Cho vay tiền thu lãi suất cao rất dễ vướng vào tù tội
by ANTĐANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi thường cho mọi người vay tiền và cũng thu lãi như những người cho vay tiền khác. Xin hỏi, pháp luật quy định thế nào về việc cho vay nặng lãi? Nguyễn Tiến Thể (Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:
Trong xã hội hiện nhu cầu vay vốn để giải quyết các công việc trước mắt và lâu dài là rất lớn. Mặc dù có nhiều nguồn vốn từ Nhà nước nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận. Nắm bắt được nhu cầu này nên không ít tổ chức, cá nhân đã hoạt động tài chính một cách tự phát và thiếu hiểu biết pháp luật. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho cả hai phía... Bởi thực tế cho thấy, kiểu cho vay tiền thu lãi suất cao luôn được thực hiện dưới nhiều hình thức như núp bóng công ty tư vấn tài chính, tiệm cầm đồ, vay cá nhân…
Người vay tiền đôi khi chỉ cần CMND, sổ hộ khẩu, hoá đơn tiền điện, tiền nước hay có các loại giấy tờ khác chứng minh nơi ở và nhân thân thì đều được giải quyết một cách nhanh gọn. Và vì cần tiền để giải quyết gấp công việc nên khi vay xong rồi nhiều người mới bị các ràng buộc mà bên cho vay đưa ra để ép người vay trả nợ và thường phải chịu nhiều khoản phí như: Phí giao dịch, phạt cao khi nộp lãi chậm, cộng dồn lãi vào gốc... Từ đó nhiều cá nhân, hộ gia đình đã lâm vào cảnh tán gia, bại sản hoặc là nạn nhân trong các vụ án “Cướp tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản” hoặc “Bắt, giữ người trái pháp luật’...
Đối với câu hỏi bạn nêu thì theo quy định tại Điều 468 - Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Trường hợp cho nhau vay mượn tiền mà lãi suất do các bên thỏa thuận vượt quá 20%/năm thì khi có tranh chấp, bên vay chỉ phải trả cho bên cho vay lãi suất 20%/năm.
Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội “Cho vay lãi nặng”. Cụ thể, Điều 201 xác định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Như vậy là căn cứ vào quy định về mức lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự, nếu lãi suất cho vay gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất tối đa, tương đương từ 100%/năm trở lên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của tội “Cho vay lãi nặng” trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này phải từ 30.000.000 đồng trở lên.
Dù vậy, bạn cần hết sức lưu ý là với trường hợp cho vay lãi gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định và thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự.