Các phương thức xét tuyển bảo đảm đầu vào

by

Các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển để bảo đảm việc tuyển thí sinh có chất lượng đầu vào theo tiêu chí của trường và quan trọng hơn là tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh của trường

https://image-us.24h.com.vn/upload/1-2020/images/2020-03-12/box-textlink-corona---d---ch-1583976802-240-width206height30.png

Theo đề án tuyển sinh của nhiều trường ĐH, có 5 phương thức xét tuyển chủ yếu (có nhiều trường sử dụng và có nhiều thí sinh tham gia).

Tuyển thẳng

Theo Quy định tuyển thẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT; điều 7 mục 2 khoản e), học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia sẽ được các trường đại học tuyển thẳng. Tuy nhiên, số lượng thí sinh thuộc diện này hằng năm rất ít, cả nước chỉ có khoảng 3.000 học sinh và phần đông các học sinh này đều chọn xét tuyển thẳng vào các trường danh giá top trên. Nhiều học sinh thuộc diện này cũng có học bổng du học nước ngoài ngay sau kỳ thi tốt nghiệp.

Ưu tiên xét tuyển theo quy định của trường

Nhiều trường quy định xét tuyển thẳng theo các tiêu chí của trường, ví dụ như các trường thành viên ĐHQG TP HCM xét tuyển thẳng học sinh của các trường chuyên và của các trường thuộc top 100 trường THPT có kết quả thi THPT cao nhất nước; Trường ĐH Tài chính - Marketing tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT năm 2020 có kết quả 3 năm học THPT liên tục đạt loại giỏi; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố... ĐHQG Hà Nội ưu tiên xét tuyển thẳng các học sinh đã tham dự kỳ thi tháng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia có kết quả học 5 học kỳ THPT loại giỏi. Các chứng chỉ quốc tế như SAT, IELTS, TOEFL... cũng là tiêu chí ưu tiên xét tuyển thẳng của nhiều trường ĐH như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

https://image-us.24h.com.vn/upload/2-2020/images/2020-05-25/1590372711-ed140ba348cd70a75e66eaf6aa49d946.jpg

Học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: TẤN THẠNH

Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT

Trong những năm trước, đây là phương thức được hầu như tất cả trường ĐH sử dụng và có khoảng 75% học sinh khi dự thi tốt nghiệp có đăng ký xét tuyển theo phương thức này (bằng cách ghi phiếu đăng ký xét tuyển nộp đồng thời với hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp). Năm 2020, dù kỳ thi được thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung (không bắt buộc học sinh phải dự kỳ thi tốt nghiệp THPT) nhưng dự đoán đây cũng sẽ là phương thức được nhiều học sinh lựa chọn nhất trong năm 2020, ước dự đoán có thể ở mức trên 500.000 học sinh. Nhiều trường ĐH đã công bố tiếp tục sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường ĐH trong việc duy trì hệ thống đăng ký xét tuyển và lọc ảo khi xét trúng tuyển.

Xét tuyển theo học bạ

Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng đây là phương thức xét tuyển phổ biến thứ 2 sau phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài những trường ĐH tư thục và các trường ĐH địa phương đã áp dụng phương thức xét tuyển từ học bạ THPT từ nhiều năm qua, năm 2020 này có nhiều trường ĐH công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn cũng xét tuyển theo học bạ THPT như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Tài chính - Marketing. Các tiêu chí xét tuyển theo học bạ THPT cũng rất khác nhau, tùy theo quy định của trường ĐH. Khi mục tiêu chính của kỳ thi năm 2020 được Bộ GD-ĐT xác định là để xét tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH cũng đã điều chỉnh tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ và đẩy thời gian nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức này lên rất sớm, thậm chí từ cuối tháng 3-2020 và không dùng kết quả học kỳ 2 của năm lớp 12.

Xét tuyển theo kết quả kỳ thi riêng

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh 2020 quy định điều kiện tổ chức thi riêng, chỉ còn một số ít trường công bố tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển như trường ĐH Việt Đức, ĐHQG TP HCM. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM dự kiến tổ chức thi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện còn đang cho học sinh tiếp tục đăng ký dự thi đến ngày 15-6. Đến thời điểm này, đã có hơn 61.000 thí sinh đăng ký dự thi và có gần 60 trường ĐH sử dụng chung kết quả để xét tuyển như ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing... và nhiều trường ĐH trên địa bàn TP HCM.

Kỳ thi được tổ chức tại 5 cụm Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), TP HCM, Bến Tre và Long Xuyên (An Giang). Nhiều địa phương có tỉ lệ học sinh lớp 12 đăng ký dự thi rất đông (TP HCM, Bình Dương có khoảng 25%; Tiền Giang, Tây Ninh có gần 20% học sinh lớp 12 đăng ký dự thi). Đặc biệt, phần lớn học sinh đăng ký dự thi là học sinh trường chuyên và các trường THPT có kết quả học tập cao của các địa phương, do đó đây sẽ là nguồn thí sinh có chất lượng đầu vào tốt cho các trường ĐH dùng chung kết quả xét tuyển. 

Trúng tuyển "ảo" sẽ cao

Đến thời điểm này, một số trường ĐH đã công bố kết quả xét tuyển theo phương thức học bạ đợt 1. Nhưng theo quy chế tuyển sinh 2020, trường ĐH chỉ được gửi giấy thông báo trúng tuyển khi học sinh đã tốt nghiệp THPT. Dự báo năm 2020, tỉ lệ trúng tuyển ảo của phương thức xét học bạ sẽ rất cao và các trường ĐH tư thục xét tuyển theo phương thức học bạ sẽ khó khăn nhiều hơn những năm trước.

Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-phuong-thuc-xet-tuyen-bao-dam-dau-vao-20200524213633331...Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-phuong-thuc-xet-tuyen-bao-dam-dau-vao-20200524213633331.htm