Vừa mua dầu của Mỹ, Belarus rơi vào 'con đường nguy hiểm'?

Tổng thống Belarus muốn thể hiện sự độc lập của mình với Nga , tuy nhiên, theo chuyên gia, đây là một con đường đầy nguy hiểm .

by

Theo thông báo của Chính phủ Belarus hôm 15/5, Mỹ đã gửi một lô hàng 80.000 tấn dầu và sẽ cập cảng Klaipeda của Belarus vào đầu tháng 6 tới, sau khi Belarus và Nga tranh cãi về giá.

Đây là kết quả sau cuộc tranh cãi với Nga về giá, dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung cấp dầu và Belarus bắt đầu mua dầu từ các nước khác, trong đó có Mỹ. Theo cách này, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko muốn thể hiện “sự độc lập của mình với Nga”. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng đây là “một con đường đầy nguy hiểm”.

Tờ The Washington Post (Mỹ) nhận định, khi Belarus đồng ý về nguồn cung cấp dầu đầu tiên của Mỹ, đó không chỉ là một thỏa thuận thương mại mà một tín hiệu Belarus gửi tới Nga, rằng một trong những đồng minh chính của Nga đã quyết định “thử quan hệ với phương Tây”.

Cũng theo các chuyên gia, bằng cách này chính quyền của ông Lukashenko muốn cho Nga thấy họ có thể sống sót mà không cần sự “hỗ trợ” của Nga. Ông Lukashenko từ lâu đã cố gắng cân bằng, duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow, nhưng không quá thân thiết. Belarus hiếm khi đặt vai trò chính vào các chính sách của Điện Kremlin, nhưng Belarus luôn cố gắng chống lại những nỗ lực của Nga để “thành lập một nhà nước duy nhất”, mặc dù họ đã đồng ý về điều này vào năm 1999.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/25/244652/mua-dau-cua-my-belarus-roi-vao-con-duong-nguy-hiem_25650923.jpg
Belarus muốn "thoát Nga" khi chuyển sang mua dầu của Mỹ

Theo tờ báo Mỹ, dầu thường trở thành một vấn đề trong mối quan hệ của họ. Vì vậy, vào tháng 12/2019 các bên không thể đồng ý về giá dầu, Nga đã tạm thời ngừng giao hàng. Và sau đó ông Lukashenko “hứa sẽ đa dạng hóa các nguồn năng lượng”. Trước đại dịch Covid-19, Belarus đã phải tìm đến mua dầu từ Azerbaijan, Na Uy và Ả Rập Saudi. Bây giờ, dầu đến Belarus là từ Mỹ.

Quan hệ Belarus-Mỹ trở nên gần gũi hơn kể từ khi ông Lukashenko lên nắm quyền và tháng 4 vừa qua, hai nước đã chính thức nối lại quan hệ ngoại giao sau 12 năm.

Sự kiện lô hàng đầu tiên 80.000 tấn dầu có lẽ là một thử nghiệm, nếu mọi thứ suôn sẻ thì Minsk có thể tiếp tục mua các lô hàng mới. Cùng với đó là với sự hòa giải của các nước láng giềng Baltic của Belarus có thể dẫn đến sự cải thiện trong mối quan hệ giữa các bên.

Các chuyên gia lo ngại rằng, các hành động của ông Lukashenko “sẽ đưa ông và đất nước Belarus vào vùng nguy hiểm trong quan hệ với Nga”. Mặc dù Belarus không “quay lưng” lại hoàn toàn với Nga, nhưng hành động của ông Lukashenko khiến người Nga tức giận.

“Mỹ, cũng như ông Lukashenko, thích lập lại trật tự sức mạnh trên thế giới. Nhưng tầm quan trọng của Nga đối với Belarus trong chính trị còn lớn hơn nhiều”, The Washington Post dẫn lời của chuyên gia Yevgeny Preigerman trong Hội đồng Đối thoại Minsk về Quan hệ đối ngoại.

Cũng theo một chuyên gia người Belarus, ông Andrei Yegorov, tình cảm thân Nga ở Belarus đã suy giảm, và nhiều người hiện ủng hộ tăng cường hợp tác với phương Tây. Một thỏa thuận khá khiêm tốn với Mỹ không nên được đánh giá quá cao trong thời điểm này, nhưng nó có thể là một “tín hiệu” cho thấy nền kinh tế Belarus đang thực hiện bước ngoặt lớn. Đồng thời, nếu xu hướng này tiếp tục, Belarus có thể phụ thuộc tài chính vào phương Tây, các chuyên gia cảnh báo.

Trước đó, dấu hỏi về mục đích của Washington khi bán dầu cho Belarus với giá thị trường đã được đặt ra bởi giá thành sản xuất dầu của Mỹ hiện vẫn cao hơn của Nga rất nhiều, trong khi Mỹ lại có khoảng cách địa lý khá xa Belarus, do đó dầu của Mỹ được bơm tới Belarus thì chắc chắn sẽ cao hơn giá dầu của Nga.

Ngành dầu mỏ của Mỹ chỉ có lợi nhuận trong việc cung cấp dầu cho Belarus khi thứ vàng đen này có giá thị trường = giá thành sản xuất dầu của Mỹ + P (trong đó P là lợi nhuận tối thiểu được điều chỉnh theo thị trường).

Khi xảy ra cuộc chiến giá dầu, giá dầu giảm mạnh, nằm xa dưới ngưỡng giá thành sản xuất dầu của Mỹ. Như vậy, nếu cung cấp dầu cho Belarus, chắc chắn Mỹ sẽ thiệt hại không nhỏ.

Đó là chưa kể việc hàng năm Nga cung cấp cho Belarus tới 24 triệu tấn dầu với giá ưu đãi đặc biệt, trong đó Belarus chỉ sử dụng 6 triệu tấn, còn 18 triệu tấn là bán lại kiếm lời, với số tiền lên tới hơn 1,6 tỷ USD mỗi năm.

Đây là một khoản lợi kếch xù của Minsk mà Washington phải tính tới và để có thể xâm nhập thị trường Belarus, chiếm lĩnh thị phần của Nga thì Washington phải hoán đổi lợi ích.

Nghĩa là, hoặc thứ nhất chấp nhận thiệt trong việc cung cấp dầu cho Belarus để có thể hy vọng tìm được nguồn lợi từ lĩnh vực khác thay thế. Mà trong trường hợp này là rất khó và thời gian sẽ rất dài.

Bởi tỷ trọng thương mại với Nga chiếm 51% tổng giá trị thương mại của Belarus, với EU chiếm 27%, với Mỹ không đáng kể. Trong khi chính quyền Minsk lại tái cơ cấu theo tỷ trọng : 1/3 với Nga, 1/3 với EU, Mỹ và phần còn lại của thế giới chỉ có 1/3.

Hoặc thứ hai, chấp nhận thiệt hại về lợi ích kinh tế để nhận lấy lợi ích về chính trị. Và đây được xem là khả dĩ nhất, và dường như đây cũng là mục đích và động cơ của Washington ở nước đi đầu tiên trong ván cờ Belarus.

Khi Washington chấp nhận thiệt hại về lợi ích kinh tế để nhận lấy lợi ích về chính trị, tức là thực hiện nước đi "kinh tế hoá chính trị" với Belarus, thì đó được xem là lời cảnh báo nguy hại với Minsk.

Bởi khi đó Belarus chính thức rơi vào vòng xoáy Mỹ. Đặc biệt nguy hại hơn là dường như Nga cũng sẵn sàng cho thực tế ấy, khi Moscow không tiếp tục dành những ưu đãi đặc biệt cho Minsk nữa, trong đó có vấn đề giá dầu.

Với thực tế ấy, khi Mỹ cung cấp dầu cho Belarus thì không chỉ đưa "người anh em của Nga" rơi vào vòng xoáy Mỹ, mà lúc đó Washington và Moscow cùng đưa Minsk vào vòng xoáy của ngoại giao nước lớn Mỹ-Nga. Khi ấy Minsk lệ thuộc không chỉ Moscow mà cả Washington, khi đó giá trị và ý nghĩa địa chiến lược-địa chính trị của Belarus sẽ trở thành lợi ích đổi trao trong ngoại giao nước lớn Nga-Mỹ.