TP.HCM cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2
(PL)- Bên cạnh quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục báo cáo và kiến nghị cho phép học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 3.
Chiều tối 14-2, Thường trực UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở GD&ĐT, cho phép kéo dài thời gian nghỉ hết tháng 2. Như vậy, học sinh (HS) TP.HCM sẽ được nghỉ thêm hai tuần để tránh sự lây nhiễm của dịch COVID-19.
Ngoài ra, UBND TP sẽ tiếp tục báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT cho phép HS, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP nghỉ học đến hết tháng 3. Bên cạnh đó, TP cũng kiến nghị điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ 2 từ tháng 4 đến tháng 7 để hoàn tất nội dung chương trình.
Phụ huynh vỡ òa trong niềm vui
Nhà có hai bé nên chị Nguyễn Nhung (quận 8) cảm thấy quá vui khi nhận thông tin HS tiếp tục được nghỉ học. “Đây là một quyết định đúng đắn. Bởi hiện nay tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng và có khả năng lây nhiễm cao nên cho các con đi học tôi cũng không yên tâm. May mắn tôi có ông bà nội trông giùm hai cháu. Trong thời gian cháu nghỉ, tôi cũng sẽ nhắc nhở cháu lớn ôn tập. Mặt khác, trường giao bài qua các group Zalo nên tôi cũng không sợ cháu sẽ quên kiến thức. Điều quan trọng là sự an toàn và sức khỏe của các con” - chị Nhung nói.
“Cám ơn chính quyền TP đã lắng nghe nỗi lòng của phụ huynh chúng tôi. Không cho con đi học thì sợ không theo kịp bạn bè, nhưng mà nếu đi học thì HS cấp I rất dễ bị lây nhiễm. Không lẽ bắt các bé phải mang khẩu trang suốt trong giờ học, mà không đeo khẩu trang thì sợ các cháu bị lây nhiễm rồi ai sẽ chịu trách nhiệm? Nên việc cho các con nghỉ tiếp là một quyết định đúng đắn” - chị Huỳnh Như Thủy (quận Thủ Đức) bày tỏ.
Có hai con đang học mầm non và tiểu học, lại không có người thân hỗ trợ nhưng chị Thúy Anh (quận 3) cũng ủng hộ việc tiếp tục cho HS nghỉ học. “Học thì học cả đời. Vợ chồng tôi sẽ vất vả hơn trong việc chăm con. Sắp tới tôi cũng tìm chỗ gửi con. Tất cả là vì sức khỏe của cộng đồng. Con cái đi học mà cha mẹ thấp thỏm không yên tâm thì một ngày trôi qua như là cực hình” - chị Thúy Anh nói.
Đầu tư vào việc dạy online
Bên cạnh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, các trường cũng lên kế hoạch đầu tư chuyên sâu vào các ứng dụng để dạy học online cho HS.
Tại Trường THCS Minh Đức, quận 1, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết do tình hình dịch bệnh không lường trước nên trong hai tuần vừa qua, trong giải pháp tình thế, nhà trường đã triển khai tất cả các kênh có thể sử dụng được để dạy học online. Đó có thể là trang fanpage của trường, cổng thông tin điện tử của trường, tin nhắn điện tử cho HS. Giáo viên (GV) vận dụng được công cụ nào đều được nhà trường chấp nhận và khuyến khích.
33 tỉnh, thành quyết định cho HS đi học trở lại từ ngày 17-2, tính đến tối 14-2.
Bao gồm: Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Long An, Tiền Giang, Quảng Nam, Cà Mau, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Phước, Cần Thơ, Hà Nam, Đà Nẵng, Yên Bái, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hòa Bình, Điện Biên, Kiên Giang, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hiện tại, cả nước có sáu tỉnh/thành cho HS nghỉ đến hết ngày 23-2, gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hưng Yên. Riêng TP.HCM, Đà Nẵng cho HS nghỉ đến hết tháng 2.
“Thế nhưng với việc kéo dài thời gian nghỉ của HS đến hết tháng 2, nhà trường sẽ tổ chức việc học online bài bản, khoa học hơn. Sắp tới, nhà trường đã liên hệ với Microsoft Việt Nam để mời chuyên gia về tập huấn kỹ phần mềm Office 365 cho các GV. Bởi phần mềm này có nhiều tính năng giúp GV giám sát HS trong quá trình học. Từ đó, GV không chỉ sử dụng trong mùa dịch mà còn có thể phát triển theo xu hướng dạy học tương lai trên thế giới, đó là xây dựng những khóa học online” - bà An nhấn mạnh.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay nhà trường đang vận dụng phần mềm 789 để dạy học online cho HS. Thông qua hệ thống phần mềm học tập đang triển khai, tất cả GV của trường sẽ hướng dẫn HS truy cập theo tài khoản đã được cung cấp để ôn tập kiến thức đã học. Bên cạnh đó, tại các lớp, GV chủ nhiệm đều có group riêng có thể trao đổi, thảo luận với HS về những kiến thức ôn tập.
Lo lắng HS nghỉ học thời gian dài sẽ quên kiến thức, với những kiến thức có được, cô Nguyễn Bích Chi, GV Trường THCS Vân Đồn, quận 4, cũng đã và đang sử dụng phần mềm Office 365 để giảng dạy online cho học trò. Qua phần mềm này, cô Chi giúp HS ôn tập format đề thi tuyển sinh 10 để các em làm quen và định hướng trọng tâm đề thi.
Trong khi đó, từ giữa tuần này, nắm bắt tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Trường THPT Nguyễn Du đã mời chuyên gia công nghệ về tập huấn cho GV toàn trường về việc làm chủ công nghệ để dạy học trực tuyến.
Sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học
Đây là khẳng định của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khi trả lời báo chí về ảnh hưởng của dịch COVID-19 vào ngày 14-2.
Bộ trưởng Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học.
Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho HS tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).
“Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành và các địa phương, tuy nhiên qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, tại từng địa phương. Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của HS, GV là trên hết” - ông Phùng Xuân Nhạ lưu ý.