Luật bảo vệ người làm việc tốt: Cần hay chỉ nói vui?
Đề xuất xây dựng và ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
by Thành LuânTại phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc họi ngày 22/5, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt để phát huy hành vi đạo đức trong xã hội, bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác và tinh thần.
"Miễn là người đó hành động hợp lý, thiện chí mà không đòi hỏi, kể công cũng như chống lợi dụng làm việc tốt để vi phạm pháp luật", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.
Đề xuất này của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Qua khảo sát, nhiều người dân khi được hỏi nhận xét, việc xây dựng luật bảo vệ người làm việc tốt là hợp lý bởi bản thân họ khi thấy những trường hợp gặp khó khăn, nguy hiểm, muốn giúp đỡ nhưng lại sợ phiền phức, "làm ơn mắc oán", thậm chí rủi ro.
Chị Thu Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) tin rằng, nếu có luật bảo vệ thì xã hội sẽ có thêm người làm việc tốt, đấu tranh phòng chống, ngăn chặn những điều xác, điều ác, nhất là khi bản thân và gia đình họ được pháp luật bảo vệ.
Trong khi đó, anh Bùi Mạnh Cường (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, thật khó làm việc tốt bởi cứ phải tính toán, đề phòng.
"Đi qua ngã tư, người ăn xin ngày nào cũng đội nắng đứng xin tiền trông cũng tồi tội nhưng lại tự hỏi không biết người ta khó khăn thật không hay đấy là một nghề của họ. Trông thấy tai nạn ở đường nhiều khi cũng muốn giúp nhưng rồi lại thôi vì sợ phiền hà, rắc rối, thôi thì đành mang tiếng vô cảm", anh Cường kể.
Cũng bởi tinh thần "cảnh giác cao độ" như trên, nên anh Cường cũng khuyên con trai đang học cấp 2 hễ thấy đánh nhau ở trường thì tránh xa, không nên can ngăn làm gì.
"Những trường hợp ấy không nên đâm đầu vào làm gì, nhiều khi thiệt thân", anh Cường kết luận và cho rằng, nếu có một hành lang pháp lý bảo vệ những người làm việc tốt thì "cũng hay" nhưng lưu ý rằng, muốn làm việc tốt, quan trọng là ý thức của mỗi người trong xã hội, cũng như trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội như thế nào.
"Tôi chưa hình dung luật sẽ làm thế nào để xóa đi những hoài nghi và cả những lo lắng 'rước vạ vào thân' của những người như tôi", anh Cường chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Thành Văn (Hà Đông, Hà Nội) băn khoăn, hiện nay bảo vệ con người nói chung, quy định cứu giúp người khác, khen thưởng người làm việc tốt... đã có nhiều bộ luật điều chỉnh, như Luật Hình sự, Luật Thi đua khen thưởng..., nếu thêm Luật bảo vệ người tốt liệu có bị chồng chéo khi xử lý?
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chínd bày tỏ quan điểm, không cần một bộ luật bảo vệ người làm việc tốt bởi chúng ta đã thiết kế cơ chế khen thưởng rồi: hành vi nào tốt thì được khuyến khích, khen thưởng, đãi ngộ, hành vi nào không tốt thì phải xử lý...
"Đạo đức là chuyện cần thiết, nhưng nó mang tính tuyên truyền, giáo dục nhiều hơn, còn quản lý nhà nước phải thiết kế bằng cơ chế luật định. Chúng ta đã có Luật Thi đua khen thưởng, trong đó người làm việc tốt thì được khen thưởng, đãi ngộ cả về vật chất và tinh thần, tuyên dương trong xã hội... tất cả đều đã được quy định đầy đủ, chẳng qua là những quy định ấy có được thực hiện đến nơi đến chốn, có rõ ràng hay không mà thôi.
Tương tự, từ trước tới nay chúng ta vẫn luôn nói khuyến khích, xây dựng cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng, tiêu cực. Những vấn đề đó cũng đã có luật riêng và nước nào cũng có bởi xã hội phát triển càng cao càng cần phải bảo vệ những người như vậy. Hiện chúng ta đã có Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng... trong đó quy định đầy đủ.
Cho nên, tôi nghĩ không việc gì phải xây dựng một bộ luật riêng bảo vệ người làm việc tốt làm gì, chẳng qua nói cho vui mà thôi", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhận xét.