tiếp tục phân hóa. Cổ phiếu ngân hàng, tài chính, hàng tiêu dùng… có xu hướng tăng điểm.
Theo Rồng Việt, TTCK đã chìm vào sắc đỏ của phiên cuối tuần mặc dù trước đó thị trường đã có ngày rất hào hứng. VDSC nhận định xu hướng của thị trường chứng khoán hiện tại đang đi vào giai đoạn khó khăn và sự lựa chọn cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang dần co hẹp lại. Do vậy các nhà đầu tư cần thận trọng trong thời điểm này và cố gắng hạn chế giải ngân khi chưa có tín hiệu tốt của thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/5, VN-Index giảm 9,99 điểm xuống 852,74 điểm; HNX-Index tăng 1,3 điểm lên 107,04 điểm. Upcom-Index giảm 0,12 điểm xuống 54,25 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5 ngàn tỷ đồng.
V. Hà